Quảng Cáo

Vay 80 triệu Mỹ Kim để cải cách giáo dục

Quảng Cáo


Ngày 17 Tháng 1 vừa qua, Ngân Hàng Thế Giới đã cho Bộ Giáo Dục CSVN vay gần 80 triệu Mỹ Kim để thực hiện dự án có tên là “Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông”, đặt dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Minh Thuyết.

Dự án này kéo dài trong 3 năm (2017-2020), với hai tham vọng lớn:

Một là có được một chương trình giáo dục phổ thông mới dựa trên năng lực được ban hành. Tức là làm sao biên soạn và thực hiện sách giáo khoa theo tình hình mới, và đánh giá, phân tích được kết quả học tập của học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Nỗ lực này chiếm đến 75% kinh phí.

Hai là có một tài liệu hướng dẫn dạy học và tài liệu hướng dẫn biên soạn sách giáo khoa cho các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng biên soạn sách giáo khoa được ban hành.
Dự án cho thấy là Bộ giáo dục CSVN muốn thay đổi nội dung sách giáo khoa và cách giảng dạy nhằm nâng cao năng lực của học sinh Việt Nam. Việc thay đổi này, tuy muốn và đã có tiền, nhưng có thể thực hiện được không thì còn nhiều nghi vấn.
Có hai vấn đề quan trọng để dự án 80 triệu Mỹ Kim không trở thành hoang phí như những lần cải cách trước đây. Đó là vấn đề triết lý giáo dục và chủ nghĩa Mác – Lênin phải được khẳng định rõ ràng.

Triết lý giáo dục

Ông Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng nói rằng Việt Nam đã có triết lý giáo dục, và ông Đam đã nói về triết lý này như sau:
“Triết lý giáo dục của Việt Nam trước hết là triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế.”
Đây chẳng khác nào là những khẩu hiệu đã được lập đi lập lại trong các Báo cáo chính trị hay những Nghị quyết sau mỗi kỳ họp của Trung ương đảng. Tuy nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng lại quá chung chung, không có gì cụ thể để đạt được những tôn chỉ nhắm tới, và không nói lên một chủ điểm rõ rệt là giáo dục Việt Nam dựa trên nền tảng chính yếu nào.

Phát biểu hôm công bố dự án, ông Nguyễn Minh Thuyết, được giới thiệu là Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, nói rằng triết lý giáo dục của Việt Nam là “thực học – thực nghiệp và bảo đảm tính dân chủ.”

Ông Nguyễn Minh Thuyết

Tuy nói lên được nhu cầu thực tế của xã hội Việt Nam hiện nay vì nạn sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm và xã hội phi dân chủ, nhưng triết lý giáo dục này cũng chỉ nhằm loay hoay giải quyết tình hình hiện tại, không có định hướng cho một nền tảng giáo dục lâu dài, và sẽ nhiều phần bế tắc khi vẫn bị hệ thống Mác – Lê độc tài và lạc hậu kềm tỏa.
Do đó mà hệ thống giáo dục dưới thể chế xã hội chủ nghĩa, dù có đề ra những mục tiêu hay đẹp tới đâu, có đầu tư bao nhiêu tiền bạc, cũng chỉ trở thành một thứ tạp nhạp, phục vụ cho nhu cầu bảo vệ quyền lực của đảng chứ không nhằm khai sáng dân trí và xây dựng xã hội tiến bộ.

Triết lý giáo dục của Việt Nam, khởi đi từ 40 năm trì trệ của đất nước dưới ách cai trị độc tài của đảng CSVN không gì khác hơn là phải tạo dựng lại một con người Việt Nam mới có ba đức tính: nhân bản, khai phóng và hòa đồng.

Ba nền tảng nói trên là nhằm xây dựng lại tình người đã bị xóa sạch do chủ trương đấu tranh giai cấp, đầu óc khai phóng để mở rộng tầm nhìn lớn không chỉ là một thợ giỏi, và mọi người có cơ hội để sống hòa đồng, chấp nhận khác biệt để cùng thăng tiến.
Nếu chương trình giáo dục phổ thông – đào tạo trẻ em từ mẫu giáo đến lớp 12, được giảng dạy theo triết lý giáo dục “nhân bản, khai phóng và hòa đồng”, Việt Nam sẽ nhanh chóng ra khỏi những trì trệ hiện nay và có thể sánh vai cùng với các quốc gia Nhật Bản, Nam Hàn, Tân Gia Ba sau vài thập niên cải cách.

Chủ nghĩa Mác – Lênin

Tuy triết lý giáo dục rất quan trọng nhằm định hướng việc đào tạo một con người Việt Nam đáp ứng được sự thăng tiến của xã hội và phát triển quốc gia, nhưng quan trọng hơn cả là hệ thống giáo dục đó không bị uốn nắn, kềm kẹp trong khuôn khổ của một chủ nghĩa – dù tư bản hay xã hội chủ nghĩa, mà phải được tự do phát triển trong tinh thần khai phóng và tôn trọng giá trị cũng như quyền chọn lựa cá nhân và có cơ hội bình đẳng.
Khi bị uốn nắn theo một mô hình nào, hệ thống giáo dục không còn nhằm phục vụ cho con người mà nhằm phục vụ cho một thiểu số nhân danh chủ nghĩa để khống chế toàn xã hội.

Do đó muốn cải cách lại hệ thống giáo dục Việt Nam, điều kiện tiên quyết là đảng CSVN phải loại bỏ ngay việc giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin trong học đường, và nhất là không dùng khuôn mẫu Mác – Lênin để định hướng chính sách giáo dục.

Trong lần cải cách này, ông Nguyễn Minh Thuyết và dự án không đề cập gì đến chủ nghĩa Mác – Lênin trong chương trình phổ thông mà chỉ nhắm đến việc giáo dục “thực học – thực nghiệp”, cho thấy là môn Mác – Lênin vẫn còn giảng dạy trong các lớp học.

Ngày nào mà nền tảng giáo dục của Việt Nam còn chưa thoát khỏi “gọng kềm chủ nghĩa,” con người và đất nước chúng ta còn tiếp tục bị bế tắc và lạc hậu. Triết lý giáo dục mà ông Vũ Đức Đam đề ra bên trên cho nền tảng cải cách sẽ vẫn chỉ là một mớ lý thuyết không tưởng, một “ước mơ không bao giờ tới” của toàn dân tộc.

Tóm lại, vay 80 triệu Mỹ Kim để tiến hành dự án cải cách chương trình giáo dục phổ thông cho thấy là CSVN đang bị những áp lực rất lớn về tình trạng trì trệ giáo dục. Tuy nhiên, nếu như Hà Nội không nhìn thấy rõ chính chủ thuyết Mác – Lênin là nguyên nhân gây ra tình trạng trì trệ và lạc hậu của đất nước để vứt bỏ thì dự án cải cách sẽ như là công việc đánh bùn sang ao mà thôi.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
whatsapp
line
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux