Quảng Cáo

Vũ Quang Hải liệu có được bãi nhiệm?

Vũ Quang Hải, con trai của nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco.

Quảng Cáo

Mấy ngày gần đây vụ Vũ Quang Hải, 28 tuổi, con trai của nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng được bổ nhiệm sai quy trình dường như dần lắng xuống sau khi Hải xin rút khỏi Ban Quản trị Tập đoàn Sabeco.

Hiện tại Bộ Công thương cho biết đang xem xét xử lý vấn đề liên quan đến Vũ Quang Hải.

Liệu Ban Quản trị Sabeco có bãi nhiệm ông Hải hay không, và nếu có thì việc xử lý tình huống như vậy có đủ tính răn đe cho các trường hợp khác hay chưa?

Từ chức hay dàn xếp nội bộ?

Vũ Quang Hải, con trai nguyên Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng được bổ nhiệm các chức vụ: Kiểm soát viên ở Vinataba, Thành viên Hội đồng quản trị Sabeco và Phó Tổng giám đốc Sabeco khi mới chỉ 28 tuổi. Sự việc khiến cộng đồng nghi ngờ về tính minh bạch trong quá trình bổ nhiệm của tập đoàn bia rượu số 1 Việt Nam.

Sau khi sự thật Vũ Quang Hải được bổ nhiệm sai quy trình được Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố ngày 24 tháng 10 năm 2016, dưới áp lực của dư luận, ngày 23 tháng 12 năm 2016, Vũ Quang Hải đã chính thức xin từ chức khỏi Ban quản trị tập đoàn Sabeco.

Luật sư Hà Huy Sơn cho biết dự đoán của mình về việc bãi nhiệm ông Hải:

“Theo kinh nghiệm của tôi thì chuyện những trường hợp mà các cơ quan báo chí của nhà nước đã nêu lên, thì tức là họ đã có động thái về mặt nội bộ rồi. Chuyện Vũ Quang Hải nộp đơn xin từ chức thì theo quan điểm chủ quan của tôi cũng có sự sắp xếp rồi, thì theo tôi Hội đồng quản trị người ta cũng sẽ chấp thuận đơn này thôi.”

Trong khi đó blogger Huỳnh Công Thuận cho biết nhìn nhận sự việc theo góc độ của một người dân bình thường thì chuyện ông Hải từ chức cũng là do dàn xếp trong nội bộ, việc Hải nộp đơn chỉ là vỏ bọc cho sự dàn xếp ấy. Chính vì vậy, ban Quản trị sẽ đánh lừa dư luận qua việc bãi nhiệm ông Hải dưới hình thức phê duyệt đơn từ chức của ông này:

“Nói chung những người đó đều là Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam hết, và những Đảng viên của Đảng cộng sản phải làm theo sự chỉ đạo của Đảng, không được quyền làm gì khác hết, chị có nhớ một lần ông Thứ trưởng bộ Môi trường tự xin ra ứng cử Quốc hội còn bị khiển trách, phải rút đơn.

Những người Đảng viên của Đảng cộng sản không được làm gì khác sự chỉ đạo của Đảng hết, tôi nói chắc chắn 100% là hai bên đã chỉ đạo đã họp bàn rồi mới đưa ra cái nào nhẹ nhất để xoa dịu, đánh lừa dư luận thôi, chứ thực ra không có cái gì là làm tự ý, tự nguyện được hết trơn.

Ngôn ngữ Cộng sản Việt Nam dùng từ “tự nguyện” đó, nhưng đó là giả dối hoàn toàn, không bao giờ có sự tự nguyện.”

Luật pháp không bằng phe cánh

Nói về tính răn đe cho các trường hợp khác qua vụ việc này, luật sư Hà Huy Sơn cho biết giả sử Ban Quản trị của Sabeco đồng ý bãi nhiệm ông Hải đi chăng nữa thì giải pháp này vẫn không đủ tính răn đe vì ngay từ đầu, đã không được giả quyết dựa trên cơ sở pháp luật và bị ảnh hưởng từ vụ của cha ông Hải, nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

“Tôi thấy cách xử lý này không phải là cách tốt vì nó không dựa trên quy định của pháp luật, nó mang tính chất chủ quan, nó mang yếu tố khác, tức là ảnh hưởng từ ông Vũ Huy Hoàng, tức là cách hành xử của cơ quan nhà nước trong sự vụ này, tức là không lấy pháp luật nhà nước đề làm cái tối thượng để mà xử lý.”

