- Xin nói trước là bài viết này không đề cập đến vấn đề chính trị, không ủng hộ hay phản đối Donald Trump mà chỉ phân tích kỹ hơn về con người Trump và phong cách lãnh đạo của ông.Nếu coi nước Mỹ như một công ty đang suy yếu thì Trump là vị CEO mới có vai trò vực dậy công ty. Và khi mới vừa nhậm chức, ông ngay lập tức lao vào cải tổ một cách mạnh mẽ, đôi khi có phần cực đoan toàn bộ hoạt động, bộ máy cũng như đối tác của công ty có được trong hàng thập kỷ qua. Chỉ trong vòng 1 tuần sau khi nhậm chức, ông đã tiến hành ngay 3 việc không tưởng đó là: 1. Rút khỏi TPP, 2. Xây tường ngăn cách biên giới với Mexico, 3. Ban hành lệnh giới hạn nhập cư với 7 nước hồi giáo. Mục tiêu duy nhất của Trump là mang lại lợi ích tối đa cho nước Mỹ.
Chiến thắng của Trump trong cuộc tranh cử không phải bỗng dưng mà có, và Trump cũng không phải tay mơ về chính trị. 16 năm trước ông đã lên kế hoạch tham gia tranh cử. Lần đầu tiên vào năm 2000 và lần thứ 2 vào năm 2011 (nhưng sau đó ông rút lui vì có lẽ cảm thấy chưa đúng thời điểm). Ông cũng đã cho xuất bản 2 cuốn sách về chính sách công, đề ra những thuyết sách nghiêm túc giúp nước Mỹ hùng cường. Các chính sách ông đề ra với giọng điệu mạnh mẽ, không khoa trương, phân biệt rõ đâu là thù và đâu là bạn, đâu là mối nguy và đâu là những lợi ích cho nước Mỹ.
Trump không bí hiểm, trái lại cuộc đời ông ta phơi bày trên mặt báo với tính cách và đặc điểm dễ nhận ra: Thực dụng, lọc lõi, không bao giờ chịu thua và đặc biệt, Trump là một chính khách phi truyền thống: Sẵn sàng ngồi xổm lên dư luận và sẵn sàng xoay dịch lại mọi cam kết theo hướng có lợi cho mình. Với các đồng minh, Trump vừa dễ đánh giá lại vừa không đáng tin. Với các đối thủ, Trump dễ bị bắt bài nhưng lại vô cùng khó chơi. Trump cũng là một thành phần khó đoán bởi tính hay thay đổi của mình, vì theo ông đó là điều cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại hơn là cố giữ khư khư một luận điểm đã lỗi thời.
Ông cho rằng một tổng thống Mỹ nên là một Deal Maker (người quyết định từng thương vụ) thay vì là một Chess Player (người chơi cờ). Vì đơn giản rằng trong thế giới hiện đại khó mà có một chính sách ngoại giao chung chung được.
Khác với Chess Player vốn là một người phải chơi theo chiến lược và chiến thuật định sẵn, một Deal Maker là một người nắm giữ nhiều lựa chọn và lối chơi khác nhau, đánh giá lợi ích cạnh tranh của từng thương vụ, và luôn luôn đặt lợi ích bản thân lên hàng đầu. Một Deal Maker biết khi nào nên tiến và khi nào nên lùi, khi nào thì chân thật và khi nào thì hăm dọa, và anh ta phải hiểu rằng một khi anh ta hăm dọa thì phải chuẩn bị để thể hiện sự hăm dọa đó một cách mạnh mẽ và thực tế. Một Deal Maker rất tinh ranh, thực dụng, tập trung, và không bao giờ chịu dàn xếp nếu anh ta nhận ít hơn điều anh ta muốn. Việc rút khỏi TPP, giới hạn chính sách nhập cư và xây tường biên giới Mexico trong những ngày đầu nhậm chức của Trump thể hiện rất rõ các tính cách này của một Deal Maker. Không quan tâm ảnh hưởng tới ai, chỉ quan tâm lợi ích quốc gia là số một.
Người ta vẫn bảo: cải cách mà không có sự phản đối thì chứng tỏ đó là cải cách tồi hoặc chưa phải là cải cách. Những hành động của Trump trong 7 ngày đầu đã vấp phải sự phản đối vô cùng mạnh mẽ cả trong và ngoài nước, cả phe đồng minh lẫn phe đối lập. Nhưng thực tế, để cải cách cần phải cực đoan, như Steve Jobs đã từng làm để vực dậy Apple đang bên bờ vực phá sản vậy. Cần phải thể hiện mình là một lãnh đạo phong cách Deal Maker, lựa chọn những mục tiêu phù hợp, loại bỏ những vấn đề không cần thiết gây bất lợi để tập trung nâng cao lợi ích của bản thân, công ty hay của một quốc gia.
Phong cách lãnh đạo của Trump rất phù hợp với những công ty cần sự cải tổ. Và nước Mỹ hiện nay có vẻ như đang cần điều đó, hi vọng sẽ mang lại một sức mạnh mới như Trump từng tuyên bố khi ra tranh cử “Make America Great Again”.
Leave a Comment