(VNTB) – Lỗi lớn nhất ở đây thuộc về quy hoạch, khi mà những quan chức sẵn sàng ký duyệt những dự án xây dựng trung tâm thương mại, dự án cao ốc văn phòng tập trung ở các vị trí nội đô, bất chấp đường sá không chịu đựng nỗi lượng người đổ về làm việc, sinh sống ở những nơi này luôn tăng hàng năm.
***
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục đề nghị tổ chức phương án làm việc, học lệch ca, lệch giờ.
Trước mệnh lệnh hành chính đưa ra vào chiều hôm 27-12-2016 của ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM về việc từ nay đến trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu, ngành giao thông phải giải quyết chuyện ùn tắc trên đường, ông Bùi Xuân Cường nói rằng, “Sở sẽ rà soát, xử lý 37 điểm ùn tắc; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức phương án làm việc, học lệch ca, lệch giờ. Tháng 12-2017 (nghĩa là còn phải chờ gần… 12 tháng nữa!), Sở GTVT sẽ không cấp phép thi công chiếm dụng mặt đường và hoàn thành quy trình xử phạt nguội”.
Đề án có từ năm 2001
Chỉnh giờ học 15-30 phút giữa các cấp, tổ chức làm lệch ca cho công nhân ở các khu công nghiệp… nhưng sau nhiều năm thí điểm, ùn tắc giao thông ở TP.HCM vẫn không giảm mà còn xảy ra trên diện rộng.
Chủ trương học lệch giờ làm lệch ca đã được chính quyền TP.HCM nghiên cứu từ năm 2001. Tháng 10-2007, UBND TP.HCM đã đưa ra kế hoạch với 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Trong đó, giải pháp đầu tiên và được xem là trọng tâm chính, là bố trí lại giờ làm việc và học tập. Cụ thể, tất cả cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn, kể cả bộ phận thực hiện dịch vụ hành chính công, tổ chức chính trị, xã hội thuộc thành phố đều bắt đầu làm từ 7g30 hoặc 8g, kết thúc 16g, 16g30 hoặc 17g. Tuy nhiên, đề án đã không được Hội đồng nhân dân (HĐND) thông qua.
“Tôi là người phản đối đề xuất bố trí làm việc lệch giờ, lệch ca khi UBND TP.HCM trình HĐND những năm trước đó”, ông Đặng Văn Khoa, cựu đại biểu HĐND TP.HCM, nhớ lại. Theo ông, nếu áp dụng phương án bố trí lệch giờ, lệch ca lắt nhắt 15-30 phút thì kết quả sẽ chỉ là con số không. Phải điều chỉnh thời gian giãn cách rộng ra thì mới có thể tạo sự chuyển biến. Tuy nhiên, nếu lệch giờ quá nhiều sẽ làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân.
Sau đó, TP.HCM thống nhất thí điểm bố trí lại giờ học tại các trường. Cụ thể, học sinh tiểu học và THPT vào học lúc 7g sáng, cấp THCS sau đó 15 phút và cũng muộn hơn từng đó thời gian đối với cấp mầm non. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, hiệu trưởng các trường được quyền bố trí lệch giờ vào lớp và tan học đối với các khối lớp để tránh kẹt xe tại cổng trường.
Cùng với việc tổ chức chỉnh giờ học, TP.HCM cũng làm thí điểm điều chỉnh giờ làm đối với một số khu chế xuất – khu công nghiệp (KCN, KCX) doanh nghiệp có đông người lao động. Tuy nhiên, kết quả khảo sát và qua kiểm tra thực tế cho thấy hầu hết các KCN, KCX đều không nằm trong khu vực nội thành nên không ảnh hưởng nhiều. Đồng thời, theo Ban quản lý các KCN – KCX, tình hình thực tế chưa cần thiết phải bố trí lệch giờ làm. Nhiều nơi đã bố trí giờ làm theo ca kíp riêng, phân bổ công nhân đồng đều, giờ giấc tăng ca và ra về cũng lệch nhau… nên không phải là nguyên nhân gây ùn tắc nghiêm trọng.
Đến năm 2009, một lần nữa TP.HCM lại nhắc đến giải pháp lệch ca, lệch giờ. Thời điểm này, ông Nguyễn Văn Xê, phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (đơn vị được giao nghiên cứu đề xuất) cũng cho rằng do mức độ ảnh hưởng của lao động tại các KCN, KCX đến ùn tắc giao thông không cao. Ngoài ra trụ sở của các đơn vị hành chính sự nghiệp phân bố đều khắp các quận, huyện chứ không tập trung tại một khu vực hành chính; không tập trung tại các khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Vì vậy nếu chỉ thực hiện lệch ca, lệch giờ với người làm việc tại khối hành chính sự nghiệp thì kết quả đạt được trong việc giảm ùn tắc giao thông là rất nhỏ.
Ai đã duyệt trình đề xuất ‘lệch giờ’ này lên chính phủ?
Đề xuất ‘lệch giờ’ này được tái nhắc lại tại phiên họp hôm 13-12-2016 giữa Bí thư Thành ủy TP.HCM với các ban ngành liên quan.
Ngay sau khi ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ GTVT, chiều 17-10-2011, khi chốt lại cuộc họp với Hà Nội, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tuyên bố sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh giờ học, làm việc để chống ùn tắc. Cơ quan trung ương có thể làm việc từ 9g sáng đến 6g chiều. Chính phủ đã phê chuẩn đề xuất này của ông Bộ trưởng GTVT. Hà Nội thí điểm chuyện ‘lệch giờ’ này từ tháng 2-2012.
Một tháng sau đó, Hà Nội tuyên bố thất bại chuyện ‘lệch giờ’ này. Thầy Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh nhớ lại rằng sau khi có quy định đổi giờ học, trường vẫn giữ nguyên giờ học buổi chiều từ 13g và kết thúc vào 17g15. Tuy nhiên, để thực hiện đúng quy định của chủ tịch thành phố Hà Nội, thầy Văn Như Cương chỉ mở cổng trường cho học sinh về lúc 19g.
Thầy Văn Như Cương phân tích, việc thay đổi giờ học khiến trường phát sinh thêm rất nhiều khoản chi phí như trang bị hệ thống chiếu sáng, tiền điện, tiền xe đưa đón học sinh… Trước đây, THPT Lương Thế Vinh bố trí xe chung đưa đón cả học sinh cấp 2 và cấp 3 trên cùng tuyến đường vì có thời gian học như nhau. Theo quy định mới, giờ học lệch nhau nên sẽ có những học sinh phải tự túc đi lại và tiền thuê xe mỗi em cũng sẽ tăng lên.
Ngoài ra, học sinh THCS tan sớm (17g) nhưng phải cử giáo viên trông các cháu đến 17g30, trường cũng phải tăng thêm khoản tiền ngoài giờ cho những giáo viên này. “Thành phố quyết định đổi giờ nhưng lại không nhắc đến kinh phí phát sinh khi thực hiện. Thế nên chúng tôi phải vận động phụ huynh cùng giúp sức bởi trường phối hợp với thành phố thì phụ huynh cũng phải chung tay với trường”, thầy Văn Như Cương nói.
Cơ sở khoa học nào cho quyết định ‘lệch giờ’?
Ông Đặng Văn Khoa cho biết đề án trên đã được đưa ra nhiều lần khi ông còn làm trong Hội đồng. Ông không đánh giá cao việc áp dụng lệch ca tại trường học và sở làm để giảm kẹt xe bởi việc thay đổi này tối đa cũng chỉ lệch được từ 45 phút đến 1g.
“Chẳng lẽ một gia đình mà con đi học về lúc 17g, mẹ 18g, còn bố một tiếng sau mới về nhà thì còn gì là gia đình. Theo tôi biện pháp này là lợi bất cập hại”, ông Khoa nói. Phân tích thêm, ông Khoa cho rằng việc áp dụng lệch giờ, lệch ca không thể thực hiện tùy tiện mà phải nghiên cứu nghiêm túc trên cơ sở khoa học, điều tra tâm lý xã hội. Bởi khi điều chỉnh giờ giấc như thế sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội với hàng triệu con người.
Ngoài ra, ông Khoa cũng cho rằng, đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội không chỉ đông đúc vào giờ cao điểm mà các giờ khác lượng người giao thông cũng rất cao (70-80%). Nếu bớt được 15-20% trong giờ cao điểm và tăng ở những khung giờ khác thì hiệu quả cũng chẳng là bao. Bởi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là lượng xe cá nhân tiếp tục tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông của thành phố chưa theo kịp nhu cầu.
Lỗi lớn nhất ở đây thuộc về quy hoạch, khi mà những quan chức sẵn sàng ký duyệt những dự án xây dựng trung tâm thương mại, dự án cao ốc văn phòng tập trung ở các vị trí nội đô, bất chấp đường sá không chịu đựng nỗi lượng người đổ về làm việc, sinh sống ở những nơi này luôn tăng hàng năm.
Tết này đã là năm thứ 42 của cột mốc hậu chiến, và TP.HCM vẫn loay hoay suốt 16 năm qua cho chuyện ‘lệch giờ’…
Leave a Comment