Quảng Cáo

Thủ tướng vs. Chủ tịch Hà Nội và Đồng thuận Ba Đình

Quảng Cáo

Khi Thủ tướng Phúc hỏi: “Ai cho phép xây 50 tầng ở Giảng Võ?”, hẳn ông đã có câu trả lời, nhưng vì lý do gì đó nên mới yêu cầu Hà Nội phải trả lời thay, chứ nếu thật sự ông không biết thì hoặc là bộ máy giúp việc cho ông quá kém, hoặc là ông không nên…làm Thủ tướng nữa.

Nhưng Chủ tịch Hà Nội cũng không phải tay vừa, không trả lời trực tiếp vào câu hỏi bằng một cái tên cụ thể, mà lại vòng vo rằng quyết định cấp phép 50 tầng là dựa vào Thông báo số 30 ngày 3/2/2016 của Văn phòng Chính phủ về khu đất dự án số 148 Giảng Võ.

Chỉ bằng vài thao tác google người ta có thể truy ra ngay Thông báo số 30 này truyền đạt ý kiến của chính Thủ tướng, nhưng không phải Thủ tướng Phúc mà người tiền nhiệm của ông, Nguyễn Tấn Dũng. Thời điểm ông Dũng đưa ra kết luận này là tháng 2/2016, nằm trong giai đoạn vịt què (sau khi rớt Trung ương khóa mới và chỉ còn 2 tháng nữa là bàn giao cho Tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) không khỏi khiến cho dư luận có cảm giác ông muốn ‘hốt cú chót’ trước khi về hưu để ‘gắng làm người tử tế’.

Cái không thể chấp nhận được ở ông Dũng là với Thông báo số 30 ở trên, ông đã sổ toẹt vào chính Quyết định 1259/QĐ-TTg mà ông ký 5 năm trước đó, phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030, tầm nhìn 2050, trong đó nói rõ vùng nội đô lịch sử (bao gồm khu đất Giảng Võ) phải hạn chế xây cao tầng, tăng cường cây xanh mặt nước.

Quay lại phần đối đáp của Hà Nội, thú vị hơn, Chủ tịch Chung còn đưa ra nguyên tắc của bản thân là ‘không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước’, khác nào như một lời nhắn nhủ đến Thủ tướng Phúc rằng nếu Thủ tướng làm đến cùng vụ Giảng Võ này, không sớm thì muộn cũng phải đụng đến người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, và rằng Hà Nội nếu có sai thì cái sai đó cũng dựa trên trên kết luận của cựu Thủ tướng.

Phải chăng cũng vì thế mà Thủ tướng Phúc ngay từ đầu đã đặt câu hỏi bỏ ngỏ như trên, dù chính ông biết rõ câu trả lời, vì là một trong những người dự họp hồi tháng 2/2016 để đưa ra Thông báo 30 trong vai trò Phó Thủ tướng? Ông cũng ngại đụng đến tiền nhiệm, dù biết rõ sai trái của người đó?

Khu đất 148 Giảng Võ được nhà đầu tư chuẩn bị mặt bằng để thực hiện dự án chung cư cao cấp. Ảnh:Tiền Phong

Nếu quả thế thật thì dù ở hai phía trong một cuộc đối đáp, song Thủ tướng Phúc và Chủ tịch Chung vẫn rất đồng thuận với nhau ở điểm không đụng đến sai trái của tiền nhiệm, vì cả hai rồi cũng sẽ trở thành ‘tiền nhiệm’ trong vài năm nữa thôi – lối suy nghĩ đặc trưng của một nền văn hóa chính trị lạc hậu, thiếu công khai minh bạch và vắng bóng phê phán.

Giảng Võ sẽ là phép thử mà nếu Thủ tướng rút lui trước người tiền nhiệm, thứ đồng thuận tệ hại trên xứng đáng được gọi tên là đồng thuận Ba Đình.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux