254 nghìn tỷ đồng bội chi ngân sách năm 2016 có đáng tin? (*)
Ngay một chuyên gia nhà nước có thâm niên phụ trách về vật giá là ông Vũ Đình Ánh còn phải nói thẳng: “Tôi không tin vào con số 254 nghìn tỷ đồng (hơn 11 tỉ USD) bội chi”.
Phát ngôn của ông Ánh bật ra trong buổi tọa đàm công bố tình hình kinh tế vĩ mô quý IV/2016 và cả năm. Tại buổi tọa đàm này, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết vào đầu năm 2016, Quốc hội đưa ra mục tiêu để bội chi ngân sách là 5% GDP. Cuối năm, tại báo cáo của VEPR chỉ ra con số đó là 5.64% GDP, tương đương 254 nghìn tỷ đồng.
Nhưng những con số thống kê ở trên được VEPR lấy ra từ dự báo về ngân sách năm 2016 của các cơ quan nhà nước, chứ chưa phải là con số thật sự. Con số cuối cùng sẽ chỉ có khi các khoản thu, chi được quyết toán cụ thể, một câu chuyện sẽ diễn ra vào tận 2 năm nữa.
Nhìn vào mối quan hệ của những con số, ông Ánh đã đưa ra một lập luận rằng: “Chi ngân sách và thu ngân sách đều tăng, trong đó chi ngân sách tăng mạnh hơn thu ngân sách. Mà chi ngân sách trừ đi thu ngân sách ra khoản bội chi. Vậy có lý gì mà nói năm nay bội chi đã giảm so với năm ngoái? Về mặt toán học, tôi thấy những con số này không hợp lý”.
Cần nhắc lại, năm 2015 mức bội chi của ngân sách Nhà nước ở mức 6.1% GDP, cao hơn nhiều mức 5.64% của năm 2016.
Dù bị giấu biệt trong nhiều năm qua, nhưng hiện tượng xã hội học và kèm chính trị học rất đáng lưu tâm là từ đầu năm 2014 đến nay, một số con số mà trước đó được bảo mật quyết liệt đã dần dần lộ hình. Thoạt đầu là việc lần đầu tiên “kiến trúc sư” Nguyễn Tấn Dũng phải ra trước Quốc hội xin nâng trần bội chi ngân sách từ 4.7% lên 5.3% tại kỳ họp đầu năm 2014 – một thái độ chấp nhận chẳng đặng đừng về trần bội chi VN vượt trên mức nguy hiểm 5% theo thông lệ quốc tế.
Trong chi tiêu ngân sách 2016 được tính đến giữa tháng 12/2016, đáng chú ý là mục chi phát triển sự nghiệp kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính là 786 nghìn tỷ đồng, đạt đến 95.4% kế hoạch. Có thể hiểu là: làm gì thì làm, nguồn thu ra sao không biết, nhưng phần chi lương cho đội ngũ bị phản ánh có đến 30% công chức không làm gì cả vẫn phải giữ nguyên.
Vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thừa nhận một phần sự thật: “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần”, và đặc biệt cảnh báo tương lai “sụp đổ tài khóa quốc gia”.
Lê Dung / SBTN
(*) Tựa nguyên thủy của tác giả
Leave a Comment