SÀI GÒN (NV) – Mới đây, Bộ Giao Thông Vận Tải, tự nhiên ra quyết định: Tất cả bằng lái xe phải đổi qua bằng mới, hạn chót là 30 tháng 12, 2016. Những ai không đổi đúng hạn, buộc phải đi thi lại lý thuyết mới được cấp bằng lái.
Thế là dân chúng ùn ùn kéo đi đổi bằng lái, người nghỉ việc, kẻ nghỉ phép, chen chúc nhau… chửi rùm trời. Vì thời hạn cuối năm đã gần kề.Trước sự bực bội của dư luận, Bộ Tư Pháp cho rà soát lại văn bản của Bộ Giao Thông. Và quyết định đình chỉ thi hành quyết định của Bộ Giao Thông vì… trái luật.
Năm trước nữa, nhà cầm quyền ra quyết định thu phí xe gắn máy. Dù việc này lình xình đã mấy năm, nhiều tỉnh thành đã kiến nghị không thu phí. Vì, nhiều năm trước nhà cầm quyền đã ra quyết định tính phí giao thông vào thuế xăng. Như vậy là công bằng, ai chạy nhiều đóng thuế xăng nhiều, ai chạy ít đóng ít…
Ðã đánh thuế từng lít xăng để tận thu phí giao thông, nay lại đè xe ra lấy tiền lần nữa. Quá vô lý! Sài Gòn quyết định… tha cho dân, với lý do là không có người thu phí. Nhưng nhà cầm quyền trung ương, cũng vẫn kịp ra “sáng kiến” là nâng thuế môi trường đánh vào xăng từ 1 ngàn đồng lên 3 ngàn đồng/1 lít xăng.
Những người có dịp qua Malaysia hoặc Indonesia về cho biết, là giá xăng của Việt Nam luôn cao hơn giá xăng của các nước trong khu vực. Vì phải “cõng” đủ các loại thuế, từ thuế mẹ cho tới thuế con.
Trong khi rượu, bia và thuốc lá của Việt Nam thì lại… quá rẻ. Vì không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Một chai bia Sài Gòn xanh cao (450ml) bán với giá 8 ngàn đồng (chưa tới 50 cent); một chai bia ngoại Heineken ướp lạnh bán tại nhà hàng-quán nhậu, với giá 18 ngàn đồng (chưa tới 1 Mỹ kim).
Một chuyên gia kinh tế nhận xét, đánh thuế mạnh vào xăng làm tăng giá thành sản xuất, cũng như tăng giá cước vận chuyển, làm hàng Việt Nam mất khả năng cạnh tranh với hàng giá rẻ của Trung Quốc. Trong khi rượu, bia, thuốc lá giá rẻ làm cho dân chúng lún sâu vào vòng nghiện ngập, với tác hại xã hội nguy hiểm khôn lường.
Mấy năm trước, công an bận thường phục “nằm vùng” trong mấy quán nhậu. Hễ thấy ai nhậu nhiều, lúc họ ra về thì theo dõi biển số xe và điện cho cảnh sát giao thông ở phía ngoài chặn bắt.
Ðược mấy bữa thì việc “nằm vùng” bị dẹp bỏ. Vì Sài Gòn nhiều quán nhậu quá công an đâu mà làm cho xuể. Chưa kể, người đi nhậu toàn là anh em,”đồng chí” của họ không. Hơn nữa làm vậy chẳng khác nào đóng cửa quán nhậu, vì rình bắt người như vậy thì bố ma men nào dám tới quán đó nữa.
Luật giao thông nghiêm cấm người say xỉn lái xe. Ðiều này dĩ nhiên đã có từ lâu,và hầu hết các nước trên thế giới đều có luật này. Nhưng để xác định “đúng người, đúng tội” thì phải xây dựng luật pháp trên cơ sở khoa học thì dân chúng mới “tâm phục, khẩu phục.”
