Quảng Cáo

Tết ngày cũ

Chợ Hoa trong ngày Tết ở miền Nam trước năm 75

Quảng Cáo

Trong ký ức người miền Nam được nghe kể lại và từng được thấy, Tết ở miền Nam khá đơn giản. Gần như nhà nào cũng giống nhau. Dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn thờ. Nhà nào có lư đồng thì mang ra đánh. Rồi lặt mai. Làm củ kiệu. Muối dưa hành. Người Nam gói bánh tét, dân Bắc nấu bánh chưng. Tại quê ngoại tôi, một xã thuộc Thủ Đức cách Sài Gòn chừng 30 cây số, nơi cộng đồng Bắc di cư sống chen với người miền Nam, không khí Tết với văn hóa hai miền trộn quyện nhau đã thành ra một thứ phong vị rất đặc biệt. “Bắc Nam một nhà”, như được miêu tả trong âm nhạc, văn chương lẫn báo chí thời đó, chưa bao giờ đầm ấm và có ý nghĩa thật sự bằng giai đoạn này. “Nhà ta đã chuẩn bị mọi thứ xong cả chưa ạ?”. “Dạ thưa chị, còn lu bu quá trời!”. Cảnh một bà chít khăn mỏ quạ đon đả với một bà búi tóc mặc áo bà ba trông rất hiền hậu và ôn hòa. Hồi ấy người ta sống tương kính nhau bằng sự chân tình trong lành. Bà Bắc, bà Trung hay bà Nam cũng đều ăn trầu cả thôi.

Tết mang tính tâm linh hơn vật chất. Tết miền Nam, như trong ký ức, là ngày để tưởng nhớ ông bà. Làm mâm cơm để mời ông bà về “ăn” với con cháu. “Có gì cúng đó” – người ta nói với nhau như vậy. Giàu cúng mâm to, nghèo cúng mâm nhỏ. Như mẹ tôi dặn, cái gì mình ăn được thì mới cúng. Ngày trước không có những thứ “trái cây” như bây giờ. Cúng không phải “chưng cho đẹp” những thứ mà sau đó lại vất bỏ đi. Cúng Tết không phải để phô trương màu mè… Tết đến với mọi nhà nhẹ nhàng. Gần như chẳng ai “sợ” Tết cả. Mọi người bình thường vốn đã sống thoải mái thì việc đón Tết cũng chẳng có gì nặng nề. Tết chỉ tô đậm thêm nét cọ tươi đỏ cho một xã hội thịnh vượng trong một miền Nam trù phú một thời, nơi con người còn hiền hòa và sống tin nhau.

Quảng Cáo
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux