Tại Việt Nam, tăng thuế, tăng phí, tăng lệ phí là cơn ác mộng đối với người dân sống trong một xã hội được định nghĩa bằng hai chữ “tuỳ tiện.”
Mới đây, Bộ Tài chính lại đưa ra dự thảo sửa đổi “Luật thuế bảo vệ môi trường” tăng lên từ 3.000 đến 8000 đồng so với khung thuế cũ là 1.000 đến 4.000 đồng. Đây là mức tăng khiến dư luận choáng váng vì nó đánh thẳng vào túi tiền của người tiêu thụ xăng dầu, đồng thời gián tiếp kéo theo mọi thứ vật giá liên quan tới đời sống toàn xã hội.
Sự thật của việc tăng thuế bảo vệ môi trường này là gì và tại sao lại tăng vào lúc này?
Điều mà người dân thấy rõ hơn hết là sau 30 năm đổi mới kinh tế, môi trường sống ở Việt Nam không những không sạch hơn mà Việt Nam hiện trở thành một quốc gia bị ô nhiễm môi trường khủng khiếp. Những dãy nhà cao tầng, những con đường nghìn tỷ, những đô thị hào nhoáng ánh đèn không che giấu được chính sách phát triển sai lầm nặng nề của chế độ.
Chính sách ấy tạo ra tình trạng ô nhiễm bao trùm lên mọi mặt đời sống xã hội. Ngay tại Hà Nội mức độ ô nhiễm không khí đã tăng cao và đến mức báo động trong những năm gần đây. Tình trạng chặt phá cây xanh ở hai thành phố lớn nhất nước Sài Gòn và Hà Nội đã góp phần đầu độc lá phổi người dân. Người đi đường bị buộc trở thành những hiệp sĩ bịt mặt với hy vọng sống dài lâu.
Nhất là qua thảm họa Formosa được khám phá từ đầu Tháng 4, 2016, tôm cá chết hàng loạt; mà theo đánh giá của chuyên viên môi trường, sự phục hồi biển Miền Trung có thể kéo dài nhiều chục năm.
Nhà cầm quyền CSVN chưa làm gì để ổn định đời sống ngư dân hay bắt đầu phục hồi sinh thái biển sau khi thỏa thuận với Formosa nhận 500 triệu đô-la gọi là tiền đền bù; nhưng lại vội vã họp báo tuyên bố là biển đã sạch. Điều này cho thấy là Hà Nội chỉ muốn làm sao dư luận không nhắc nhở gì đến vụ cá chết hàng loạt để cho Formosa tái hoạt động hầu có tiền nuôi sống chế độ. Dã tâm này đã hiện rõ trong vụ Bộ Tài nguyên – Môi trường đã loại biến cố cá chết do Formosa gây ra trong 10 sự kiện môi trường xảy ra trong năm 2016.
Giải quyết vụ Formosa chưa xong, cũng vì tham tiền, Bộ Công thương đã “quyết tâm” đưa dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen-Cà Ná vào quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025 do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư tại tỉnh Ninh Thuận.
Ngoải ra, cùng với xả lũ thủy điện, hệ thống nhiệt điện chạy than giăng mắc khắp nước phần lớn do Trung Cộng lắp đặt, người dân Việt Nam ngày nay đang gồng mình dưới sức nặng của môi trường ô nhiễm ngày càng khủng khiếp. Liệu sẽ có bao nhiêu trong số 103 nhà máy nhiệt điện chạy than của Trung Cộng vừa đóng cửa được tháo gỡ đưa sang Việt Nam tham gia đầu độc môi trường?
Để giải quyết việc ô nhiễm môi trường phải là chính sách quốc gia nằm trong sự tiên liệu, với một ngân khoản đầu tư lớn và lâu dài như thường thấy ở các quốc gia. Chứ không thể là một sớm một chiều ban hành một chính sách “MÓC TÚI” người dân bằng cách tăng khung thuế 4000 -8000 đồng một lít xăng như đề nghị bôi đen lá phổi người dân của Bộ Tài Chánh. Thật nực cười khi người nghèo đau đầu vì nạn khói bụi khi ra đường thì người giàu ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng Sài Gòn hàng ngày cũng khóc vì mùi của bãi rác Đa Phước.
Gọi chính sách này là “móc túi dân” vì nó chỉ như dùng thuốc đỏ thoa ngoài da để trị bệnh ung thư. Căn bệnh nằm trong lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần sau một năm cầm quyền. Trong khi các viên chức lãnh đạo tài chánh, ngân hàng, kế hoạch đầu tư đều lạc quan “nợ công chưa chạm mức trần 65%” để tiếp tục vay nợ tiêu xài hoang phí thì người ta nghe ông Phúc nói đến một “sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi” trong năm 2017.
Do đó, có thể nhìn thấy sự thật của chương trình móc túi dân qua tăng thuế bảo vệ môi trường không có gì khác hơn là nhằm giúp giải quyết tình trạng cạn kiệt tài chánh hiện nay, chứ không nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường. Hay như lời ngụy biện khôi hài của chuyên viên Bộ Tài chính, tăng giá xăng để “chống buôn lậu”.
Rồi đây không riêng xăng dầu mà các bộ của chính phủ sẽ được chỉ đạo tăng thuế, đặt ra các loại phí và lệ phí mới để quơ quào những đồng tiền còm cõi sót lại trong túi dân nghèo. Cứu sống ngân sách trống rỗng cũng chính là cứu sống đảng.
Ngay cả việc nhận 250 triệu Mỹ Kim tiền bồi thường đợt 1 của Formosa từ Tháng 7, 2016 tới nay, Hà Nội chưa bồi thường đồng nào cho ngư dân tại 4 tỉnh Miền Trung. Quyết định số 1880 của Thủ tướng về bồi thường chỉ nghe nói, nhưng đến nay chưa thấy khoản tiền nào tới tay nạn nhân, mà chỉ mới dừng lại ở chỗ kê khai danh sách.
Những cuộc biểu tình của ngư dân vừa qua chặn Quốc lộ 1 đòi bồi thường cho thấy tình trạng vô trách nhiệm của chính phủ trong việc giải quyết thiệt hại của nạn ô nhiễm. Thử hỏi số tiền này đi về đâu?
Từ đó mới thấy câu hỏi của GS Nguyễn Quang Thái (Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) rằng “tăng tiền thuế môi trường trong từng lít xăng sẽ đi về đâu” là đúng, vì sự thiếu minh bạch trong cách xử dụng tiền này. Hoàn toàn không ai biết nó đã và sẽ đi về đâu. Và nhất là trong khi thuế bảo vệ môi trường tiếp tục tăng cao, nhưng môi trường chưa bao giờ thấy sạch hơn, trái lại ngày càng ô nhiễm nặng nề.
Trong thực tế, đối chiếu con số nợ công ngày càng tăng cao và sự thiếu cân bằng trầm trọng trong chi thu của ngân sách quốc gia, tất cả cho thấy là CSVN đã hết tiền tiêu xài trong ngân sách nên chẳng những đành phải tăng thu, tận thu mà còn lạm thu.
Đây chính là báo hiệu của sự cáo chung của chế độ.
Leave a Comment