Quảng Cáo

Loa phường: Biểu hiện của văn minh rừng rú thời hiện đại

Quảng Cáo
Chuyện cái loa phường: Lợi ích nhóm và loạn sứ quân

Mấy hôm nay, trên mạng xã hội đưa một thông tin: Chủ tịch Tp Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ý kiến: Bỏ loa phường – Hệ thống loa truyền thanh của từng phường được gắn khắp nơi trên đất nước này để “tuyên truyền đường lối chính sách của đảng”.

Ngay lập tức, ý kiến này được sự đồng tình của dư luận người dân. Có lẽ, từ khi lên làm Chủ tịch TP đến nay, đây là một ý kiến của Chủ tịch Tp được người dân hưởng ứng nhiều như vậy.

Không phải cho đến nay, vấn đề loa phường mới được đặt ra. Tôi còn nhớ cách đây hơn 13 năm trước, trên tờ Vietnamnet đã có một diễn đàn tranh luận hết sức sôi nổi và nhiều bài phóng sự gay gắt về nạn “Loa phường”. Hầu hết các thông tin được thu thập từ người dân, đều thống nhất rằng hệ thống loa phường chỉ có ăn hại, không còn tác dụng.

Người dân phân tích đủ các thứ tác hại của loa phường, nó làm xáo trộn cuộc sống vốn đã căng thẳng vì cơm áo, gạo tiền của người dân bằng những thông tin vô bổ, bằng những bài hát nhiều khi trái khoáy với hoàn cảnh người dân.

Ở Thủ đô văn minh, không ai lạ gì cảnh bên cạnh đám tang, tiếng khóc lóc của thân nhân người chết chưa dứt thì chiếc loa phường gào lên thê thảm “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” hoặc giữa những ngày hè nắng cháy bỏng da, chiếc loa vẫn oang oang “Em ơi em mùa xuân đã về trên cành lá”.

Điều đặc biệt dị ứng với người dân, loa phường là hệ thống tra tấn hết sức tàn bạo và hợp pháp. Những cụ già cần nghỉ ngơi, những bệnh nhân cần dưỡng bệnh và nhất là các trẻ em, sơ sinh là đối tượng tra tấn của những chiếc loa này.

Thậm chí, những ngày bọn bành trướng Trung Quốc xâm lược biển đảo, hạ đặt dàn khoan ngay trên thềm lục địa Việt Nam, hết chiếc máy bay này đến chiếc máy bay khác rơi “không rõ nguyên nhân” đảng vẫn ngậm tăm thì loa phường vẫn “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”… Đủ cả mọi bi hài.

Thế nhưng, cỗ máy Hà Nội và các tỉnh vẫn không hề nao núng, suy suyển và hệ thống loa vẫn “ngày càng phát triển” đã là một sự thách thức với sự tiến bộ của người dân Thủ đô.  Và đó cũng chính là sự coi thường công luận, coi thường người dân – những ông chủ – của các quan chức Cộng sản Hà Nội.

Vì vậy, nay một quan chức đứng đầu Tp đưa ý kiến, thì người dân hưởng ứng là chuyện hẳn nhiên.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến ngược lại. Đó là ý kiến của Sở Thông tin và truyền thông Hà Nội, ông Phó giám đốc khẳng định “Không bỏ loa phường”.

Ý kiến ngược lại ở đây, thể hiện những điều hết sức cụ thể về tình trạng xã hội Việt Nam, đó là căn bệnh “Lợi ích nhóm” và loạn sứ quân. Mỗi lĩnh vực, mỗi ngành, nghề đều có những dự án, những lĩnh vực thuộc quyền lợi của mình.

Đó là cái cớ để tiêu tiền dân một cách “hợp lý, đúng quy trình” mà ít ai dám thắc mắc.

Theo con số của báo chí cho biết: Mỗi loa phường tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng/ năm cho chi phí kiểm tra, bảo dưỡng. Đó là chưa tính đến các khoản chi cho lương, phụ cấp cho trưởng đài, phát thanh viên. Mỗi phường có ít nhất một chục đến hai chục cái loa, vậy mỗi năm một phường đã tiêu tốn cả tỷ đồng cho hệ thống loa phường.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Tài – Trưởng phòng Tuyên truyền, Phòng CSGT TP. Hà Nội trả lời báo Đất Việt, năm 2013, chỉ riêng việc lắp mấy chiếc loa tuyên truyền về giao thông ở 5 ngã tư Hà Nội thì kinh phí đã hết vài trăm triệu đồng. Đó là chưa tính tiền thuê nhân công, tiền hệ thống đường điện riêng, ống dẫn đối với điểm nút tại các chân cầu vượt, bố trí nhân lực…

Cả thành phố Hà Nội có tất cả 30 đơn vị hành chính cấp huyện: gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã và 584 đơn vị hành chính cấp xã – gồm 386 xã, 177 phường và 21 thị trấn. Như vậy, số tiền thuế của dân chi cho hệ thống này là con số khủng khiếp.

Và cứ có chi, là có… thu, có xây là có… cất.

Và khi đụng chạm đến quyền lợi, lợi ích của mình thì bất chấp kẻ đó là ai, ở cương vị hay thuộc lĩnh vực nào, hẳn nhiên là phải chống lại.

Và ở đó, quyền lợi người dân, tác dụng cho xã hội không hề được đếm xỉa.

Cái loa với người dân

Không chỉ đến bây giờ, mà từ xa xưa, chiếc loa công cộng đã là một hình thứ tuyên truyền bắt buộc bằng cách hét vào tai bất kể ngày đêm.

Thế nhưng, thời xa xưa, việc phản ứng lại “đài nhà nước” bằng bất cứ hình thức nào đều rất dễ dàng bị khép tội “chống lại đường lối chủ trương chính sách của đảng, chống lại đất nước”, nhẹ nhất cũng là “phá hoại tài sản Xã hội chủ nghĩa”.

Vì thế, dù muốn hay không, dù hài lòng hay khó chịu, tất cả đều phải nín thinh mà hưởng ân huệ mưa móc của đảng qua cái loa công cộng.

Khốn nỗi, sự tra tấn của cái loa rất có hệ thống và dai dẳng không thể nào dập tắt và không có hồi kết. Người dân đã buộc phải có những phản ứng cần thiết.

Tôi còn nhớ hai câu chuyện về chiếc loa phường. Chuyện thứ nhất là hồi tôi còn nhỏ.

Có lẽ những người dân lứa tuổi chúng tôi đều nhớ trong làng có hệ thống loa phát thanh mỗi xóm một cái, cứ 5 giờ sáng đã oang oang “Giải phóng miền nam chúng ta cùng quyết tiến bước… Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời…”, buổi trưa 11 giờ cho đến khoảng 2 giờ chiều và từ 5 giờ chiều cho đến tận tiết mục “Tiếng thơ” gần 11h đêm mới dứt hẳn vào buổi tối. Những nhà gần loa không thể nào yên ổn và cuộc sống luôn choáng váng bởi cái loa. Thế nhưng không ai dám mở miệng để kêu ca hay phản đối.

Duy nhất có một bà già vốn chẳng học hành gì nhiều nên bà cũng chẳng hiểu được mấy những điều cao siêu bằng giọng bắc từ cái loa. Oái oăm thay cái loa ưu ái chĩa thẳng vào nhà với khoảng cách chỉ mấy bước chân. Không chịu được, bà cầm chiếc cào sắt 6 răng ra ngoặc đứt hai đường dây điện và đẩy cái loa hướng về phía khác. Buổi tối cái loa tịt.

Ngay lập tức,  hệ thống “ăng ten” trong xóm được cài cắm đã báo cáo lên xã. Sáng hôm sau xã gọi bà lên Ủy ban. Hồi đó, bị gọi lên ủy ban là hết sức nghiêm trọng, công an có thể dẫn đi nghỉ mát bất cứ khi nào không cần lệnh.

Sau đây là câu chuyện giữa cán bộ Ủy ban với bà già. Câu chuyện bằng tiếng Hà Tĩnh quê tôi, xin được viết lại theo từ ngữ phổ thông cho dễ hiểu:

Chào Ủy ban, không biết Ủy ban có việc gì mà hôm nay triệu tập bà lên thế ạ?

– Chúng tôi triệu tập bà lên vì cái tội phá loa của nhà nước. Ai cho phép bà phá loa của nhà nước chiều hôm qua?

Thưa Ủy ban, ai nói với Ủy ban là bà phá cái loa nhà nước ạ?

Cán bộ ủy ban lúng túng vì không dám hé lộ “ăng ten” của mình cài cắm trong xóm, nên đành phải quát:

– Ai báo không quan trọng, mà tội của bà là phá hoại tài sản Xã hội chủ nghĩa, phá hoại chủ trương chính sách của đảng và nhà nước.

Thưa Ủy ban, bà thì bà nghi một người phá loa của nhà nước chứ không phải bà.

– Loa ngay cạnh nhà bà, bà không phá thì còn ai phá?

Thưa Ủy ban, cái loa ở cạnh nhà bà, bà được lợi trăm bề. Bà không mất tiền mất nong gì, lại suốt ngày được nghe hát không phải mua vé, được biết tình hình khắp nơi không cần đi đâu hỏi ai. Sáng dậy chưa mở mắt nghe tiếng loa con cái dậy đi học không phải gọi. Trưa đến giờ loa nói là biết dọn cơm không cần đồng hồ, tối ngủ dậy vẫn nghe văn nghệ… đủ mọi thứ có lợi. Thế thì lý do gì bà phải đi phá cái loa đó?

Bà thì bà nghi thằng nào không được gần cái loa nên ghen ăn tức ở với nhà bà nên báo cáo láo với Ủy ban thế thôi.

Ủy ban nghe bà già nói có lý, không thể cãi vào đâu được nên phải để bà về và cho người sửa loa. Hôm sau loa vẫn bị phá như thường, bà già lại được gọi lên. Bà có một đề nghị:

Tôi đã nói với Ủy ban, là tôi nghi chính thằng báo cáo láo đó nó ghen ăn tức ở nên thế. Thôi thì Ủy ban nên chiếu cố cho nó, chuyển cái loa lại gần nhà nó cho nó đỡ phá. Thế mới yên được.

Rồi bà già ra về, cả một Ủy ban xã nhìn theo bà ngơ ngác. Cả xã nghe chuyện bảo nhau: Thấp cơ thua trí đàn bà là vậy.

Từ đó, quê tôi có câu chuyện “Loa bà Huê” những khi người dân biết cách lý luận làm cán bộ chính quyền ngọng miệng là vậy.

Hà Nội, 17/1/2017

(Xem tiếp phần 2)

Page: 1 2

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux