Quảng Cáo

Cộng Sản Việt Nam: còn bao lâu nữa? (*)

Quảng Cáo

Nền chính trị độc tài Việt Nam còn tồn tại dài lâu? (I)

Trong những ngày cuối cùng này của năm 2016, nhìn vào tình hình chính trị Việt Nam có thể nói gì ?
Tôi tạm đưa ra đây ba cách nhìn nhận khác nhau, đúc kết từ sự quan sát cá nhân của tôi về các ý kiến lưu hành trong dư luận xã hội (opinion publique) : 1/ Chế độ chính trị hiện hành còn tồn tại lâu dài, 2/ Đảng cộng sản sẽ tự chuyển hoá để tự bảo tồn và để tiếp tục lãnh đạo dân tộc, 3/ Chế độ độc tài cộng sản sẽ nhanh chóng sụp đổ.
Xin nói rõ, đây là sự tổng kết về các cách nhìn nhận đang tồn tại trong dư luận xã hội mà tôi trình bày lại dưới hình thức điểm tình hình, mỗi quan niệm sẽ được phân tích trong một bài riêng, để tiện theo dõi.
Bài đầu tiên này giới thiệu quan niệm cho rằng chế độ chính trị hiện hành ở Việt Nam còn tồn tại lâu dài.
Có thể xếp những người nhìn nhận theo cách này vào hai nhóm : 1/ Nhóm thứ nhất gồm các lãnh đạo cộng sản và các chuyên gia lý luận cao cấp của đảng cộng sản. 2/Nhóm thứ hai gồm những người bi quan về chính trị. Mỗi nhóm đều có căn cứ và lập luận riêng của mình.
1. Trong số các lãnh đạo cộng sản đang cố tìm mọi cách để duy trì chế độ, không ít người chỉ vì lợi ích cá nhân. Tuy nhiên (dù điều này có thể gây ngạc nhiên) cũng có những người muốn duy trì chế độ vì bản thân chế độ, cái chế độ mà họ coi như là « cái bình quý », nếu mượn lại hình ảnh ẩn dụ của Tổng bí thư. Số người này có thể là rất ít, nhưng vẫn tồn tại ở Việt Nam, vậy đó !!!
« Hy vọng » về sự trường tồn của chế độ được duy trì, một phần là nhờ công lao to lớn của các nhà lý luận cao cấp của đảng. Hồi tháng 3 năm 2016, trong hội thảo « Viet Nam : Après le 12e congrès du PCV, rupture ou continuité ? » (Việt Nam : sau đại hội 12 của Đảng cộng sản Việt Nam, từ bỏ hay tiếp tục ?) do Quỹ Gabriel Péri tổ chức tại Paris, Giáo sư Vũ Minh Giang có phát biểu với một xác tín không gì lay chuyển được : « chừng nào dân tộc còn tồn tại thì đảng còn tồn tại, đảng sẽ trường tồn cùng dân tộc ». Cần phải thừa nhận rằng, các chuyên gia lý luận cao cấp của đảng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc củng cố sự «kiên định » chủ nghĩa Marx-Lê Nin và con đường xã hội chủ nghĩa nơi các lãnh đạo Việt Nam đương nhiệm. (Đến đây mở ngoặc để thêm vào một bình luận cá nhân : nếu các chuyên gia cao cấp như ông Vũ Minh Giang có cái nhìn biện chứng hơn và thực tế hơn một chút thì có lẽ viên thuốc ngủ mà các ông cung cấp cho đảng sẽ ít ngọt ngào hơn, và đảng sẽ tỉnh táo hơn).
Dựa vào đâu để có thể nghĩ rằng chế độ sẽ trường tồn ? Dưới đây là một vài dẫn chứng và lập luận mà các chuyên gia lý luận cộng sản và các lãnh đạo cộng sản sử dụng để chứng minh cho vai trò lãnh đạo không thể thay thế của đảng và biện minh cho con đường mà họ lựa chọn :
– Chính là với chủ nghĩa cộng sản và với sự lãnh đạo của đảng cộng sản mà Việt Nam đã thoát khỏi ách đô hộ của thực dân, đã tự giải phóng khỏi vị thế thuộc địa và giành độc lập, đã giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh.
– Giai đoạn đổi mới bắt đầu từ 1986 đã chứng tỏ khả năng thay đổi và thích ứng với tình hình của đảng cộng sản Việt Nam, và vì thế mà ĐCSVN xứng đáng giữ vai trò lãnh đạo, dù có được dân thực sự bầu hay không. Thành tựu của ba mươi năm đổi mới là mở cửa kinh tế mà vẫn ổn định và giữ vững chính trị.
– Nếu đổi mới lần một thành công, thì đổi mới lần hai, tính từ thời điểm này, cũng sẽ thành công, dù có nhiều khó khăn. Và vì thế, ĐCSVN sẽ tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo để củng cố hệ thống chính trị hiện hành.
