1/ Mấy ngày qua, dư luận xôn xao vì cuộc Toạ đàm ra mắt sách về Trương Vĩnh Ký dự kiến tổ chức tại Sài Gòn đúng hôm nay 8/1/2017 đã bị đình lại bởi LỆNH MÕM của anh nào đó.
Tuần trước, nhân có ông bạn Phan Tuấn Anh, Tiến sĩ Văn học từ ĐH Khoa học Huế ra – một fan của Nhã Nam. Tôi có mời thêm ông Vũ Hoàng Giang và bà nghè Filo Chu Thuỳ Anh cafe bên hồ Giảng Võ. Ông Giang có nói về toạ đàm cuốn sách, diễn giả là cụ Nguyễn Đình Đầu, nhà văn Nguyên Ngọc và tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.
Tôi rất đồng tình với việc xuất bản sách về các nhân vật có vấn đề trong lịch sử vì tôi cũng quan tâm đến các vị. Có vấn đề thì mới vui, mới cần tốn giấy mực, mới là cuộc đời, chứ còn trong leo lẻo hoặc đen sì sì thì đâu cần đến người thứ hai tìm hiểu. Và đời người cũng là đời sách, có đời sống riêng.
2/ Ở đây tôi muốn nói một chút về cái LỆNH MÕM. Rồi các vị giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, các viện nghiên cứu sẽ phải làm cả luận án về nó. Nhất là các khoa văn học và lịch sử sẽ phải có những công trình quan tâm tới lịch sử ra đời, chi phối và hệ luỵ của LỆNH MÕM.
LỆNH MÕM xuất phát từ anh A, anh B nói rằng, nghe nói cái lọ cái chai có vấn đề. Nghe anh C, anh D nói quyển sách này nọ rất là ấy ấy… Thế là những chuyện đại loại như tác giả viết Cây táo ông Lành là ám chỉ anh Tố Hữu vì Lành là nickname của anh Tố Hữu. Và thế là Hoàng Cát cứ ngồi mà chịu trận, đến lúc được giải oan thì còn gì là thân nữa.
3/ Cuộc Toạ đàm sách Trương Vĩnh Ký bị huỷ cũng bởi có LỆNH MÕM như vậy. Nó làm tôi nhớ tới Hội thảo Trần Trọng Kim năm 2013 ở Hà Tĩnh cũng bị huỷ như vậy.
Lạ thật, sao lại đi sợ bóng sợ gió những nhân vật lịch sử đã chết từ nửa thế kỷ cho tới cả trăm năm nay? Họ là nhân vật đáng nghiên cứu thì để nghiên cứu, để làm rõ chứ. Việc sử dụng quyền lực để ngăn cấm các Toạ đàm/ Hội thảo khoa học là một điều vô cùng dở. Điều này cho thấy những người phụ trách nghe những tay thầy dùi đểu. Những quyết định cấm đoán này càng làm nhơ nhuốc cho những cơ quan có trách nhiệm.
Leave a Comment