Quảng Cáo

Khi công an giết dân trở thành vấn nạn Quốc gia

Nạn nhân Phạm Đăng Toàn đã tử vong đêm 2 Tháng 1, 2017 sau khi bị hai sĩ quan công an truy đuổi và đánh chết.

Quảng Cáo

Công an giết dân đã quá trở nên phổ biến tại Việt Nam đến nỗi lưu trữ Google cho thấy một con số đáng giựt mình. Khi gõ cụm từ liên quan việc công an đàn áp và giết dân lành, tìm kiếm với từ khóa “công an giết người” cho ra kết quả lên đến 1,650,000 results (0.69 seconds), với từ khóa “công an nhân dân giết dân” kết quả lên đến 2,860,000 results (0.52 seconds).

Dân chỉ biết bức xúc và phản ứng một cách tự phát để rồi sau đó nạn nhân lại bị biến thành thủ phạm bằng những thủ thuật của công an. Nhờ các phương tiện truyền thông thời nay mà những tội ác của chế độ cộng sản, đặc biệt là thành phần công an trị đã, đang đàn áp, giết chóc dân tình đã được phơi bày một cách tỏ tường trên các trang mạng xã hội.

Chỉ trong mấy ngày đầu năm 2017 đã xảy ra nhiều vụ công an đánh dân gây thương tích trầm trọng, và có trường hợp khiến nạn nhân tử vong. Trong vụ hai sĩ quan công an tại Bình Định đánh chết một công dân tên Phạm Đăng Toàn, 29 tuổi, một lần nữa cho thấy sự man rợ của công an và sự dối trá vô nhân tính của cả hệ thống công an lẫn báo chí.

Một video clip gốc được đăng tải trên mạng xã hội phơi bày cụ thể về sự thật anh Toàn bị hai sĩ quan công an say rượu đánh đập dẫn đến tử vong. Nhưng sau đó thì cơ quan có thẩm quyền kết luận hoàn toàn trái ngược, rồi báo chí của nhà nước được lệnh đăng tải vụ việc theo cách dẫn giải và định hướng của công an, mà chính sự dẫn giải và định hướng đó cũng đầy mâu thuẫn.

Trong vụ này, bên cạnh lời kể của nguời chú nạn nhân rằng, công an đánh đập cháu ông là anh Toàn đến chết, được báo Tuổi trẻ đăng tải (trước khi được lệnh định hướng của công an), thì Thượng tá Lê Đức Minh – trưởng Công an huyện Tuy Phước nói: “Lúc đó anh em phát hiện có một thanh niên ngồi gục trước hàng rào lưới B40 của dân, người dân nói là người này say rượu. Anh em đẩy anh ta thì anh này gục ngã chứ lúc đó anh em không đuổi, không đánh đập, chưa đụng vào người anh này”. Còn Đại tá Nguyễn An Ninh – phó giám đốc Công an tỉnh Bình Định thì nói: “Anh này thấy công an nên bỏ chạy và tự ngã dẫn đến tử vong”.

Chưa nói đến sự vô lý trong lời thuật lại của hai ông quan cấp tá công an này, nhưng điều đáng chú ý là chỉ một sự kiện mỗi ông nói một khác. Mà trên nguyên tắc về điều tra thì nói năng mâu thuẫn như vậy tất phải có một ông nói dối. Nếu xét thêm về sự vô lý trong lời nói của cả hai ông thì người ta có thể dễ dàng kết luận là cả hai đều nói dối. Cả hai đều là sĩ quan cấp tá công an, hẳn họ đều phải biết nguyên tắc đó hơn ai hết. Thế nhưng họ vẫn nói được như vậy, chứng tỏ sự đốn mạt của họ đã trở thành bản chất.

Cũng trong vụ này, sau những dẫn dắt của Báo Đảng thì chị Thắm, người quay các clip đã phải ký giấy và công khai xin lỗi vì “nhầm lẫn” và xóa bỏ clip. Nhiều người đã vào FB chửi chị Thắm hèn nhát, tham tiền mới dối trá, phủ nhận sự thật. Chị Thắm bức xúc đăng một stt “Chúng mày câm mỏ hết đi. Tao không vì ham tiền tao chỉ muốn được yên thân thôi!”…

“Tao không vì ham tiền tao chỉ muốn được yên thân thôi!”… Điều gì đã khiến chị Thắm không được “yên thân”? Tất cả màn kịch của công an đã bị lột trần bằng câu trả lời đầy bực tức này của chị Thắm.

Ngày xưa có một ông quan phó bảng tên là Nguyễn Sinh Sắc, say rượu đánh chết người nên bị cách chức. Con ông ấy đi học làm cách mạng và đem cả cuộc cách mạng về nước lập nên chế độ cách mạng. Trong chế độ cách mạng ấy, quan lớn quan nhỏ, say rượu hay không say rượu, đánh chết người đều không sao cả.

***

Lẽ ra thì bài đã kết thúc ở đoạn kết ở trên, nhưng nghĩ lại cũng nên viết thêm vài hàng để nhắn gửi đến quý vị luật sư thường vẫn không được hệ thống tư pháp nhà sản cho hành nghề một cách rốt ráo (hay nói trắng ra là gây khó khăn và bất chấp các nguyên tắc pháp luật) trong những vụ án mang tính cách chính trị. Xin quý vị luật sư tra cứu luật pháp để công bố cho người dân biết trong trường hợp bị công an bách bức đến mức có thể gây thương tích (chưa nói đến chết người) thì người dân phải làm gì để tự vệ? Trong trường hợp những kẻ thường phục xông vào đánh đập, quăng quật người dân thì phải hành xử với những kẻ đó như thế nào? Vì rõ ràng những người đó không có chức năng gì để làm như vậy, nên luôn luôn trong mắt người dân họ chỉ là đám côn đồ.

Hà Nội 04.01.2017
Tâm Ngọc

Tác giả gởi CTM Media

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux