Thảm họa môi trường biển miền Trung (còn gọi là sự kiện Formosa) không lọt top 10 sự kiện môi trường trong năm 2016 khiến công luận hết sức kinh ngạc. Ngay sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) công bố 10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm nhưng không có Thảm họa Biển Miền Trung, báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin về việc này với thái độ hết sức khó hiểu. Thậm chí trang Nhân dân điện tử của Đảng CSVN cũng phải “thắc mắc”: “Trong số 10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường năm 2016 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, không có sự cố ô nhiễm biển miền trung”.
Tuy báo chí chỉ dám dùng đến từ “sự cố”, “ô nhiễm biển”nhưng cần khẳng định đây là thảm họa môi trường.
Thảm họa môi trường này khiến vùng biển của ít nhất 4 tỉnh ven biển chết, Hàng vạn ngư dân mất nghề, rơi vào cảnh thiếu ăn phải cứu tế.
Thảm họa này gây nên sự phẫn nộ trong nhân dân cả nước. Nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh khác. Có cuộc biểu tình thu hút hàng vạn người tham gia.
Sự kiện này lớn tới mức, nếu bình chọn chỉ 1 sự kiện môi trường thôi thì thảm họa môi trường biển Miền Trung phải được chọn. Nếu xét 1 sự kiện chung của cả nước thì sự kiện này cũng phải được bình chọn.
Ấy thế mà, bình chọn tới cả 10 sự kiện môi trường trong năm, Bộ TNMT vẫn lờ nó đi mà đưa vào đó những sự kiện hầu như chẳng ai nhớ.
Theo Vietnamnet, Đại diện Vụ thi đua Khen thưởng (Bộ TNMT) cho biết “những sự kiện nổi bật, tiêu biểu của năm được Hội đồng bình chọn dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó có các tiêu chí như: Được dư luận quan tâm; có sức lan tỏa, hiệu ứng đối với xã hội, và mang tính tích cực… đối với xã hội”.
Như vậy thấy rõ quan điểm của Bộ TNMT là “tốt khoe ra, xấu xa đậy lại”, chỉ bình những sự kiện mang tính tích cực thôi. Thế tại sao khi công bố, Bộ TNMT không gọi nó là “10 sự kiện TÍCH CỰC nổi bật của ngành năm 2016” mà lập lờ bỏ chữ tích cực đi.
Được biết Hội đồng bình chọn hầu như không có ai bỏ phiếu cho sự kiện formosa. Tại sao như vậy? Thứ nhất là không còn ai lạ gì việc bỏ phiếu ở Việt Nam. Thứ hai là, khi đã đưa ra qui định phải là “các sự kiện có tính tích cực, ảnh hưởng tốt” thì đương nhiên sự kiện này bị loại ngay trước khi bỏ phiếu. Nó chẳng khác gì bỏ cho ai thì bỏ nhưng phải là người miền Bắc, có lý luận.
Khi phóng viên hỏi “Quan điểm cá nhân, ông có bình chọn sự kiện này là sự kiện tiêu biểu hay không?”, Thứ trưởng Bộ TNMT Chu Phạm Ngọc Hiển không trả lời thẳng vào câu hỏi. Mặc dù ông đánh giá đây là một sự kiện quan trọng, nổi bật của ngành trong năm qua nhưng khéo léo lảng sang chuyện khoe thành tích của Bộ TNMT như đã nỗ lực khắc phục, kiểm điểm này nọ… Rất tiếc, phóng viên không đặt câu hỏi sát hơn, cụ thể hơn, chẳng hạn “Quan điểm cá nhân, ông có bình chọn sự kiện này vào top 10 sự kiện tiêu biểu hay không?” thì ông hết đường lảng.
Đại diện Vụ Thi đua Khen thưởng Bộ TNMT còn đổ cho sự kiện Formosa không phải của riêng Bộ TNMT: “Sự cố Formosa gây hậu quả nghiêm trọng là một sự kiện lớn của cả nước trong năm 2016. Việc tìm ra nguyên nhân, xử lý trách nhiệm bên gây hậu quả, khắc phục, cải tạo môi trường biển… là kết quả của nhiều Bộ, ngành chứ không riêng Bộ TNMT”.
Ông này cố lờ đi nguyên nhân để phủi trách nhiệm, nhấn mạnh việc khắc phục hậu quả là của nhiều ngành để đổ cho việc này là việc chung của cả nước. Cứ theo lý cùn này thì vụ quan chức ngân hàng làm thất thoát hàng nghìn tỉ đồng bị đưa ra truy tố, nhưng không phải việc là của ngành ngân hàng mà trách nhiệm của cả công an, viện kiểm sát, tòa án… chăng, vì các ngành này góp phần “khắc phục” bằng cách bắt ông quan chức kia… bỏ tù. Có khi họ còn đổ cho cả… nhân dân nữa chưa biết chừng. Ông Nguyễn Sinh Hùng chẳng đã từng nói “Quốc hội là dân, dân quyết sai dân chịu chứ kỷ luật ai” đó sao.
Nếu cứ theo giọng của Bộ TNMT thì sự kiện nào cũng của cả nước chứ chẳng phải của riêng bộ ngành nào. Nhưng rõ ràng, thảm họa môi trường, trách nhiệm hàng đầu là của Bộ Tài nguyên – Môi trường chứ ai vào đấy.
Một sự kiện chấn động đất nước như Formosa – thảm họa biển Miền Trung mà Bộ TNMT không xếp vào 10 sự kiện môi trường trong năm, không chỉ là tư duy “tốt khoe, xấu đậy” mà còn nhằm mục đích lừa bịp dư luận, làm giảm đi trách nhiệm, tội trạng của những kẻ đã gây nên thảm họa ấy. Tuy nhiên, cách họ làm và lối giải thích của họ cho ta thấy một thái độ trơ trẽn tới mức không ai tưởng tượng được.
7/1/2017
Phụ lục:
Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà ký được công bố ngày 4/1. Theo đó, 10 sự kiện bao gồm:
1. Ban hành Chương trình hành động của Ban cán sự Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
2. Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường và ban hành chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.
3. Lần đầu tiên, quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/1/2016.
4. Quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 25/11/2016.
5. Việt Nam tham gia Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).
6. Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 9/4/2016.
7. Ký kết, phê duyệt thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận.
8. Phát hiện mới về khoáng sản đồng và quặng urani tại xã Đắk Ruồng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
9. Hoàn thành Bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào tỷ lệ 1/50.000, đính kèm nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam – Lào, hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào.
10. Thực hiện phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử thông qua sử dụng hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với chữ ký số và các ứng dụng công nghệ thông tin.
Leave a Comment