Đã từ lâu, tết đã trở thành dịp cơ hội mà quan chức Việt Nam hối lộ nhau một cách công khai và dễ dàng nhất.
Từ một phong tục truyền thống tốt đẹp, biếu tặng quà tết cho người trên để tỏ lòng kính trọng, đã trở thành một tập tục, một trào lưu xấu trong giới công chức Việt Nam, từ cấp cao nhất đến người nhân viên lao động. Từ cơ quan cấp thấp nhất ở địa phương lên cơ quan cao nhất ở trung ương.
Cứ mỗi độ tết đến gần, ngoài việc lo lắng chuẩn bị hiếu lễ tết với bố mẹ, anh chị em trong gia đình, mọi công chức Việt Nam còn phải lo thêm một khoản biếu sếp trong cơ quan.
Nó hầu như đã trở thành một nghĩa vụ bất thành văn cho mọi công chức hiện nay. Vậy nên, họ không còn thấy ý nghĩa của từ biếu nữa, họ đã gọi tắt việc này thành: đi tết sếp.
Nhân viên thì lo đi tết cho ông trưởng phòng. Trưởng phòng đi lên ông cấp vụ, giám đốc. Cấp vụ thì lo đến ông thứ trưởng, bộ trưởng. Hành trình biếu xén cứ thế mà đi lên.
Việc biếu tặng quà tết dường như đã biến thành hối lộ để vụ lợi. Thấp là mua tình cảm của sếp, mong đợi một sự thuận lợi. Cao là mưu lợi một chức vụ, một quyền lực, một dự án béo bở.
Chất lượng món quà cũng vì thế mà đi lên: Thấp từ chai rượu, hộp bánh, đến cao ngút khó ai mà lượng định là bao nhiêu. Nhất là các món quà đến từ các doanh nghiệp vụ lợi. Cứ nhìn phòng khách của các ông Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh làm ví dụ. Đó có thể là kết quả của một hoặc một vài cái tết gộp lại. Cứ nhìn các gia sản của các quan chức địa phương như Yên Bái, Bắc Cạn, Kontum, Nghệ An… vừa bị lộ thì chúng ta có thể đoán ra chất lượng hối lộ là như thế nào.
Điều tệ hại hơn cả là họ dùng ngân sách nhà nước, nhất là giữa các cơ quan với nhau và giữa địa phương lên trung ương. Tặng qua, tặng lại ai cũng có lợi, chỉ có ngân sách nhà nước là thiệt hại. Còn làm thế nào để rút ngân sách thì kể cả ở cơ quan trung ương lẫn địa phương, họ đều có muôn phương, ngàn cách để che giấu, để luồn lách, hoặc cùng lắm là nhắm mắt bỏ qua cho nhau. Cơ quan nào mà chả có ngân sách cho đối ngoại.
Do vậy, dịp tết đã trở thành dịp bôi trơn cho các mối quan hệ chằng chịt của một chế độ mà quyền lực là trên hết. Mua được cấp trên là mua được một dự án, một món hời. Mua được chức vụ là nắm được quyền sinh, quyền sát trong tay. Mua được trung ương là mua được dự án tượng đài ngàn tỉ như ở Lào Cai. Thậm chí tệ hại như Hà Tĩnh và Formosa đã mua được cả chế độ để có thể tồn tại trên đất Việt Nam những 70 năm.
Cứ mỗi độ tết đến là một dịp nhộn nhịp đi tết sếp.
Chai rượu, hộp bánh từ Hàng Buồm, Hàng Da đưa đến nhà ông này, rồi chạy đến nhà ông kia. Đôi khi nó lại được quay lại Hàng Buồm để đi đến một ông bà chủ khác. Nó cũng có thể lượn như đèn cù.
Đi tết sếp đôi khi cũng phải tư duy, có khi đến nhức đầu. Biếu ai, tặng gì, lúc nào. Có khi còn phải thăm dò. Thằng X, con Y đã tặng cành đào, cây hoa, thì tránh đi tặng thứ khác, khỏi đụng hàng.
Dịp tết văn phòng và nhà sếp rất đông khách, nhiều khi phải xếp hàng. Ông thư ký có khi phải đóng vai người liên lạc, sắp xếp. Đôi khi ông cũng được thưởng ăn theo một phong bì.
Ông thủ trưởng cơ quan ngoài việc lo nhận quà, xem đứa nào đã có quà, đứa nào không. Thằng này tặng gì, con kia tặng gì. Ông còn đôn thúc mấy cô nhân viên cấp dưới lo quà cho cấp trên: lên danh sách đến ai, tặng gì, liên hệ khi nào đến để tránh đụng độ nhau tại nhà sếp.
Một món quà đặc biệt trong dịp tết đi sếp là cái phong bì. Có lẽ đây là di sản phi văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Đôi khi để tránh cồng kềnh, phong bì là phương tiện truyền tải thông tin hữu hiệu nhất giữa người hối lộ và người nhận hối lộ. Phu nhân các quan lớn hay để ý đến cái phong bì này nhất. Vợ sếp cân đo đong đếm giỏi lắm trong vụ này.
Năm nay, vẫn như thường lệ, Ban bí thư, Thủ tướng, rồi cả Bộ Công an ra chỉ thị nghiêm cấm tặng quà tết cấp trên dưới mọi hình thức; các địa phương không được về Hà Nội chúc tết; tất cả các hệ thống hành chính không chúc tết lãnh đạo, không phong bao.
Cấm như thế đã thành lệ rồi, nghe mãi hàng năm cũng đã quen rồi. Chẳng ai bảo ai nhưng đều hiểu, đây chỉ là hình thức cấm lấy lệ. Đâu vẫn vào đó.
Mà cấm làm sao được khi một phong tục truyền thống tốt đẹp đã bị lạm dụng méo mó thành tệ hại xã hội. Nó không thể là sản phẩm của dân tộc, mà nó chính là sản phẩm của chế độ này.
Biếu tặng quà nhau ngày tết là truyền thống hiếu hòa của con người tử tế đối xử nhau trong những ngày đầu năm. Chính cơ chế độc tài và mua bán chức vụ đã biến vụ quà cáp tết thành dịch vụ chạy chức, chạy quyền. Như vậy phải bỏ cơ chế độc tài thì dịch vụ tham ô qua quà cáp mới chấm dứt được. Còn không thì chỉ thị cấm tặng quà tết chỉ lình xình được năm nay, sang năm trở lại như cũ, vì không có phong bì làm sao các sếp sống cho nổi trong thời ngân sách đang bị cắt như hiện nay.
Leave a Comment