Ðằng này, đụng ai cũng kiểm tra chẳng khác nào… lùa gà, vi phạm quyền tự do thân thể của người dân. Với nồng độ cồn là 0.25ml đã bị phạt, trên 0.4ml thì bị phạt nặng… Như vậy uống 2 lon bia đã bị phạt (theo tính toán của giới khoa học). Trong khi cơ địa người mỗi khác, còn nếu như xác định đã có hơi men dù ít dù nhiều thì đều bị phạt, vậy thì nên ban hành luôn luật cấm bia rượu như các nước Hồi Giáo? Trên thực tế, nhà cầm quyền Cộng Sản từng ban hành luật cấm bia rượu, nhưng rồi chính các “đồng chí” lại bãi bỏ, vì cán bộ Cộng Sản vốn là “tổ sư bồ đề” về mấy khoản ăn nhậu.
Ðầu năm Bộ Y Tế ra “luật” đòi cấm bán rượu bia sau 10 giờ đêm. Bị phản đối, vì đó là giờ “cao điểm” của giới ăn nhậu, con gà đang đẻ trứng vàng cho ngân sách, bảo ngưng là sao? Luật “giới nghiêm” dân nhậu không trống không kèn mà tự… lui.
Như tỉnh Hà Tĩnh thì ra chỉ thị cho các cơ quan thuộc cấp trong toàn tỉnh, và các nhà hàng, quán bar… là phải uống bia Sài Gòn trong mọi lễ lạt, liên hoan, tiếp khách… uống bia khác bị phạt. Lý do, vì bia Sài Gòn mở cơ sở mới ở tỉnh này, vậy tăng cường uống bia Sài Gòn là tăng cường… ngân sách cho tỉnh. Dù việc này bị cho là vi phạm quyền tự do cạnh tranh, có thể bị các hãng bia khác khởi kiện. Nhưng việc chính quyền không biết luật mà vẫn cứ ra luật… tỉnh queo, là chuyện thường ngày ở Việt Nam.
Mới đây lại có chuyện đòi kiểm tra xe “chính chủ,” dù vụ việc lình xình này đã bị bãi bỏ từ năm 2014. Nhưng nay chả biết vì lý do gì câu chuyện lại đội mồ sống dậy.
Xe chính chủ, nghĩa là bạn đang đi xe mà không phải do chính mình đứng tên thì sẽ bị phạt. Không cần biết là chồng đi xe của vợ hay con đi xe của cha, “bồ tèo” đi xe của nhau…
Nhìn lại quá khứ, Hà Nội đã từng cấm dân ngoại tỉnh không được đứng tên mua xe ở Hà Nội, nên dân nhập cư phải nhờ người đứng tên.
Sài Gòn thì còn “thảm” hơn, nhiều người bị buộc đi kinh tế mới, sau khổ quá họ bỏ về. Từ đó họ mất luôn hộ khẩu, trở thành dân “lậu.” Bất kể cái gì họ cũng phải nhờ người đứng tên…
Kiểm tra xe trên đường, thứ nhất là bằng lái, thứ hai là giấy tờ (đảm bảo không phải giấy giả), xe không có ai báo bị mất cắp, vậy là xong. Chính chủ cái nỗi gì, thêm rắc rối? Còn ai gây tai nạn thì xử lý ngay chính người đó.
Hiểu như vậy, nên nhà cầm quyền ở Sài Gòn tuyên bố chỉ kiểm tra xử lý xe “chính chủ,” khi gây tai nạn nghiêm trọng. Trong trường hợp khác vẫn lưu thông bình thường. Còn Hà Nội thì đã trang bị máy móc hiện đại, quyết tâm kiểm tra xử lý xe “chính chủ” tới cùng.
Ðất nước mà thảm họa Formosa vẫn chưa qua, bao nhiêu con người còn ấm ức. Quốc nạn tham nhũng thì “liên tục phát triển.” Nói như cựu chủ tịch Cộng Sản là “một bầy sâu nhung nhúc…,” còn phó chủ tịch thì than là “Ăn không từ một cái gì của dân….” Vụ “tiêu cực” nào rờ tới cũng trên vài ngàn tỷ, còn thủ phạm thì đang đi… trị bệnh ở nước ngoài. Ðáng lý phải coi tham nhũng là tội phạm nghiêm trọng – ngang với tội phản quốc, phải đem xử bắn để làm gương. Thì ông “Tổng” của bài trừ tham nhũng lại tuyên bố: “Chống tham nhũng là ta tự đánh ta!”
Huề trớt! Ðất nước này không phải là kỳ cục mà là quá xá… kỳ cục!
Leave a Comment