Thanh bóc điếu xì gà châm, hỏi tôi.
– Đi mệt không, cậu việc gì phải mất công thế. Xong rồi thì thôi chứ.
Tôi đặt đồ bên cạnh ghế nói.
– Em nói anh rồi, với anh là xong. Nhưng với em thì em không thể để ngừng câu chuyện mà không có kết thúc. Còn bao nhiêu câu hỏi của mọi người bạn đọc.
Thanh phất tay.
– Ừ thì anh chiều chú, chú hỏi gì anh trả lời tất.
Trước đó một quãng thời gian, tôi không gặp người của Thanh. Mới rồi người của Thanh nói anh ta đã ổn định, có giấy tờ hợp pháp và đã bắt đầu vào cuộc sống mới. Tôi đề nghị họ cho tôi được phỏng vấn Thanh một cách chính thức, không phải là những câu chuyện vụn vặt đã kể trong các phần Dê Tế Thần hay Đường Xa Vạn Dặm. Lúc đầu họ có vẻ thoái thác, nhưng tôi nói rằng họ không đồng ý cũng không sao. Vì chả có gì ràng buộc, nhưng nếu thế tôi sẽ mang tiếng với độc giả của mình để câu chuyện ở một màn sương khói ai hiểu ra sao thì hiểu.
Ý tôi muốn nói, các anh chơi thế không đẹp. Xong của phần các anh, các anh đứng dậy đi. Để tôi ở lại chịu hoài nghi của dư luận.
Tất nhiên những người như họ hiểu tôi trách gì, lập tức họ đồng ý.
– Nếu Hiếu cần thiết phải thế, bọn tôi sẽ làm theo ý Hiếu. Chúng tôi nghĩ không cần, nhưng Hiếu cần thấy phải thế thì không có gì cả. Anh em có duyên mới chiến cùng, Hiếu đừng lo, chúng tôi sẽ bố trí sớm.
Tôi lấy máy tính trên bàn, xin nước nóng pha trà mạn, trà tôi mang theo. Khó mà biết được nơi đến có thứ đồ uống mình thích hay không. Nên tôi đi đâu xa vẫn thường mang trà theo như vậy.
Thanh đứng dậy, anh ta đi lấy một xấp hồ sơ trở lại bàn và ngồi ngay ngắn sẵn sàng trả lời.
Tôi vào việc ngay, vì không biết sẽ mất bao thời gian. Tôi cần quay về sớm, hoàn cảnh gia đình tôi hiện nay đang rất nhiều việc phải lo, tôi đi vắng vài ngày lúc này mà tâm trạng lo ngay ngáy việc gia đình.
Phần câu hỏi đáp, tôi sẽ ghi nguyên dưới đây cho các bạn tiện theo dõi. Có lẽ do bị ảnh hưởng của nhiều lần bị công an hỏi cung, nên những câu hỏi của tôi khô khan không mang âm điệu dân dã bình thường.
*
Người Buôn Gió (NBG) phỏng vấn Trịnh Xuân Thanh (TXT)
NBG: Xin ông giới thiệu ngắn gọn về bản thân?
TXT: Tôi là Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13 tháng Hai năm 1966, đã tốt nghiệp Đại học kiến trúc Hà Nội. Bố tôi là Trịnh Xuân Giới, sinh năm 1938, nguyên Phó ban dân vận trung ương đảng. Mẹ tôi là bác sỹ Đàm Thị Ngọc Kha, sinh năm 1942. Cả bố mẹ tôi đều đã nghỉ hưu. Tôi có vợ và bốn con.
NBG: Báo chí nhà nước đặt nghi vấn về việc bằng cấp của ông, chẳng hạn như tờ Dân Việt ngày 28 tháng 9 năm 2016 đặt vấn đề này, ông có ý kiến gì.?