Cũng trình bày quan điểm về tính răn đe và hiệu quả của sự việc, blogger Huỳnh Công Thuận lại nhấn mạnh đến thế lực của các đối tượng trong từng trường hợp có thể khác nhau mà tính răn đe có thể ảnh hưởng một cách khác nhau:

“Cái đó thực sự từ trước đến nay đã xảy ra nhiều lắm rồi, mà từ chức thì chưa, còn xử lý nội bộ với nhau thì người ta có xử lý rồi. Nhẹ nặng là tùy người ta xử với nhau.

Luật pháp Việt Nam không dính dáng gì đến các việc đó hết. Sợ hay không sợ không có quan trọng, quan trọng là cái phe cánh có mạnh hay là không, chứ không phải là xử lý như thế nào. Mạnh thì người ta có làm việc tày trời nhất thì cũng không sao, mà yếu thì làm chuyện nhỏ nhất cũng bị di lìa. Còn riêng vụ này thì rõ ràng cái phe của con ông Vũ Huy Hoàng đang ở thế yếu rồi, thế lực không có thì phải thua thôi.

Vẫn là “con ông cháu cha”

Qua vụ việc Vũ Quang Hải lại một lần nữa làm dấy lên một vấn nạn trong bổ nhiệm, tuyển dụng của Việt Nam đó là “ưu tiên con ông cháu cha”.

Cựu Bộ trưởng Bộ công thương Vũ Huy Hoàng

Tình hình này xảy ra quá thường xuyên khiến nhiều người cho đó là chuyện tất yếu trong xã hội Việt Nam.

Luật sư Hà Huy Sơn có nêu ra một số giải pháp cho Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên ông không quên nhấn mạnh rằng những giải pháp này chính phủ đã nhắc đi nhắc lại rồi nhưng cốt lõi ở chuyện nói nhưng có làm hay không:

“Theo tôi tình hình này đã diễn biến một cách công khai có thể là chục năm trở lại đây, và tình trạng này tôi không thấy có một cơ sở nào là giảm bớt.

Muốn giảm thiểu tình trạng này thì công tác cán bộ phải công khai, minh bạch, và mọi vấn đề đề bạt cán bộ phải thực hiện theo dân chủ hóa thực sự và tuân thủ pháp luật.

Đấy là nguyên tắc mà nhà nước và chính phủ cũng nhắc đến nhiểu nhưng mà người ta không thực hiện được mà thôi.”

Trong khi đó blogger Huỳnh Công Thuận lại cho rằng sự tồn tại của chế độ ưu tiên con ông cháu cha hoàn toàn phụ thuộc vào sự tồn tại của chế độ độc đảng tại Việt Nam:

“Theo tôi trường hợp bổ nhiệm con ông cháu cha vẫn còn và luôn luôn còn nếu Đảng Cộng sản còn, nếu tôi không là con ông cháu cha thì sao tôi làm chỗ đó được.

Cái điều chắc chắn là không một người dân nào, dù cho tài giỏi cỡ nào đi chăng nữa mà không phải là Đảng viên Đảng Cộng sản thì không bao giờ được bổ nhiệm đâu, cái đó đừng có mơ, không bao giờ có.

Điều đó là chắc chắn rồi vì nếu không bổ nhiệm con ông cháu cha thì bổ nhiệm ai bây giờ, người dân đâu có vô ngồi chỗ đó được. Dù cho người đó vô phá đám hoài nhưng vì người ta là Đảng viên thì người ta vô. Dở cỡ nào không cần biết.

Chị thấy có trường hợp con ông Thứ trưởng, Bộ trưởng nào đó đang học ở nước ngoài còn bổ nhiệm làm Phó chủ tịch ủy ban Tỉnh, chuyện đó là bình thường dù cho chưa biết mặt ra sao hết, chưa thấy tên, chưa biết là ai mà người ta vẫn bổ nhiệm được.

Đối với Việt Nam này, con ông cháu cha, Đảng viên Đảng cộng sản là phải sắp vô chỗ ngồi. Việt Nam đừng có nói có tài hay không có tài. Có Đảng hay không có Đảng!

Nói một chuyện nhỏ nhặt ngoài đời thôi, một trường học thì Hiệu trưởng, Hiệu phó phải là Đảng viên, điều đó là điều bắt buộc. Người dân đừng có mơ được bổ nhiệm. Đảng Cộng sản còn thì điều đó còn. Đó là chuyện chắc chắn không thể thay đổi được.”

Việt Nam luôn nói mục tiêu là phấn đấu trở thành một Nhà nước công bằng, dân chủ, văn minh, nhưng một vấn đề nhỏ thôi là làm sao để công tác tuyển dụng được công bằng cho người dân xem ra vẫn còn quá khó.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux