Thủ đô Hà Nội có ba vấn đề nhức nhối mà gần như không có cách nào giải thoát ra được hiện nay.
Đầu tiên đó là việc tắc đường những giờ cao điểm, thậm chí những khung giờ thường trong ngày cũng có tình trạng kẹt xe. Dường như lượng người tập trung ở nội thành quá lớn và việc người dân tham gia giao thông bất kể thời gian cũng quá nhiều thì phải. Nên dẫn đến tình trạng tắc đường ngày càng trầm trọng hơn. Việc quy hoạch “dồn ống nước” bằng việc xây các toà nhà cao tầng ngày càng san sát trong các tuyến phố trọng điểm mà cơ sở đường xá thì vẫn giữ nguyên như cũ, cũng giống như việc dồn thêm rác vào ống mà thể tích ống dẫn không thay đổi. Nên tắc nghẽn là điều đương nhiên.
Các tuyến đường giao thông với tỷ lệ diện tích nhỏ đến mức không tưởng. Ví dụ, ngay đoạn đường Láng Hạ, Giảng Võ, có 3 làn đường thì nay đã dành cho Bus nhanh (BRT) một làn riêng mà cấm các xe khác đi vào. Khiến cho thực tế đường dành cho các phương tiện giao thông của người dân chỉ còn 2/3 đường, mà phần hè và dải phân cách lại chiếm khá lớn diện tích. Ngồi trên taxi đi công việc trên các tuyến đường này tôi đành phải thốt lên là ai làm quản lý và đề ra dự án xe bus nhanh điên rồ này không biết. Họ không ra đường nên dường như không còn biết dân sống chết ra sao nên mới tiêu tốn 10.000 tỷ để thực hiện đề án xe bus nhanh với phần đường dành riêng trích sẵn từ đường giao thông đã có. Quả là tư duy ngu ngốc và tối tăm hết chỗ nói. Tôi vừa ngồi xe vừa nghe anh taxi chửi bới trong tinh thần tỉnh táo và hoàn toàn điềm tĩnh chứ không hề bức xúc. Anh lái xe còn nhận ra sự điên rồ của dự án và còn khẳng định, rồi lại thất bại và sớm muộn cũng bỏ đi thôi. Chỉ tổ tốn tiền dân và làm khổ dân.
Vậy giải pháp tốt nhất cho giao thông là gì?
– Giải tán các khu nhà đông dân ra xa trung tâm để giãn bớt mật độ dân sinh, từ đó cũng giãn bớt mật độ giao thông bị co thắt và dồn ứ vào một vài điểm;
– Làm thêm đường bằng việc mở rộng mới các tuyến với diện tích khoảng 6 làn đường trở lên; các đường cũ thì thu hẹp vỉa hè và dải phân cách lại để có thêm diện tích lòng đường mà đi; lúc này mới có thể tăng phương tiện công cộng lên. Vì không có đường mà tăng thêm xe lưu thông thì đó là hành động của kẻ điên chứ không phải người có đầu óc bình thường – hiện nay diện tích dành cho giao thông chỉ khoảng 8% để làm đường xá mà những phần công trình phụ, hè đường, dải phân cách đã chiếm khá lớn trong phần quỹ đất này, trong khi ở nước Mỹ vào khoảng 19-22% quỹ đất dành cho việc làm cơ sở hạ tầng giao thông, Singapore khoảng 13-15%.
– Đánh thuế cao ô tô thứ hai lên khoảng 50% so với chiếc xe ô tô đầu tiên; xe máy đăng kiểm quá 10 hoặc 15 năm thì phải cấm lưu thông; xe ô tô quá 10 năm thì cũng không cho sử dụng;
– Không cho xây mới các chung cư, toà nhà cao tầng trong nội đô trong vòng 10 năm để giãn dần dân sinh cũng như các trung tâm hành chính, trường học ra bán kính 30km tính từ các quận nội đô.
Nếu làm được các vấn đề này thì mới có thể giải quyết được vấn nạn tắc đường và cả ô nhiễm mà nó gây ra cho Thủ Đô.
Vấn đề thứ hai mà Hà Nội mắc phải là ngập lụt do hệ thống thoát nước không đảm bảo, dân và doanh nghiệp thì xả rác, nước thải vô tội vạ nên gây tắc nghẽn hệ thống cống rãnh vốn đã sập sệ và đường kính không đủ lớn.
Vấn đề thứ ba là ô nhiễm, từ không khí, nước sinh hoạt đến tiếng ồn. Do các phương tiện giao thông hoạt động quá lớn nên lượng khí thải ra môi trường cũng luôn ở mức kinh hoàng, âm thanh từ các hoạt động của thành phố cũng ở mức báo động vượt xa mức cho phép.
Thành phố được gọi là Thủ đô của chúng ta thuộc hàng xấu xí nhất thế giới vì quy hoạch nhà cửa lổn nhổn, tạp nham, biển quảng cáo treo tùm lum, xiên xẹo, vỉa hè lấn chiếm tối đa, mật độ cây xanh thấp (lại còn bị đốn hạ), tắc đường, ô nhiễm, dân giao thông bát nháo, biển xanh vô tư đi đường cấm, lấn làn, vượt đèn đỏ,…cứ như vậy thì Hà Nội luôn là cái chợ ồn ào, náo nhiệt và ô nhiễm hàng đầu thế giới là chuyện không có gì phải bàn cãi.
Leave a Comment