Khi đề cử ông Rex Tillerson của ExxonMobil làm Bộ trưởng ngoại giao và Tướng về hưu James Mattis làm Bộ trưởng quốc phòng, Tổng thống Trump đã trình làng các nhân sự an ninh quốc gia cao cấp. Nếu được Quốc hội phê chuẩn, nhóm này sẽ bắt tay vào việc thiết lập nền tảng chiến lược cho chính quyền Hoa Kỳ mới.
Một câu hỏi nền tảng mà họ phải xem xét là tầm quan trọng thế nào về việc bảo vệ cho Hoa Kỳ quyền tự do đi lại trên các đại dương, mà đây là một đặc điểm quan trọng của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Để mưu cầu “làm Hoa Kỳ vĩ đại trở lại”, thì tân Tổng thống và chính quyền Hoa Kỳ làm sao để bảo vệ quyền tự do đường biển một cách hữu hiệu? Sau đây là sáu bước cụ thể để cứu xét.
Thứ nhất, ông nên tuyên bố sớm và rõ ràng về việc bảo vệ quyền tự do hải hành của Hoa Kỳ trên thế giới là một lợi ích quốc gia hàng đầu. Chính quyền đương thời chậm chạm trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải, nhưng thông điệp gần đây có dứt khoát hơn: “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, đi biển và hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.” Tiếp tục đưa thông điệp về yếu tố cơ bản này là điều quan trọng. Do đó Tổng thống Trump phải nói thẳng về việc tự do hải hành, trong lời tuyên bố trước công chúng cũng như trong chiến lược an ninh quốc gia. Nếu đợi có sự cố xảy ra đe dọa chuyện tự do hải hành rồi lúc đó mới lên tiếng thì thiên hạ sẽ xem lợi ích này có tính cách phản ứng theo thời chứ không phải có tính nền tảng cơ bản.
Thứ hai, ông nên nhanh chóng kiểm định lại cách hành động của Hoa Kỳ để củng cố cho thông điệp nói trên. Lời phát biểu công cộng không thôi không truyền đạt đủ tầm quan trọng của an ninh quốc gia. Các quốc gia khác trên thế giới, kể cả đồng minh, đối tác, đối thủ, đối phương, quan sát xem Hoa Kỳ làm gì và quan trọng không kém, Hoa Kỳ không làm gì khi thực hiện chính sách đối ngoại.
Bộ Ngoại Giao nên gửi thông điệp đến các quốc gia trên thế giới nêu rõ lập trường của Hoa Kỳ là cam kết duy trì quyền tự do hải hành trên toàn cầu. Nên gia tăng nhịp độ công tác tự do hải hành trên khắp các vùng biển trên thế giới. Trong năm qua thế giới có thấy Hoa Kỳ thực hiện một số chuyến công tác tự do hải hành tại Biển Đông, nhưng đồng thời cũng có thông tin về sự “khác biệt ý kiến” giữa Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài về nhịp độ và vùng biển thực hiện. Tóm lại, lời nói phải đi đôi với việc làm cho đồng nhất.
Thứ ba, ông nên chuẩn bị cho một cuộc thử thách sẽ sớm xảy ra cho Hoa Kỳ. Thách đố này có thể đến từ Nga, Iran hoặc Bắc Hàn. Nhưng có lẽ nhiều phần sẽ đến từ Trung Quốc. Khi Tổng thống George W. Bush bắt đầu nhiệm kỳ, bảy mươi mốt ngày sau đó một phi cơ Trung Quốc đụng vào một phi cơ của Hải quân Hoa Kỳ trong không phận quốc tế; bảy mươi bốn ngày sau khi Tổng thống Obama nhậm chức, năm chiếc tàu Trung Quốc bao vây tàu Impeccable của Hoa Kỳ trong hải phận quốc tế. Gần đây nhất, tàu hải quân Trung Quốc cướp lấy một drone tàu ngầm mà tàu USNS Bowditch đang làm thử nghiệm trong vùng biển quốc tế.
Cũng may là trong những năm chót của chính quyền Obama, Trung Quốc và Hoa Kỳ đạt được những tiến triển đáng kể trong việc tương tác an toàn trên biển và trên không, kể cả có được một thỏa thuận song phương về an toàn khi chạm trán trên biển. Nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục phản đối sự hiện diện của quân lực Hoa Kỳ trong vùng biển tại Đông Á. Tân Tổng thống Hoa Kỳ phải khẳng định lại thỏa thuận song phương về an toàn trên biển phải là chuẩn mực duy nhất chấp nhận được. Ông cũng nên nhắc với Bắc Kinh là không nên dùng đội dân quân biển để quấy rầy hải quân Hoa Kỳ để tránh rủi ro hiểu lầm hoặc leo thang xung đột.