Những lập luận và dẫn chứng trên đây được phản ánh đầy đủ trong nghị quyết Trung ương Đảng.
2. Những người thuộc nhóm bi quan chính trị cũng nhìn nhận rằng chính trị Việt Nam còn rất lâu mới có thể thay đổi. Tuy nhiên, dẫn chứng và lập luận của họ khác hẳn nhóm thứ nhất. Sau đây là một số điểm khiến họ bi quan :
– Quyền lực của ĐCSVN hiện đang rất vững chắc. Toàn bộ các công cụ quyền lực đều nằm trong tay ĐCSVN : nhà nước, công an, quân đội, truyền thông, giáo dục, pháp luật…
– Với bộ máy quyền lực đó, sự đàn áp không ngừng gia tăng trong những năm qua.
– Phong trào dân chủ quá yếu. Hoạt động chủ yếu vẫn chỉ là truyền thông, đưa tin, tố cáo. Các tổ chức và đảng phái chính trị không hình thành được. Xã hội dân sự manh mún, các tổ chức không có thực lực, không tập hợp được với nhau, luôn trong tình trạng chia rẽ. Không có các phong trào chính trị rộng lớn.
– Số người quan tâm chính trị quá ít. Đa số trí thức và người dân, kể cả thanh niên (là tầng lớp vốn được xem là giàu nhiệt huyết và lý tưởng) chỉ quan tâm đến vấn đề mưu sinh.
– Các quốc gia, kể cả các quốc gia dân chủ, vì lợi ích của nước họ, sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và bỏ qua vấn đề nhân quyền, vấn đề dân chủ. Đây là điều đã khiến cho nhiều người trong giới đấu tranh dân chủ ở Việt Nam không che giấu sự thất vọng của mình : Tổng thống Mỹ Obama, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2016, một mặt vừa phát biểu rằng sẽ tôn trọng thể chế chính trị Việt Nam, mặt khác đã không thể làm gì trước những vi phạm nhân quyền thô bạo diễn ra ngay trong chính những ngày ông có mặt tại Việt Nam. Sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế hay văn hoá, nghịch lý thay, lại là điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ chính trị độc tài ở Việt Nam. Đây là điều gây thất vọng và gây bi quan một cách sâu sắc.
– Đa số các trí thức Việt Nam ở nước ngoài (tạm dùng chữ trí thức Việt kiều theo nghĩa tôn trọng) không tham gia vào cuộc đấu tranh cho dân chủ, vì họ muốn hợp tác với chính quyền, và họ hy vọng rằng sẽ giúp cho Việt Nam thay đổi và phát triển thông qua sự hợp tác của họ (hợp tác để mở một viện nghiên cứu, một trường đại học, một trung tâm hội thảo…). Tuy nhiên, nếu đối diện với thực tế thì cần phải thừa nhận điều này : sự hợp tác sẽ chỉ có ý nghĩa tích cực khi mà họ được độc lập hoạt động theo các tiêu chí của sự tiến bộ, theo các tiêu chí công bằng, công khai, minh bạch, trung thực, hay xây dựng một môi trường học thuật, môi trường giảng dạy trong sạch, như họ mong muốn. Và các tiêu chí tiến bộ ấy được áp dụng, được lan toả trong xã hội. Còn trong trường hợp ngược lại, sự hợp tác buộc họ phải tuân thủ những « luật ngầm, bất thành văn » của chế độ, thì chẳng những họ sẽ không thực hiện được mong muốn phát triển và làm thay đổi Việt Nam, mà tệ hơn, họ sẽ góp phần vào việc củng cố chế độ bất công và thối nát hiện tại.
Danh tiếng của họ, uy tín khoa học và uy tín cá nhân của họ, lại được sử dụng như những phương tiện để đánh bóng và tô vẽ cho bề ngoài của một hệ thống chính trị đang mục rữa cùng cực từ bên trong. Tóm lại, trong trường hợp này, sự hợp tác của họ sẽ giúp chế độ độc tài hiện hành tồn tại lâu dài hơn, và các vấn đề mà họ muốn giải quyết thì lại không thể giải quyết được, bởi vì những vấn đề ấy chỉ có thể được giải quyết trong một chế độ chính trị dân chủ.
Tóm lại, có những lý do khiến cho ĐCSVN lạc quan về sự tồn tại của mình (nhưng sự tồn tại của đảng có thể sẽ phải gắn liền với sự huỷ hoại chung của dân tộc), và khiến cho những người yếm thế cảm thấy bi quan.
Paris, 29/12/2016

***

(*) Tựa do CTMM đặt

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux