Mới đầu năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn sống sượng tuyên bố: “Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hiện ở mức 3.000 đồng/lít, nếu nâng lên hết khung hoặc vượt khung, thì giá trị thu được sẽ gấp khoảng 10 – 20 lần so với số trực tiếp thu từ sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay”, ….đối tượng thu và phương thức thu cũng “được lòng dân hơn”!
Một lần nữa trong hai năm liên tiếp, cơ quan tham mưu đắc lực cho chính phủ và đảng là Bộ Tài chính lại tìm cách “móc túi” tuyệt đại đa số công dân và người nghèo bằng một bản dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường với 8,000 đồng đánh vào 1 lít xăng.
Năm 2015, Bộ tài chính đã đề xuất và được Quốc hội thông qua việc tăng gấp 3 lần thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1/5/2015.
Vào thời điểm trên, Bộ Tài chính tính toán: chỉ riêng với thuế bảo vệ môi trường từ các mặt hàng này, ngân sách dự kiến sẽ thu về hơn 35,000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 23,000 tỷ đồng/năm. Trong đó, riêng số thu thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng xăng đã dự kiến là hơn 20,000 tỷ đồng/năm, tăng gần 14,000 tỷ đồng/năm. Rất đáng chú ý, con số này gấp 2 – 2.5 lần so với tổng thu thuế bảo vệ môi trường dự toán năm 2015, tương ứng tăng khoảng 22,500 tỷ.
Còn năm 2016, tổng số thu từ thuế bảo vệ môi trường đã nhảy vọt gần gấp 4 lần so với năm 2014.
Với 8,000 đồng đánh vào 1 lít xăng, một lần nữa, lại một lần nữa trong rất nhiều tái hiện bất biến của lịch sử độc quyền đạo diễn giá xăng, mặt hàng chiến lược quốc gia này được Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đẩy vọt chiến thuật ngay sau khi một kỳ họp quốc hội kết thúc.
Một lần nữa, nhóm lợi ích chính sách độc quyền vùn vụt phất cờ chiến dịch bù lỗ vào dân để lấy tiền nuôi bộ máy thẳng tay bóc lột dân.
Một tính toán cho thấy, nếu áp dụng mức thuế môi trường 8,000 đồng/lít đánh trên giá xăng, mỗi năm chính quyền Việt Nam sẽ thu về khoảng hơn 6.8 tỷ USD để “bù đắp khó khăn ngân sách”.
Điều lạ lùng là cho tới nay, dù đã trải qua rất nhiều cú tăng giá xăng dầu và cái gọi là “thuế bảo vệ môi trường”, bất chấp đời sống có xu hướng bần cùng hóa của người dân, vẫn chưa có một cuộc biểu thị hay biểu tình nào xứng đáng diễn ra trong lòng các đô thị.
Người dân, kể cả những đảng viên mang trên ngực huy hiệu 40 hay 50 năm tuổi đảng, vẫn như bị kềm giữ trong một thứ vòng kim cô lo ngại, sợ sệt và bị ám ảnh bởi sự hãm hại.
Nếu trong 1-2 năm tới vấn đề thu ngân sách không được cải thiện, tức tiền thuế thu từ dân không đủ để chi cho các công trình xây dựng cơ bản của nhà nước mà thường lãng phí ít nhất vài chục phần trăm và làm giàu thêm cho các nhóm lợi ích, những người về hưu, trong đó có những người “trung với đảng”, sẽ phải nhìn nhận một thực tế đớn đau là: quỹ lương dành cho họ sẽ bị biến thành một trong những nạn nhân đầu tiên của chế độ thẳng tay cắt xén.
Lê Dung / SBTN
Leave a Comment