Thứ tư, ông nên kêu gọi các đồng minh của Hoa Kỳ giúp bảo vệ quyền tự do hải hành trên thế giới. Tuy tự do hàng hải là một lợi ích chung về an ninh và kinh tế đối với nhiều quốc gia có cùng quan điểm, gánh nặng bảo vệ sự tự do đó không được gánh vác đồng đều. Vị tân Tổng thống nên kêu gọi các lãnh đạo khác đóng góp nhiều hơn cho tự do hàng hải, kể cả việc góp phần vào phản đối ngoại giao và công tác tự do hải hành.
Thứ năm, ông nên ưu tiên việc đưa Hoa Kỳ cam kết Công Ước Luật Biển, trong đó có đưa quyền tự do hàng hải vào luật pháp quốc tế. Đề mục này rất quan trọng vì lý do an ninh quốc gia, an ninh năng lượng và cơ hội kinh tế. Theo lời của Tướng Mattis, lúc còn chỉ huy Bộ Tư Lệnh vùng Trung Đông/Trung Á, quyền hạn đặt ra dựa trên hiệp ước ký kết tốt hơn là dựa vào lời đe dọa hoặc thông lệ. Rất tiếc là một số Thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa ngăn cản việc ký kết vào Công Ước vì lý do chính kiến. Vị Tổng thống mới, trong tư cách là một người “ngoài cuộc” có thể phá vỡ tình trạng bế tắc này. Ông từng nói về việc tìm những “tiềm năng chưa khai phá” để tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ. Những tiềm năng như thế có thể là dầu hỏa và khoáng sản dưới lòng đại dương.
Tuy nhiên các công ty Hoa Kỳ không chịu chấp nhận rủi ro để thăm dò lòng biển, vì các công ty nước ngoài có thể dựa hơi để khai thác những chỗ thành công. Trong khi đó những quốc gia cạnh tranh có ký kết vào Công Ước, như Trung Quốc chẳng hạn, được giấp phép độc quyền một cách hợp pháp. Nếu Hoa Kỳ ký kết vào Công Ước, thì cũng sẽ có cùng cơ hội để khai thác các nguồn tài nguyên này. Khi còn là chủ tịch công ty ExxonMobil, Tillerson từng nói với Thượng viện Hoa Kỳ là ký kết vào Công Ước “là điều quan trọng cho công ty chúng tôi – và có thể nói là quan trọng cho an ninh năng lượng của Hoa Kỳ.”
Thứ sáu, ông nên gia tăng khả năng bảo vệ tự do hàng hải của Hoa Kỳ bằng cách phát triển lực lượng Hải quân, Duyên phòng và Không quân. Sự hiện diện trên mặt biển và tự do hàng hải là hai ý niệm liên hệ với nhau: tự do cho phép sự hiện diện, và sự hiện diện bảo vệ việc lui tới, ra vào. Do đó, thêm nhiều chiến hạm và phi cơ trong quân đội Hoa Kỳ đồng nghĩa với khả năng cao hơn để duy trì sự hiện diện toàn cầu bảo vệ tự do hàng hải.
Vị tân Tổng thống nên tận dụng toàn bộ sức mạnh của Hoa Kỳ để đạt được mục tiêu chiến lược là duy trì quyền tự do hàng hải của Hoa Kỳ. Cần dùng đến tiếng nói của tổng thống Hoa Kỳ để cho thế giới biết rõ là tự do hàng hải là một lợi ích cơ bản, không thể điều đình được của Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là sẽ có cả hành động ngoại giao và quân sự để biểu lộ mối cam kết của Hoa Kỳ với quyền tự do đó. Điều này bao gồm luôn việc lên kế hoạch cẩn trọng trong thời gian đầu của chính quyền mới để phản công lại những mưu toan của các quốc gia khác thách đố quyền tự do hàng hải của Hoa Kỳ. Điều này sẽ bao gồm việc hợp tác với đồng minh Hoa Kỳ để cùng chung nỗ lực ngoại giao và quân sự để bảo vệ quyền tự do hàng hải, vì đây không phải là lợi ích riêng của Hoa Kỳ mà lợi ích của họ luôn. Điều này kể cả việc tuân thủ luật pháp quốc tế và khai dụng cơ hội kinh tế có được, bằng cách ký kết vào Công Ước Luật Biển. Và điều này bao gồm luôn việc xây dựng sức mạnh quân đội Hoa Kỳ để gia tăng khả năng bảo vệ quyền tự do hàng hải khắp nơi trên thế giới.
Nếu tự do hàng hải là cốt yếu cho nền an ninh của Hoa Kỳ và tương lai kinh tế, thì Tổng thống Trump nên cứu xét đến từng điểm một trong sáu bước nêu trên, cùng với những phương tiện có sẵn khác để bảo vệ quyền tự do cơ bản này.
Jonathan G. Odom là Giáo Sư Quân Sự tại Trung Tâm Châu Á-Thái Bình Dương Nghiên Cứu về An Ninh. Trước đó, ông phục vụ trong vai trò Cố Vấn Chính Sách Hải Dương trong Văn Phòng của Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ. Quan điểm nêu nơi đây là của riêng ông và không nhất thiết phản ảnh lập trường của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ.
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment