Những nỗi cùng cực của ngôn từ

Luật sư Lê Luân - Fb. Luân Lê

- Quảng Cáo -

Khi chúng ta không hiểu biết pháp luật, không thể sử dụng luật pháp thì chúng ta sẽ không biết những thứ nào là được phép, những hành vi nào là bị cấm cản, mà sẽ rơi vào trang thái nhất nhất chỉ biết nghe và làm theo những sự chỉ dẫn của những kẻ đại diện cho quyền lực mang mưu đồ chính trị.

—————————————————————

Hơn 3 triệu phụ nữ Mỹ biểu tình phản đối Trump về những phát biểu bị cáo buộc được cho là phân biệt giới tính và tôn giáo, mặc dù, theo mọi người, trong đó có Trump, đó chỉ là câu chuyện phiếm trong phòng thay đồ. Thế nhưng Trump có thể hành động và làm được gì đối với những người phụ nữ “chân yếu, tay mềm” có vẻ như là điên rồ này không?

Hoàn toàn không.

- Quảng Cáo -

Trump chỉ biết giảng hoà mà thừa nhận rằng, đó là sự thể hiện của nền dân chủ Mỹ. Đó là quyền năng của người dân được Hiến pháp quy định nên chẳng có gì để phàn nàn hay gay gắt gì về điều đó cả.

Ở Hàn Quốc, hàng triệu người dân đổ xuống đường biểu tình để yêu cầu bà Park Gune Hye từ chức chỉ vì nghi ngờ có liên quan đến tham nhũng của người bạn thân. Thế rồi vì sức ép của hành vi chính trị đó từ người dân mà Bà ấy phải cúi đầu từ chức và chịu sự luận tội của Quốc hội nước này.

Còn chúng ta?

Khi chúng ta không hiểu biết pháp luật, không thể sử dụng luật pháp thì chúng ta sẽ không biết những thứ nào là được phép, những hành vi nào là bị cấm cản, mà sẽ rơi vào trang thái nhất nhất chỉ biết nghe và làm theo những sự chỉ dẫn của những kẻ đại diện cho quyền lực mang mưu đồ chính trị.

Chỉ cần cất lên tiếng nói của lương tâm và lòng chính trực, nó đã rơi vào “vòng nhạy cảm” và chịu sự kiểm soát từ các lực lượng công an, an ninh của nhà nước.

Chúng ta chỉ cần cất lên tiếng nói về sự bất công, phản đối những chính sách phi lý và cả việc đấu tranh chống lại chuyện tham nhũng, tiêu cực của chính quyền thì rất dễ trở thành đối tượng chống phá, hoặc là khối đại đoàn kết dân tộc, hoặc là chống lại nhà nước.

Hoặc người dân muốn đi biểu tình cũng “không thể có cách thức thực hiện” bởi dễ dàng bị vu cho là “tụ tập gây rối trật tự công cộng”, trong khi hành vi biểu tình là hành vi chính trị dân sự tối cao của người dân được quy định tại Điều 25 Hiến pháp hiện hành của nhà nước này. Nhưng có mấy người có thể thực hiện được quyền năng đó nếu không hiểu biết pháp luật hoặc liều mình chui qua được hàng rào an ninh dày đặc canh cửa mỗi nhà trước ngày họ cho là sẽ có cuộc biểu tình nào đó diễn ra?

Quả là nghịch lý, quy định có thể có, nhưng thực thi được hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác.

Và những người phụ nữ bị bắt nhốt cho đến nay với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “Lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm hại lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, đến nay liệt kê ra cũng khá nhiều chứ không còn là số ít nữa.

Vậy điều gì đã khiến một chính quyền lo lắng về những tiếng nói và hành vi được phép của một công dân, đặc biệt là đối với phụ nữ?

Đến nay, tôi cũng không thể tìm được ngôn từ nào mà còn phù hợp để có thể diễn tả chuẩn xác những gì đã, đang và rồi sẽ diễn ra trên đất nước mình nữa. Mọi thứ đã quá méo mó và biến dạng khiến tôi bất lực về việc sử dụng ngôn từ để định hình ra chúng.

Người dân chúng ta thì đã né tránh và sợ hãi quyền năng của mình quá lâu, đến nỗi nó trở thành một nỗi ám ảnh khiến người ta còn không cả dám nhắc đến nó chứ đừng nói là sẽ sử dụng trong cuộc sống của mình và để bảo vệ chính mình.

Khi chúng ta không hiểu biết pháp luật, không thể sử dụng luật pháp thì chúng ta sẽ không biết những thứ nào là được phép, những hành vi nào là bị cấm cản, mà sẽ rơi vào trang thái nhất nhất chỉ biết nghe và làm theo những sự chỉ dẫn của những kẻ đại diện cho quyền lực mang mưu đồ chính trị. Thậm chí họ còn ép buộc chúng ta phải làm sai và xuê xoa, qua quýt cho chúng ta lúc chúng ta thực hiện, rồi khi cần thiết họ sẽ dùng chính cái thứ đó để kiểm soát và khống chế chống lại chúng ta. Đó chính là một hành vi không bao giờ được phép tồn tại của một chính quyền, nếu đó là chính quyền chân chính và thượng tôn luật pháp.

Người dân trên đất nước chúng ta đã quá quen với việc thờ ơ trước các việc sai trái diễn ra trên quê hương mình. Thành ra họ sẽ giáo dục những thế hệ sau lớn lên cũng bằng thái độ thờ ơ và vô cảm với xã hội mình đang sống, chỉ cốt để an phận và kiếm lợi ích cho bản thân để sống cho hết cái đời sinh học của mình.

Và họ chỉ còn mỗi nhu cầu lớn lao và ý nghĩa khác là được thoả thích với những cuộc vui, những bàn tán về những cuộc tình ông cháu lấy vật chất làm vật ngang giá để coi đó là giá trị để tiến thân.

Rồi cuối mỗi năm, dù bao mảnh đời còn đói khát và vất vưởng trên khắp đất nước này, họ lại vui mừng chờ đón vở kịch Táo quân để cười đùa với nhau bằng những sự chua chát được xây cất lên từ nước mắt và sự sống của những thân phận bất hạnh trong xã hội. Họ dùng tiếng cười trên nỗi đau của những mệnh phận khác, cười cợt, rồi thôi. Và tất thảy mọi nguồn cơn dẫn đến bất công và những thảm trạng ấy, họ tuyệt nhiên né tránh và chẳng có giải pháp hay họ, những người dàn dựng những vở bi hài kịch ấy, sẽ lên tiếng tích cực và quyết liệt trong đời thường và mỗi ngày bằng trách nhiệm của một con người.

Có lẽ, vai trò và sự tồn tại của họ chỉ có ý nghĩa và dừng lại ở những điều nửa vời đầy chua chát ấy trước đau khổ của đồng loại mình.

Thử hỏi, có đất nước nào mà mỗi năm tất thảy dân chúng lại tụ họp để cười cợt trên nỗi đau khổ của những cuộc đời khác và trước sự bất công đến hiển nhiên của những nguồn cơn tạo ra chúng?

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here