Chỉ 2 ngày sau khi UBND Hà Nội trả lời Thủ tướng rằng họ có căn cứ vững vàng khi cấp phép xây 50 tầng ở Giảng Võ, trong một động thái bất ngờ, Bộ Xây dựng ra quyết định thanh tra 12 công ty bất động sản lớn nhất Việt Nam, trong đó có VinGroup và Tân Hoàng Minh – hai doanh nghiệp có liên quan đến khu đất vàng Giảng Võ.
Tiếp đến, dường như không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để khơi lại vụ việc, hôm nay, trong buổi làm việc với Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Thủ tướng lại lên tiếng về Giảng Võ:
‘Nếu như làm 10 cái nhà 50 tầng ở đó thì nói như Bí thư Hoàng Trung Hải, là một thảm họa đang đến với Hà Nội. Chưa làm đã tắc đường thì làm nữa, sẽ đi đường nào. Không phải là cấm nhà cao tầng, mà chính là hạ tầng xung quanh cái khu này như thế nào. Cho nên phải làm hạ tầng thì mới làm nhà cao tầng.’
Thủ tướng Phúc cho thấy có vẻ ông đang lúng túng trước đối đáp của UBND Hà Nội nên một mặt chọn cách phản công gián tiếp bằng việc thanh tra công ty bất động sản dính líu đến khu đất; mặt khác, nhẹ nhàng điều chỉnh trọng tâm, từ truy vấn trách nhiệm cá nhân rằng ‘ai cho phép xây 50 tầng ở Giảng Võ?’ sang một quan ngại chung chung rằng phải cân nhắc hạ tầng xung quanh trước khi xây cao ốc, chứ không cấm cao ốc.
Thiếu tự tin hơn, Thủ tướng Phúc còn phải dẫn phát ngôn của Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải để củng cố lập luận của mình, nhưng lại diễn giải nó thiếu chuẩn xác. Ông Hải, trong cuộc họp tìm cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô với Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, chỉ nói rằng Hà Nội thấy trước thảm họa là di dân tự do ồ ạt song không có đủ tiền để xây dựng hạ tầng, chứ ông ấy không hề nói xây 10 nhà 50 tầng ở Giảng Võ là thảm họa.
Tuy vậy, dù có đang khiến Thủ tướng phải xuống nước thì Hà Nội cũng không nên vội mừng. Bởi lẽ, phần giải trình của họ tuy khéo léo về mặt chính trị khi lợi dụng tâm lý chung của lãnh đạo là ngại đụng trực tiếp tới tiền nhiệm, song vẫn còn hở sườn về pháp lý.
Hà Nội bảo căn cứ của việc cấp phép 50 tầng là Quyết định 11/2016 của chính họ, song văn bản này lại được ban hành dựa vào Quyết định 1259/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô trong đó nêu rõ vùng nội đô lịch sử (bao gồm khu đất Giảng Võ) phải hạn chế xây cao tầng. Chỉ riêng ở điểm này, Thủ tướng Phúc nhẹ thì có thể truy vấn Hà Nội về việc ra một văn bản có nội dung trái với căn cứ ban hành của chính nó, nặng thì có thể dùng thẩm quyền của ông trong Luật Tổ chức Chính phủ để đình chỉ hoặc bãi bỏ ngay lập tức Quyết định 11 của Hà Nội.
Còn với việc Hà Nội viện dẫn tới Thông báo 30 hồi tháng 2/2016 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý xây 50 tầng ở Giảng Võ, Thủ tướng Phúc vẫn có thể phê bình họ ở hai điểm sau:
Một, Quyết định 1259/2011 (hạn chế cao tầng) là văn bản quy phạm, trong khi Thông báo 30 (cho phép xây cao tầng) là văn bản hành chính thông thường mang tính chất nội bộ. Vậy trong tư cách là cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBND Hà Nội phải ưu tiên tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật của cấp trên khi ra quyết định của mình, chứ sao lại viện dẫn văn bản hành chính thông thường như thế? Hà Nội rõ ràng có vấn đề về năng lực lập quy.
Hai, trong tư cách là cơ quan quản lý địa phương, lẽ ra khi thấy ý kiến kết luận của Thủ tướng không nhất quán với Quyết định trước đó cũng của Thủ tướng về một vấn đề thuộc địa bàn mình quản lý như trên thì Hà Nội phải tham mưu cho Thủ tướng nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp lý. Rõ ràng Hà Nội đã không làm tốt vai trò tham mưu của cơ quan địa phương với lãnh đạo Trung ương về các vấn đề đối với địa phương mình.
Tóm lại, nếu Thủ tướng Phúc thực sự muốn làm tới nơi tới chốn, vẫn sẽ có cách. Với các đòn chính trị-pháp lý hợp lý ông hoàn toàn có thể khiến cả Hà Nội lẫn VinGroup vừa sợ vừa phục trả đất Giảng Võ làm công viên như đúng định hướng quy hoạch ban đầu, đổi lại VinGroup sẽ được thu xếp chuyển dự án sang vị trí khác có thể xa hơn, nhưng tất nhiên, một cách yên ổn.
Làm được thế, ít ra vẫn có chút gì đó để người dân sau này còn nhớ về ông. Ngược lại, nếu tới đây 10 cao ốc 50 tầng vẫn cứ thế mọc lên sau những ồn ào thì đất nước đơn giản chỉ vừa có thêm một Nguyễn Tấn Dũng.
Bóng đã vào chân Thủ tướng, đá thế nào dĩ nhiên là lựa chọn của ông ấy. Song vẫn sẽ tốt hơn rất nhiều nếu xã hội chúng ta, bằng mọi cách có thể, gây áp lực để ông ấy đá theo cách mà chúng ta tin là tốt nhất.
Leave a Comment