Quảng Cáo

Bàn về tự diễn biến và tự chuyển hoá

Quảng Cáo

Đó là hai khái niệm được dùng nhiều trong thời gian gần đây. Chúng thường đi cùng với nhau, chưa thấy ai dùng tách riêng. Như vậy chúng là đồng nhất hay khác nhau? Nếu là đồng nhất thì sao giữa chúng có liên từ và hoặc viết liền nhau, cách một dấu phẩy. Lúc này cần dùng liên từ hoặc để kết nối, sẽ tốt hơn khi đặt khái niệm sau cùng với chữ hoặc vào trong dấu ngoặc đơn. Nếu là khác nhau thì ở chỗ nào? Tôi chưa tìm thấy một định nghĩa rõ ràng, đầy đủ của hai khái niệm trên. Nghị quyết 4/12 của Trung ương Đảng nêu ra 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tóm lược như sau:

1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin (CNML), tư tưởng Hồ Chí Minh …, đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”.

2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự” … Phủ nhận chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng… Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, …. hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; …. chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.

6) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội… tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; … gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học – nghệ thuật. … Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.

9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, … chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.

(Nhận xét: 9 nội dung trên có nhiều điều trùng với nội dung của mục Biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị).

Tôi đã thử dựa vào 9 biểu hiện trên để phân biệt giữa hai khái niệm, nhưng chưa tìm ra. Cũng không thể dựa vào đó để đưa ra một định nghĩa ngắn gọn, ngoài việc định nghĩa dựa vào liệt kê một cách quá dài dòng. Lần đầu tiên nghe tên gọi hai khái niệm trên, tôi suy đoán như sau: Diễn biến dùng để chỉ các hành động cụ thể, còn chuyển hóa để chỉ sự thay đổi về tư tưởng, Trong cả 9 biểu hiện kể trên, nếu chỉ mới có trong ý nghĩ thì đó là chuyển hóa, còn đã thể hiện ra việc làm thì đó là diễn biến. Không biết hiểu như thế đã đúng hay chưa so với suy nghĩ của người đặt ra các tên gọi đó. Cũng có khả năng người ta cho hai tên gọi cùng để chỉ một khái niệm, nhưng không thể lựa chọn tên nào hay hơn nên đành dùng cả hai kèm nhau. Hơn nữa trong nghị quyết tất cả các từ tự diễn biến, tự chuyển hóa đều được đặt trong ngoặc kép “…” (cũng đặt trong “…” các từ như: dân chủ, nhân quyền, diễn biến hòa bình, đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập, xã hội dân sự, lợi ích nhóm, v.v.). Không biết việc viết “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong ngoặc kép như vậy mang ý nghĩa gì.

Chữ tự đặt ở đầu chỉ rõ đây là việc trong nội bộ Đảng, không có tác động từ ngoài. Đảng viên không được phép tự chuyển hóa và tự diễn biến, nếu họ vi phạm sẽ bị thi hành kỷ luật đảng. Còn đối với người ngoài Đảng, với tư cách là con người tự do, đặc biệt là những nhà khoa học, những trí thức, họ có quyền phủ nhận CNML khi có đủ bằng chứng nó không phù hợp, họ có nghĩa vụ đề nghị thiết lập chế độ đa nguyên, tam quyền phân lập và phát triển xã hội dân sự khi tin chắc rằng đó là những biện pháp mang đến thịnh vượng cho đất nước, họ có đủ lý do để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nghệ thuật khi chứng tỏ sự lãnh đạo đó tạo ra sự kìm hãm sáng tạo, v.v. Những việc như vậy không vi phạm luật pháp.

Còn đối với đảng viên, thực tế chứng tỏ chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là nguyên nhân cơ bản tạo ra sự tham nhũng nặng nề, vậy yêu cầu phủ nhận nó là biểu hiện tiến bộ chứ sao lại lên án. Khi cho rằng nói, viết những đề nghị trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng là tự diễn biến, cần phải loại bỏ thì thử hỏi nếu quan điểm, chủ trương ấy sai, có hại cho dân tộc thì sao. Ông Kim Ngọc chẳng đã làm trái chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp để cứu dân, ông Võ Nguyên Giáp và nhiều người khác đã từng phản đối Bôxit Tây Nguyên để cứu môi trường. Họ đều làm trái quan điểm của Bộ Chính trị Đảng. Rồi nữa, trước Đại hội 6, ông Trường Chinh dám xóa bỏ cả dự thảo báo cáo đã hoàn chỉnh để viết lại, thế có phải làm trái với Bộ Chính trị của Đảng hay không, và tại Đại hội 6 đó đã thông qua đường lối phát triển kinh tế tư nhân có phải là phủ nhận nguyên lý của CNML hay không (tuyên truyền của Đảng nói dối là vận dụng sáng tạo).

Ngoài ra, trong 9 mục trên đây có một số chỗ vượt ra ngoài “tự chuyển hóa” theo cách hiểu thông thường mà đã phạm vào Bộ Luật hình sự, ví dụ như một số nội dung trong các mục 4, 6, 7, 9.

Xin tạm dừng việc bàn về nội dung và định nghĩa khái niệm. Tôi muốn đề cập đến vấn đề đáng quan tâm hơn, đó là tìm nguyên nhân tạo ra các biểu hiện trên.

Đảng soạn ra Nghị quyết 4 để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn, trong đó một phần quan trọng là chống lại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chưa bàn đến việc chống đó đúng sai ở những chỗ nào, tạm chấp nhận là Đảng muốn chống được triệt để chứ không phải chỉ vạch ra cho qua chuyện. Muốn chống triệt để thì không thể chỉ tìm cách xóa các hiện tượng mà phải tìm ra thật đúng nguyên nhân gốc rễ, nguyên nhân sâu xa để loại bỏ chúng. Không nên và sẽ phạm sai lầm khi chỉ dừng lại ở một số nguyên nhân gần, bên ngoài, hời hợt. Nếu không làm được như thế, nguyên nhân gốc rễ vẫn còn thì xóa được chỗ này, lúc này, nó sẽ phát sinh ra ở chỗ khác, lúc khác, mà càng ngày càng nhiều hơn, càng mạnh hơn. Nguy hiểm hơn là xác định sai nguyên nhân gốc rễ rồi phí sức lực như kiểu “vung đao chém xuống nước mà nước còn chảy mãi”. Khi tìm nguyên nhân phải hết sức khách quan, trung thực, khoa học thì mới mong tìm đúng, còn nếu để cho ý thức hệ khống chế, để cho sự chỉ đạo định hướng thì dễ bị lầm lạc hoặc dối trá. Muốn vậy phải theo phương pháp luận khoa học đúng đắn. Trước hết không phải chỉ do một nhóm nhỏ người vừa đá bóng vừa thổi còi mà phải có một số nhóm thực hiện. Các nhóm này phải có trình độ, trung thực, được hoàn toàn độc lập, tự do, chỉ tuân theo khoa học. Thực hiện theo các bước: 1- Thu thập và chỉnh lý sự kiện, số liệu; 2- Đề ra một vài giả thuyết về nguyên nhân; 3- Tìm chứng cứ để bác bỏ giả thuyết; 4- Khi không tìm thấy chứng cứ bác bỏ thì sẽ chứng minh, kiểm nghiệm; 5-Công bố sơ bộ các kết luận để thu thập phản biện, tổ chức đối thoại với phản biện và các hội thảo cần thiết; 6-Tổng kết. Tôi nghĩ rằng khi đã tìm ra đúng nguyên nhân của tự diễn biến, tự chuyển hóa thì có lẽ Đảng phải viết lại nghị quyết.

Nghị quyết 4 đưa ra ba dạng biểu hiện: suy thoái về tư tưởng, suy thoái đạo đức, tự diễn biến, nhưng về nguyên nhân thì gộp chung lại: “Tình hình trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”. Riêng phần nguyên nhân chủ quan được viết khá dài (khoảng 850 chữ), phần lớn chỉ là những biểu hiện bên ngoài và không phân biệt đâu là nguyên nhân của tự diễn biến. Đây là một trong những sai lầm khi trộn lẫn các việc suy thoái đạo đức với tự diễn biến.

Vứa qua Hội đồng Lý luận Trung ương đã hoàn thành đề tài cấp nhà nước KX04.11.15 về các vấn đề khoa học xã hội và nhân văn, làm cơ sở cho Đảng hoạch định chủ trương, chính sách, soạn nghị quyết. Đề tài được nghiệm thu với đánh giá trên 70% nội dung là xuất sắc (tôi mới chỉ biết ký hiệu đề tài chứ chưa tìm thấy nội dung). Chẳng biết trong đề tài đó có mục nào về việc phân biệt tự chuyển hóa với tự diễn biến, tìm nguyên nhân sinh ra chúng hay không. Nếu không có thì đó là một thiếu sót. Nhưng nếu có mà làm không đúng, đưa ra các kết luận sai lệch (vì bị chỉ đạo theo định hướng, vừa đá bóng vừa thổi còi…) thì đó là không những phạm sai lầm nghiêm trọng về khoa học mà còn phạm tội ác với dân tộc.

Tự diễn biến bắt đầu với ai và khi nào? Điều này phải nghiên cứu kỹ theo dòng lịch sử mới rõ được. Theo chỗ tôi biết thì có thể kể từ Trần Huy Liệu (*), Nguyễn Hữu Đang, Kim Ngọc, Trần Độ, Trần Xuân Bách, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Minh Cần, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Lâm, Nguyễn Trọng Vĩnh, Nguyễn Mạnh Can, kể cả Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, càng ngày càng đông, không sao kể hết. Thử nghiên cứu kỹ xem họ là những người như thế nào, nguyên nhân nào, động cơ nào làm họ diễn biến. Phải chăng nhờ có lòng yêu nước thương dân, nhờ có trí tuệ, biết độc lập suy nghĩ, không sợ cường quyền, không cam tâm chịu ngu tối mà họ chấp nhận dấn thân, hay họ là tay sai của bọn thù địch ngoại bang, nhận tiền của bọn phản động, hay họ vì muốn vinh thân phì gia mà áp bức nhân dân, tham nhũng, mua quan bán tước, họ có tạo nên hay tham gia vào các nhóm lợi ích hay không.

Việc tìm tòi, nghiên cứu thì tôi vẫn tự làm một cách độc lập từ trước đến nay và cũng đã có một số kết quả. Tuy vậy mong lắm thay được tham gia vào công việc nghiên cứu của một cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tìm ra nguyên nhân sâu xa của sự tự diễn biến, tự chuyển hóa hoặc được góp phần làm phản biện để xem luận điểm của một số người quan niệm như sau là sai hay đúng ở chỗ nào: “Tự diễn biến, tự chuyển hóa để phủ nhận CNML, thực hiện chế độ đa nguyên, tam quyền phân lập, phát triển xã hội dân sự, xóa bỏ công hữu ruộng đất … là những việc làm hợp quy luật phát triển”.

***
(*) Trần tiên sinh, đang là nhân vật cao cấp trong Chính phủ Hồ Chí Minh thời kỳ 1945 – 1950, bị thất sủng vì cho rằng bọn bành trướng Đại Hán là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt.
NĐC/ Bs

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux