Từ bi kịch Hữu Thỉnh
Ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, là một cái tên quá quen thuộc không chỉ trong giới quản lý văn học mà cả trong… chính trường Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà lâu nay một số nhà văn đã gọi ông Thỉnh là “đồng chí Hữu Thỉnh,” thay vì “nhà thơ Hữu Thỉnh.”
Đơn giản là ông Hữu Thỉnh trước sau vẫn một lòng tận trung với đảng, nhất quán yêu cầu các nhà văn không được xa rời ý chí cách mạng và quỹ đạo của đảng. Tóm lại, ông là một người đặc trưng cho “văn học mang tính đảng.”
Chính vì thế, đã nhiều nhiệm kỳ trôi qua, ông vẫn ung dung tái đắc cử chức vụ chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. Ai cũng biết vai trò của ông là do đảng “cơ cấu.”
Thế mà tại Hội Nghị Văn Học 2016 do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 16 Tháng Mười Hai, 2016, ông lại phát ra một tán thán chưa từng có về số phận của tổ chức bị nhiều người coi là “ăn bám” này.
Khó khăn đầu tiên mà ông đưa ra là thông thường mỗi nhiệm kỳ năm năm các hội văn học nghệ thuật được nhận khoảng 400 tỷ đồng tiền hỗ trợ sáng tác từ ngân sách nhà nước, trong đó riêng Hội Nhà Văn Việt Nam mỗi năm được nhận 4.8 tỷ đồng. Nhưng năm 2016 hội chỉ nhận được một nửa số tiền là 2.4 tỷ đồng.
Ông Thỉnh than vãn: “Nếu kỳ họp vừa rồi mà Quốc Hội nhấn nút thông qua Luật Về Hội thì không biết chúng ta sẽ khốn đốn thế nào bởi khi đó Hội Nhà Văn Việt Nam cũng như các hội khác sẽ không có trụ sở, không biên chế, không được cấp kinh phí. Vậy thì còn gì để hoạt động nữa? Nếu chúng ta không được cấp kinh phí, không có trụ sở, tự đóng góp hội phí mà nuôi nhau thì hội sẽ chỉ còn con đường tan rã mà thôi. Vì số tiền hội phí thu từ 1,000 hội viên mỗi năm chưa được 6 triệu đồng, chưa đủ đi thăm viếng một số đám ma!”
Thì ra là như vậy. Đó hẳn là cái lý để những nhà văn – quan chức như ông Hữu Thỉnh hoàn toàn không mặn mà gì với Luật Về Hội – một quyền căn bản của công dân nhưng đã bị nhà cầm quyền bỏ xó và giấu nhẹm suốt từ Hiến Pháp năm 1992 đến nay.
Nhưng còn giờ đây, Hội Nhà văn Việt Nam của ông Hữu Thỉnh bắt đầu có xu hướng bình đẳng với… Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam.
Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam lại là một tổ chức xã hội dân sự mà tổ chức của ông Hữu Thỉnh từng lên án quyết liệt và tham mưu cho đảng để “dẹp chống đối.”
Trong khi đó, bi kịch lại xảy đến với các tổ chức hội đoàn nhà nước. Từ đầu năm 2016, Dự Luật Lập Hội do Bộ Nội Vụ soạn thảo đã nhắm đến việc “siết” kinh phí cấp hàng năm cho các hội đoàn nhà nước. Cho đến giữa năm 2016, dự luật này được chuyển tên thành Dự Luật Về Hội, đồng thời cơ chế cắt giảm kinh phí của các hội đoàn nhà nước đã được thực hiện kiên quyết chưa từng có. Theo đó, trong năm 2016 nhiều hội đoàn chỉ còn nhận được kinh phí bằng khoảng phân nửa năm 2015, năm 2017 còn tệ hơn.
Đến á khẩu tụng ca
Những năm gần đây, một nghịch lý đã nảy sinh trong bộ máy “mặt trận” của chính quyền là chính những hội đoàn do nhà nước sinh ra và nâng đỡ đã bị “ông chủ” ghẻ lạnh. Nguyên do rất đơn giản: từ thiếu kinh phí đến cạn kiệt kinh phí sinh ra tình trạng thân ai đó lo và có thể dẫn tới sống chết mặc bay.
Luật Về Hội với quá trình hình thành của nó chính là một minh chứng có tính dần dần cho tình cảnh phân hóa và phân rã trên.
Cho đến lúc này, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã trở nên đặc biệt eo hẹp. Nguồn ngân sách chính yếu vẫn phải tập trung cho lực lượng hành chính công, các ban đảng và lực lượng vũ trang, còn kế sinh nhai của các hội đoàn nhà nước đã trở thành “chuyện nhỏ.”
Chính vì vậy, gần kỳ họp Quốc Hội cuối năm 2016 đã ồn ào dư luận về triển vọng chỉ có sáu tổ chức chính trị – xã hội do đảng chỉ đạo trực tiếp như Mặt Trận Tổ Quốc, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Liên Đoàn Lao Động, Hội Nông Dân, Hội Cựu Chiến Binh, Hội Phụ Nữ mới được đảng tiếp tục cấp kinh phí thường xuyên, còn đa phần các hội đoàn khác sẽ phải tự lo thân.
Vào đúng thời gian khốn khó trên đã nổ ra vụ Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam (Vinastas) có nhiều dấu hiệu “đi đêm” với nhóm mafia kinh doanh để vu cho nước mắm truyền thống bị nhiễm chất độc arsen. Sự việc này đổ bể và kéo theo đến 50 tờ báo dính chùm và bị xử lý kỷ luật.
Cũng trong bối cảnh trên, Dự Luật Về Hội đã bị Quốc Hội Việt Nam – theo chỉ đạo của đảng sau khi tiến trình bỏ phiếu TPP gần như đổ vỡ ở Mỹ – đình hoãn chưa biết khi nào mới thông qua.
Tuy nhiên vụ Vinatas đã tiếp thêm một cái cớ để giới làm chính sách thể hiện thái độ ghẻ lạnh hơn đối với những hội đoàn bị coi là “ăn bám.”
Cuộc họp gần nhất của Bộ Nội Vụ – cơ quan chủ trì soạn thảo Dự Luật Về Hội – đã thống nhất sẽ hoàn thiện Luật Về Hội để trình Quốc Hội xem xét thông qua trong thời gian tới. Trong lúc chờ ban hành luật, Bộ Nội Vụ hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị Định 45 để bước đầu thể chế hóa các chủ trương của đảng về công tác hội, qua đó đáp ứng yêu cầu về đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả của các tổ chức hội. Theo đó, các hội do đảng, nhà nước có nhu cầu và chỉ đạo thành lập thì vẫn tiếp tục được hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đối với các hội hoạt động trong phạm vi của địa phương, trước đây đã được giao biên chế và được cấp kinh phí thì để ổn định và từng bước khoán kinh phí theo lộ trình. Các hội còn lại tự trang trải kinh phí và sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí theo các nhiệm vụ nhà nước giao.
Như vậy, kịch bản khả dĩ nhất có thể nhìn thấy là vẫn có một nhu cầu sớm thông qua Luật Về Hội, nhưng không phải để phục vụ cho việc đối phó với TPP như trước đây, mà chính là để “chia lại bánh:” quy định lại những tổ chức hội đoàn nào sẽ được nhận ngân sách nhà nước và những hội đoàn nào sẽ phải “tự bơi.”
Hầu như chắc chắn, Hội Nhà Văn Việt Nam của ông Hữu Thỉnh sẽ không có được vị trí danh dự trong danh sách các tổ chức thường xuyên nhận tiền ngân sách.
Ngay trước mắt, Bộ Nội Vụ sẽ điều chỉnh Nghị Định 45 – vốn là một văn bản nặng về nhiệm vụ quản lý hội đoàn, và có thể sẽ kèm theo một phụ lục danh sách một ít hội đoàn thường xuyên được nhận ngân sách nhà nước. Còn các hội đoàn không có tên trong danh sách này sẽ phải tự hiểu là họ có thể phải đối mặt với tình trạng tự giải thể.
Hay họ sẽ bị á khẩu mà không thể tái diễn tụng ca “đảng vinh quang bất diệt?”
Leave a Comment