(VNTB) – Tết năm nay, tôi nghỉ tết ở Vũng Tàu. Nghe tin tôi xuống đó chơi, một người anh trong giới đấu tranh nhân quyền đề nghị đưa tôi đi thăm thú các nơi.
Người anh đó chở tôi đi hai lần. Lần đầu chúng tôi chở nhau đi bằng xe đạp . Tôi nói với anh:
– Đáng lẽ văn minh của loài người nên dừng lại ở chiếc xe đạp.
Anh cũng trả lời bằng một câu nói hết sức thâm thúy:
– Phương tiện của loài người làm mòn đường.
Cả hai cười ra rả. Bỗng tự dưng anh dừng xe. Tôi tưởng là anh ghé mua một thứ gì đó. Anh nói với tôi:
– Mấy xe chở rác không có nắp làm rơi ra mà không biết.
Rồi anh đi ra giữa đường nhặt mấy bao đựng rác, xếp đặt ngay ngắn vào góc lề đường. Anh gom được hai bao, tôi làm theo anh, cũng nhặt một bao. Ở Việt Nam có hai loại nhà báo chủ yếu. Một loại là nhà báo quốc doanh, cái gì của đảng Cộng sản làm cũng tốt, hai là nhà báo tự do, cái gì của đảng cũng là hàng tồi. Cả hai loại nhà báo đó chẳng bao giờ dừng xe nhặt rác cho xã hội, vì lười nên chống chế rằng nhiều rác như thế thì mình làm cũng vô ích thôi. Hôm nay gặp được trường hợp thấy rác là dừng xe lại nhặt như anh này, tôi thấy mình còn nhiều điều thiếu sót.
Lúc lên xe, anh còn bảo:
– Mấy xe chở rác làm rơi ra mà không biết, sáng ra mấy bác bảo vệ bị chủ kêu ra nhặt.
Tôi nhìn vào mặt tiền của cửa hàng bên đường. Đúng vậy, nếu không có anh nhặt thì mấy bác bảo vệ năm mươi, sáu mươi tuổi phải ra nhặt thật. Những người khác nhau quan sát sự vật hiện tượng khác nhau. Khi quan sát một vấn nạn trong xã hội, các nhà báo quốc doanh thì coi đó là lỗi của dân, chính quyền vô can, còn các nhà báo tự do lại thường tìm ai đó để đổ lỗi cố ý. Tôi thuộc loại thứ hai. Hôm nay được gặp một người không bao giờ quy trách nhiệm cho người khác, tôi nhận thấy rằng đây mới là một lối tư duy tích cực.
Ngày hôm sau, anh mượn được xe máy để chở tôi đi ăn sáng. Một ông dịch giả ở Vũng Tàu, khá nổi tiếng, cũng là hội viên Hội nhà báo độc lập Việt Nam mời anh và tôi đi ăn phở và uống cà phê. Tại đây có một anh chủ quán hết sức đặc biệt, tuổi độ 40, mặt chữ điền vuông vức, hình như là di dân 1954. Món phở bắp bò của quán này rất ngon, ngọt lịm, hơn tất cả những quán phở tôi từng ăn. Hỏi thì anh chủ nói rằng anh giữ cách làm phở truyền thống, không bớt ra một gia vị nào, tuyệt đối làm theo nguyên bản. Vào ba ngày tết, khi các quan phở khác ở Vũng Tàu nâng giá lên 45 000 một tô, anh chủ quán phở vẫn giữ 25 000, chấp nhận lỗ chứ không tăng giá. Vì vậy mà quán phở của anh nhiều khách quen, chủ yếu là những trí thức miền Bắc di dân sống giản dị và hoài cổ, ai nấy đi lại thong dong. Anh chủ quán càng là một người đặc biệt nữa: Anh mặc áo thun, mặt trước ghi chữ ” nhân quyền cho Việt Nam”, phía sau lưng in hình Trần Huỳnh Duy Thức và dòng chữ : ” Tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức”.
