Có một số từ gốc Hán Việt mà nhiều người thường nhầm khi sử dụng, cụ thể là giả thiết – giả thuyết, thập niên – thập kỷ. Nghe qua thấy chúng có vẻ gần nghĩa nhau, nhưng nên dùng chính xác trong mỗi trường hợp thì vẫn hơn.
Trước hết nói về cặp từ giả thiết – giả thuyết. “Giả thiết” có nghĩa là điều gì đó, một vấn đề gì đó được nêu ra tạm coi như có, rồi có thể căn cứ vào đó mà suy luận, mà tìm ra sự thực. Khi nêu giả thiết nào đó, người ta thường căn cứ vào một số sự vật, hiện tượng có thực nhưng chưa chắc chắn lắm. Đó chỉ là dạng phỏng đoán. Chẳng hạn giả thiết vụ nổ mìn ở tỉnh Q là do mâu thuẫn cá nhân bởi trước đó có biểu hiện mâu thuẫn cá nhân giữa những người liên quan. Nhưng cũng lại có giả thiết khác cho rằng có thể do quan hệ nam nữ bởi nạn nhân từng bị nhắn tin đe dọa này nọ sau khi từ chối tình yêu… Cơ quan điều tra nêu ra nhiều giả thiết từ một vấn đề, vụ việc để từ đó điều tra, loại trừ, tìm ra sự thực.
“Giả thuyết” khác giả thiết ở chỗ nó là cách giải thích một hiện tượng hoặc một vấn đề nào đó, dù chưa phải là đúng nhưng tạm được chấp nhận. Khi nêu giả thuyết, người ta có cơ sở lý luận, sự tìm hiểu, phân tích, lý giải có hệ thống, thậm chí có căn cứ khoa học, chứ không phải chỉ phỏng đoán này nọ. Ví dụ, giả thuyết về cái chết của ông Tạ Thu Thâu lãnh tụ troskist sau CMT8 dù chưa được thừa nhận là đúng nhưng có nhiều cơ sở để tin như vậy; hoặc giả thuyết vụ nổ ghê gớm ở Tunguska (Siberia, Nga) năm 1908 là do thiên thạch bởi các nhà khoa học phát hiện được những vật thể lạ, khác với vật chất trái đất xung quanh nơi phát nổ.
Nói tóm lại, nhiều nhà báo hay nhầm khi dùng từ “giả thuyết” mà lý ra phải là “giả thiết” mới đúng.
Cũng thường thấy trên báo chí và tivi, người ta hay dùng từ “thập kỷ”, với ý để chỉ khoảng thời gian 10 năm. Có người còn diễn giải, thập là 10, kỷ là thế kỷ, thập kỷ tức là 10 năm của thế kỷ. Mà chẳng riêng nhà báo (phóng viên, biên tập viên), ngay cả một số cán bộ to, trí thức lớn cũng vẫn dùng “thập kỷ” theo nghĩa ấy. Tuy nhiên dùng thế là sai. Vì sao?
“Kỷ” là từ Hán Việt, có nhiều nghĩa: Để chỉ thời gian địa chất từ ngàn năm trở lên, ví dụ kỷ phấn trắng, kỷ Jura, kỷ băng hà…; Là khoảng thời gian gồm 12 năm theo quy định tính của người xưa, cứ 12 năm gọi là một kỷ; Kết hợp với một từ nào đó, chỉ thời gian nhất định, ví dụ: thế + kỷ = thế kỷ (100 năm), kỷ nhà Lê, kỷ nhà Nguyễn… Từ điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh cũng giải nghĩa rất rõ: kỷ là 12 năm.
Như vậy, muốn chỉ 10 năm thì phải viết thập niên (niên là năm) chứ không phải thập kỷ, bởi thập kỷ tính ra những 120 năm. Sau đây là một ví dụ về cách viết chính xác của người xưa (tôi trích nguyên đoạn không sai một chữ nào):
“Hoàng tử thứ sáu là Nhật Duật. Trước có đạo sĩ ở cung Thái Thanh tên là Thậm làm lễ cầu tự cho vua. Khi đọc sớ xong, Thậm tâu với vua rằng: Thượng đế đã y lời sớ tâu, sẽ sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế này 4 kỷ. Rồi thì hậu cung có mang, quả nhiên sinh con trai, trên cánh tay có chữ “Chiêu Văn đồng tử”, nét chữ rõ ràng, vì thế đặt hiệu là Chiêu Văn (tức Trần Nhật Duật). Đến khi lớn lên chữ mới mất đi. Năm Chiêu Văn vương Nhật Duật 48 tuổi, ốm nặng hơn 1 tháng, các con Duật làm chay, xin giảm bớt tuổi của chúng để cha được sống lâu. Đạo sĩ đọc sớ xong, đứng dậy nói: Thượng đế xem sớ, cười và bảo rằng: “Sao lại quyến luyến trần tục ở lại lâu thế. Song các con thực là có hiếu, vậy cho Duật được sống thêm hơn 2 kỷ nữa”. Rồi khỏi bệnh. Đến khi Duật mất, tuổi 77, được đủ 6 kỷ lẻ 5 năm” (Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, kỷ nhà Trần).
Sau này người ta còn sáng tạo ra từ mới, như “thiên niên kỷ”, ví dụ mục tiêu thiên niên kỷ, nhưng viết như vậy cũng không chính xác, đúng ra chỉ cần viết thiên kỷ hoặc thiên niên là được, để áng chừng 1 nghìn năm.
—
(*) Tựa do CTM Media đặt
Leave a Comment