Ngày 26 Tháng 12 vừa qua, ngành tuyên giáo của Đảng CSVN đã tổ chức hội nghị “Tổng kết công tác tuyên giáo năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017” tại Hà Nội. Theo bản tin trên báo điện tử của chính phủ thì hội nghị này đã đưa ra 3 nhiệm vụ:
- Tích cực tham gia tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, góp phần giải đáp có căn cứ khoa học những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đây có lẽ là nhiệm vụ của Hội Đồng Lý Luận Trung Ương.
- Tăng cường chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản, phát huy vai trò, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
- Chủ trì, phối hợp với các ngành chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các thông tin và luận điệu sai trái.
Để thực hiện 3 nhiệm vụ trên thì trước hết là nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện có hiệu quả chỉ thị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bộ máy tuyên giáo Việt Nam cũng nói là họ “bước đầu tận dụng được lợi thế của Internet” để “đấu tranh chống âm mưu ’diễn biến hòa bình’”.
Một báo cáo cho biết Ban chỉ đạo Trung ương 94 (tên ngắn gọn của Ban chỉ đạo chống ’diễn biến hòa bình’ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của Quân Ủy Trung Ương) có một nhóm chuyên gia đã “tích cực viết hàng nghìn tin bài, xây dựng 12 báo cáo chuyên đề với nội dung định hướng chống âm mưu ‘diễn biến hòa bình’; phương thức đấu tranh có tính đa dạng, … bước đầu tận dụng được lợi thế của mạng Internet và mạng xã hội”.
Những nhiệm vụ được hội nghị “Tổng kết công tác tuyên giáo năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017” không có gì là mới và đã từng được lập đi lập lại nhiều lần. Điểm mới, nếu có, là Ban Tuyên Giáo Trung Ương cho rằng họ đã bước đầu “tận dụng được lợi thế của internet”.
Internet bắt đầu vào Việt Nam hồi cuối thế kỷ trước rồi tương đối được phổ cập khoảng 15 năm gần đây, và được coi như cuộc cách mạng truyền thông lần thứ hai, để phân biệt với cuộc cách mạng truyền thông của hai thế kỷ trước, chủ yếu gồm báo giấy, phát thanh và truyền hình.
Đặc điểm của cuộc cách mạng truyền thông lần thứ hai là, với ưu thế của công nghệ số, internet đã mở ra điều được nhiều người gọi là “xa lộ thông tin trực tuyến”, và không thể kiểm duyệt.
Vì “không thể kiểm duyệt” nên các chế độ độc tài (kể cả độc tài cộng sản) phải tìm ra và áp dụng những cách để “quản lý” lưu thông trên xa lộ thông tin đó, nhằm làm cho những người dùng internet phải tự kiểm duyệt trước. Tuy vậy, từ khi có internet, cuộc chiến trên mạng giữa các cơ quan của nhà nước độc tài và dân cư mạng vẫn liên tục cho đến nay.
Theo một nghiên cứu của trang mạng Sage Journals thì để “quản lý” internet, các chính quyền độc tài đặt ra những luật lệ nghiêm ngặt để hạn chế và thậm chí trừng phạt những ai đi tìm kiếm hoặc phát tán những tin tức mang tính chính trị không có lợi cho nhà cầm quyền. Bên cạnh đó là dựng lên các tường lửa để ngăn chặn những trang mạng mở mang kiến thức có thể gây nguy hiểm cho chế độ. Song song đó là mở rộng và tạo điều kiện dễ dàng cho các kênh giải trí vô bổ, khiến một tỷ lệ rất lớn những người dùng internet dưới các chế độ độc tài đắm đuối trong đó và tự cho rằng đó là “tự do internet”.
Nghiên cứu vừa kể hoàn toàn đúng với tình trạng xử dụng internet ở Việt Nam qua việc nhà nước áp dụng những luật 79, 88, 258 một cách tuỳ tiện, kèm theo các bản án nặng nề dành cho những người đòi hỏi quyền tự do ngôn luận. Bên cạnh đó là tỷ lệ cao nhất thế giới của Việt Nam trong việc tìm kiếm từ ngữ “sex”.
Nhưng đó mới chỉ là một phần của cuộc chiến internet tại Việt Nam.
Năm 2010, khi Facebook chưa được phổ biến nhiều, tướng công an Vũ Hải Triều đã khoe rằng bộ phận kỹ thuật của ông ta đã đánh sập “300 trang mạng và blog cá nhân xấu”.