Tôi, anh bạn trong nhóm Vũng Tàu và bác dịch giả ngồi bàn về sách vở. Tôi hỏi thăm bác dịch giả về tình hình dịch sách, nay bác đang dịch một tác phẩm lớn sang tiếng Việt, do người hải ngoại đặt hàng. Anh chủ quan phở tuy bận nhưng nghe hết câu chuyện, thỉnh thoảng ngơi tay thì anh ngồi xuống uống trà và luận đạo cùng chúng tôi. Anh chạy vào nhà và lấy ra một cuốn sách: Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa. Sách này rất xưa, tất nhiên là suy nghĩ trong đầu không ít người rằng Tàu là loài xâm lược cho nên đừng đọc sách của Tàu. Anh chủ quán đưa cho chúng tôi xem, biết có người sẽ nghĩ như thế nên nói:
– Chúng ta chống là chống Trung Cộng chứ không chống nhân dân Trung Hoa.
Tôi góp vui vào câu chuyện :
– Mình gọi là Trung Quốc là đúng, gọi là Trung Hoa thì vẫn được, nhưng gọi là Hoa Hạ thì sai to.
Người anh chở tôi đi đến quán phở hỏi:
– Vì Hoa Hạ chỉ là một sắc dân ở lưu vực sông?
Tôi đáp:
– Trung Quốc coi mình là tinh hoa. Công nhận Hoa Hạ là công nhận luôn là Bắc Địch, Đông Di, Tây Nhung, Nam Man. Ở Bắc Ninh có nhà máy Trung Quốc đặt tên là Hoa Hạ, hàm ý chỉ người Việt là Nam Man. Nhưng cán bộ Bắc Ninh tăm tối quá nên không biết đường mà cấm.
Cả nhóm gật gù cho là phải. Bốn người chuyện trò nhiều về nhân tình thế thái. Họ đều là những người quan tâm đến hiện tình đất nước, đều là những con người hành động. Phải công nhận anh chủ quán phở là người dũng cảm, khi việc anh mặc áo nhân quyền bán phở, ung dung giữa một rừng công an mật vụ chìm nổi ở Vũng Tàu hành động bất chấp phương tiện miễn là đạt được mục đích. Anh chủ quán phở là người trầm tĩnh nhưng mạnh mẽ. Anh đeo kính cận, nhà anh là cả một kho sách cổ xưa. Lúc chào tạm biệt anh ra tận chỗ để xe bên đối diện đường để tiến chúng tôi.
Đi đến nơi đó bằng xe máy, ông anh đưa theo con chó cưng lông vàng. Lúc chở tôi đi thoạt đầu anh để con chó ngồi trong giỏ xe, lúc trở về thì anh thả con chó chạy dưới đường theo xe cho nó thể dục. Bỗng anh lại dừng xe, anh kêu con chó lên vỉa hè, vuốt ve cho nó nằm im, nói với tôi:
– Giữ con chó lại.
Tôi không hiểu mô tê gì, cũng ngồi xuống gãi vào cổ con chó để nó nằm im và nhìn chủ nó. Anh băng ra giữa đường lôi một cái nệm vào. Cái nệm màu trắng , hình vuông, khoảng 60×60, dày độ 5 cm, nằm chình ình giữa đường. Tôi vốn nóng tính, trong lòng chắc mẩm rằng do đứa nào vô ý thức nào ném cái nệm ra đường thôi. Anh kéo cái nệm từ giữa đường lên trên vỉa hè, dựng ngay ngắn vào gốc cây. Anh giải thích:
– Nệm này là mấy xe công nông chở cây, làm rơi ra mà không biết.
Tôi rất ngạc nhiên về anh. Một người mà luôn coi rằng người khác không có lỗi , rằng người khác chỉ vô ý mà thôi. Đến lần thứ nhất, sang lần thứ hai thì tôi tin rằng người như thế là có thật. Đây chính là tấm lòng bao dung độ lượng . Độ lượng trong sách vở thì có rất nhiều, nhưng đến khi xảy ra những tình huống hằng ngày thì mới biết được ai mới thực sự là người độ lượng.
Vũng Tàu hay thật, vì vẫn còn những con người như thế.
——————–
Vũng Tàu – còn gọi là Cap de Saint Jacques, mùa xuân năm 2017.
Leave a Comment