TXT: Tôi có bằng từ năm 2002 và đã đưa bằng tốt nghiệp đại học vào hồ sơ lý lịch cán bộ. Đến nay sau 14 năm, báo chí khơi ra việc này, thử hỏi trách nhiệm của báo chí và các cơ quan khác ở đâu trong 14 năm đó nếu như tôi bằng cấp của tôi có vấn đề. Phải để đến khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng săm soi tôi báo chí mới để ý, như thế nếu tôi có sai mà không có chỉ đạo của tổng bí thư đảng thì báo chí cũng làm ngơ sao?
NBG: Tại sao đến năm 2002 ông mới có bằng, lúc đó ông đã 36 tuổi?
TXT: Năm 1990 tôi đã bảo vệ tốt nghiệp, khoá 85D (lớp trưởng lúc đó là Bảo hiện đang làm ở dầu khí, lớp phó Thiện hiện đang làm phó ban dự án xây dựng của Tổng cục thuế, bí thư đoàn tên Hào cũng làm ở dầu khí). Sau đó tôi có cơ hội đi sang Đức làm việc, tôi không kịp ở lại nhận bằng. Ở hoàn cảnh xã hội và hoàn cảnh tôi lúc đó thì chẳng ai nghĩ chuyện nhận bằng để mà bỏ lỡ cơ hội đi nước ngoài làm cả. Nhiều năm sau tôi thấy cần đến bằng mới vào trường xin cấp lại, đó là năm 2002.
NBG: Ông cho biết đã trải qua chức vụ nào ở Tổng công ty xây lắp Dầu Khí (PVC)?
TXT: Tháng 8 năm 2007 tôi đang làm Tổng giám đốc Công ty xây dựng Sông Hồng thuộc Bộ Xây Dựng thì có văn bản của Tập đoàn Dầu Khí do chủ tịch Tập đoàn là Đinh La Thăng ký xin tôi về làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây lắp và thiết kế dầu khí (PVECC) và được sự đồng ý của Bộ Xây Dựng.
NBG: Khi ông đến PVECC thì tình hình ở đó thế nào?
TXT: Khi đó vốn điều lệ của Công ty là 150 tỷ, nhưng thực tế đã mất vốn và đang trên dự định giải tán. Chủ tịch Tập đoàn Dầu Khí đã chỉ đạo tôi lập phương án thành lập Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khi Việt Nam (PVC) trên cơ sở 6 xí nghiệp của công ty PVECC thành 6 công ty TNHH một thành viên vốn nhà nước. Đó là các công ty: công ty TNHH xây dựng công nghiệp và dân dụng, công ty TNHH kết cấu kim loại, công ty TNHH xây lắp đường ống và bồn bể, công ty TNHH xây lắp dầu khí miền Trung, công ty TNHH xây lắp dầu khí miền Nam, công ty TNNH xây lắp dầu khí Hà Hội. Tôi trở thành tổng giám đốc PVC, thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam, vào ngày 21 tháng 11 năm 2007.
NBG: Ông đã trải qua những chức vụ nào trong công ty PVC ?
TXT: Như đã nói, từ 11.2007 đến 02.2009 tôi làm Tổng giám đốc PVC. Sau đó, từ 02.2009 đến 08.2013 tôi làm Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC.
NBG: Vậy tình hình của PVC khi thành lập thế nào?
TXT: PVC được thành lập dựa trên khung chuyển đổi của các xí nghiệp, lúc đầu không có vốn vì bản thân PVECC không còn vốn. Tình trạng kinh doanh bê bết vì thừa kế lại từ PVECC. Đến năm 2008 thì tăng vốn hoá lên 1.500 tỷ.
NBG: Tại sao có 1.500 tỷ này ?
TXT: Tại vì PVC là công ty cổ phần nên cần định giá vốn. Do vậy, những tài sản của PVC như máy móc, nhà cửa, thiết bị, trụ sở… đã được định giá và kết quả là con số 1.500 tỷ.
NBG: Định giá này được dựa trên cơ sở nào ?
TXT: Trên cơ sở chúng tôi định giá đưa lên Bộ Tài Chính và kiểm toán nhà nước .
NBG: Việc định giá những cơ sở, thiết bị của PVC có theo giá thực tế thị trường không?
TXT: Không! Có những thứ giá thị trường cao chúng tôi đánh giá theo giá thị trường. Những thứ giá thị trường không cao tại thời điểm đó, chúng tôi đánh giá bằng giá lúc mua vào. Ví dụ như những máy móc đã qua sử dụng nhiều năm, nhưng vẫn được đánh giá theo hợp đồng lúc mua mới. Còn về đất đai lúc đó đang cao giá, chúng tôi đánh giá theo thị trường.
NBG: Tại sao PVC lại không đánh giá vốn của mình thực tế theo đúng giá trị thị trường?
TXT: Thứ nhất vì ảnh hưởng của thành tích, thứ hai là để chuẩn bị cho việc đưa PVC lên sàn chứng khoán. Việc định giá vốn cao hơn thực tế như vậy sẽ có lợi cho nhà nước khi thực hiện vốn hoá trên thị trường chứng khoán.
NBG: Ông có thể cho biết giá trị thực sự của PVC lúc đó khoảng là bao nhiêu?
TXT: Giá trị thực sự khoảng 807 tỷ.
NBG: Tại sao các cấp chủ quản và có trách nhiệm lại dễ dàng đồng ý với con số 1.500 tỷ, trong khi thực tế không đến như vậy. Không lẽ họ yếu kém tới mức không biết giá trị thực là 807 tỷ?
TXT: Giá trị thương hiệu của tổng công ty được lý giải cho số vốn còn lại.
NBG: Một tổng công ty đã mất sạch vốn, được tái cơ cấu lại trên nền tảng đổ nát ấy thành một cái tên mới. Vậy thì giá trị thương hiệu của nó nằm ở đâu?
TXT: Nằm ở cái tên mới, như một tổng công ty mới ra đời đầy sức sống. Trong thời điểm sốt chứng khoán những năm đó thì nhiều nơi cũng đều định giá thương hiệu như vậy. Lúc này PVC đã thành công ty cổ phần, để cho đúng nghĩa nên đã cho một số tư nhân chủ nợ của các công ty con trước đó nắm 13%.
NBG: Trong quãng thời gian ông làm ở PVC, tổng số những lần tăng vốn là bao nhiêu?
TXT: Năm 2010 tăng vốn lên 2.500 tỷ.
NBG: So với số vốn được coi là 1.500 tỷ vào năm 2008 thì con số 2.500 tỷ này cao hơn 1.000 tỷ. Số vốn vượt này do đâu mà có ?
TXT: Từ các công ty mà Tập đoàn Dầu Khí góp vốn, gồm công ty PETROLAND, PVPOWER, PVFCLAND, IDCO Long Sơn và khách sạn Thái Bình Dầu Khí, toà nhà Dầu khí ở Bạc Liêu.
NBG: Tại sao lại có việc tăng vốn như vậy?
TXT: Đó là do quyết định của Tập đoàn dầu khí tái cơ cấu ngành dầu khí theo quyết định của Bộ Chính Trị và Thủ tướng chính phủ.
NBG: Vậy trị giá 1.000 tỷ của các công ty này được xác định ra sao?
TXT: Tính trên vốn Tập đoàn Dầu Khí góp vào các công ty cổ phần này. Trên thực tế, các công ty cổ phần này đã mất hết vốn chung của các cổ đông, cộng với tiền còn nợ ngân hàng thì các công ty này lúc đó đang cõng nợ âm.
*
Chúng tôi dừng lại nghỉ và ăn cơm, người lái xe đón tôi trong lúc chúng tôi làm việc đã nấu cơm và vài món ăn. Không ai uống rượu cả, chúng tôi ăn xong sẽ vào việc tiếp.
Leave a Comment