Cuối tháng Sáu 2014 lại xẩy ra tình trạng trang Facebook của tổ chức Việt Tân và Nhật Ký Yêu Nước bị tấn công, không hoạt động được. Cũng trong thời gian đó các trang Facebook nổi tiếng như Mẹ Nấm, Cô gái Đồ Long, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Lân Thắng… cũng bị tình trạng tương tự.
Sau đó, nhà báo Nguyễn Huy Đức cho biết, một nhà báo Việt Nam cung cấp cho ông một ảnh chụp Facebook của một người có thể là dư luận viên, trên bức ảnh này người ta đọc được nội dung sau đây:
“Sau trận đánh bằng 5.000 tài khoản một lúc một lần, Fanpage chính của Việt Tân đã bị cộng đồng anh em iSocial đánh sập. Ngay hôm sau mọc lên trang Fanpage mới của Việt Tân. Và chỉ trong chiều ngày 20/6 với 5 tiếng đồng hồ ít ỏi nhưng với sức mạnh của cộng đồng và gần 200 ngàn tài khoản tấn công báo cáo liên tục, Fanpage này đã ra đảo chơi với chú… Chiến tích này của các đồng chí xứng đáng được đảng và nhà nước trao huân chương chiến sĩ thời kỳ bàn phiếm.”
Các thành viên quản trị trang Facebook Việt Tân đã phải làm việc với Facebook cùng với sự trợ giúp của các tổ chức phi chính phủ mới giành lại quyền kiểm soát trang Facebook của mình.
Những sự kiện vừa nêu cho thấy, internet chưa bao giờ là một lợi thế của nhà cầm quyền độc tài.
Nay, ngành Tuyên Giáo cho rằng, họ “bước đầu tận dụng được lợi thế của Internet” để “đấu tranh chống âm mưu ’diễn biến hòa bình’”. Diễn biến hòa bình là thuật ngữ Hà Nội dùng để nói về âm mưu của những lực lượng “thù địch” tìm cách xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa, làm cho Việt Nam “đi theo chủ nghĩa tư bản” và “lệ thuộc vào đế quốc”.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, hệ thống tuyên giáo là công cụ của Đảng Cộng sản có nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục đảng viên và người dân về các chính sách và hoạt động của đảng và chính quyền.
Người ta đang chờ đợi để xem Ban Tuyên Giáo lợi dụng được lợi thế của internet như thế nào. Những nhiệm vụ được hội nghị “Tổng kết công tác tuyên giáo năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017” đưa ra đều không mới. Trong quá khứ, từ Hội Đồng Lý Luận Trung Ương đến ban Tuyên Giáo, với gần 20 ngàn ký giả, hơn 800 tờ báo, hơn 1000 ấn phẩm khác, hàng chục cơ quan truyền hình, phát thanh và hơn 300 ngàn loa phường đều đã nỗ lực làm những nhiệm vụ đó, càng dồn nhiều nỗ lực càng thất bại trong mặt trận internet.
Từ đầu năm đến nay, vụ công an đánh chết người ở Bình Định, vụ con rồng đầu chó mình giun ở Hải Phòng, vụ thảm họa cá chết miền Trung không được coi là biến cố môi trường quan trọng trong năm ngoái,…. đã cho thấy truyền thông mạng áp đảo khiến nhà nước luống cuống như thế nào. Vụ video ông Hồ Chí Minh cưới vợ của một đài truyền hình Trung Hoa đưa ra được phát tán chóng mặt trên internet cũng là đòn chí tử đối với chỉ thị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” của Bộ Chính Trị.
***
Tóm lại, Cộng Sản khởi nguồn và lớn mạnh nhờ sự lừa dối. Sau đó được bảo vệ bằng sự bưng bít, cùng sự kết hợp các công cụ khủng bố như công an (cộng côn đồ), toà án và nhà tù. Ngày nay internet đã bạch hoá những sự lừa dối, đồng thời phá tan bức màn bức bít thông tin của cộng sản. Ba chân vạc để cộng sản trụ trên đó, nay hai chân vạc tuyên truyền lừa gạt và bưng bít ngu dân đã bị sói mòn và vô hiệu hoá; chân vạc còn lại là khủng bố cũng đang bị sói mòn trầm trọng qua tác động của internet.
Đảng Cộng Sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn chót của sự tồn tại. Hay nói một cách khác, đảng cộng sản đã hết thời. Trong một ngày không xa, chân vạc công an bảo vệ chế độ cũng sẽ sụp đổ, khi người dân, qua đấu tranh bất bạo động, biết tổ chức và kết hợp trong một liên minh dân tộc để thanh toán chế độ độc tài.
Leave a Comment