Tờ a4 đúp có 4 trang.
Ở trang thứ nhất là phần giới thiệu có những câu in sẵn, người ta chỉ điền chức vụ của người hỏi cung. Kế đến là tên tuổi và thân nhân ruột thịt của người bị hỏi cung.
Phần câu hỏi ở trang thứ nhất chỉ mươi dòng. Trang 2 và trang 3 là phần trống để ghi câu hỏi và câu trả lời. Đến trang 4 thì cũng như trang 1, có mươi dòng chốt bản hỏi cung, rồi ngày tháng ký tên và ý kiến bổ sung.
Như thế chỉ có trang 2 và trang 3 là trọng tâm chính của câu hỏi và câu trả lời.
Phần hỏi đáp trong biên bản lấy lời khai rất quan trọng với cả đối tượng lẫn cán bộ. Bởi thế câu hỏi hay câu trả lời đều được ghi bằng tay, mà đã ghi bằng tay việc quan trọng thế, chúng phải là những dòng chữ rất rõ ràng, dễ đọc.
Bởi rõ ràng, dễ đọc nên những dòng chữ ấy rất tốn diện tích trang giấy. Có khi chỉ ba câu hỏi, ba câu trả lời là đã hết tờ a4 đúp đấy.
Và người ta tiếp tục với tờ a4 khác, họ không thể bỏ qua được những phần đã in sẵn trang đầu. Những câu hỏi lại bắt đầu để điền thông tin vào phần in sẵn trong trang đầu.
Anh tên gì, sinh năm bao nhiêu, ở đâu, bố tên gì, sinh năm bao nhiêu, mẹ tên gì, sinh năm bao nhiêu… anh, chị, vợ, con tuốt tuột làm gì, ở đâu, sinh năm bao nhiêu đều phải trả lời.
Một vụ án có hàng trăm câu hỏi, chỉ vài câu là hết một trang a4. Cái phần hỏi lý lịch vào mẫu điền sẵn ấy cứ phải lặp đi lặp lại nhiều lần mỗi khi sang tờ a4 đúp mới.
Và cứ mỗi lần vào phần ghi lý lịch, thân nhân, người cán bộ lại nghiêm giọng đầy thù nghịch.
Một lần đối tượng thắc mắc.
– Sao không làm luôn một mạch, ba câu là hết một tờ, rồi lại thay tờ mới ghi lại làm gì?
Cán bộ nói.
– Mẫu nó thế.
Đối tượng.
– Thế ông lấy tờ cũ ra mà chép lại phần lý lịch, tên tuổi thân nhân. Sao cứ hỏi tôi làm gì.
Cán bộ nói.
– Nguyên tắc là phải hỏi thế.
Đối tượng hoạnh hoẹ.
– Thế sao mẫu có phần lý lịch tôi, tôi phải trả lời. Nhưng trên có phần ghi chức vụ, tên tuổi, địa điểm cán bộ lấy lời khai, ông không ghi vào?
Cán bộ.
– Đấy là việc của tôi, tôi ghi sau.
Đối tượng cáu chửi thề.
– Đm, làm đéo có chuyện đấy. Ông bảo mẫu phải thế, tức là nó có gì thì phải làm, thế đúng trình tự của nó có. Ông ghi tên ông và chức vụ của ông vào đê, rồi mới đến lượt tôi. Đúng trình tự thế, giờ ông tên gì, chức gì trong mẫu nó hỏi thì ông điền vào. Đm không để thế sau điền tôi làm việc với thằng xe ôm nào à?
Cán bộ cũng ngang tuổi đối tượng, anh ta cũng cáu.
– Đm ông ăn nói linh tinh, làm việc trong cơ quan nhà nước, cơ quan pháp luật mà ông nói xe ôm nào ở đây.
Đối tượng.
– Thế ông ghi phần của ông đê, pháp luật cái đéo gì mà mẫu ghi thế lại không làm theo thế.
Các bạn đọc đến đây, sẽ thắc mắc. Sao lại có màn chửi thề giữa hai bên. Sao cán bộ không đánh đập người bị hỏi cung.
Xin thưa đây là vụ án chính trị, ở vụ án chính trị thế này vào thế kỷ 21 ở Việt Nam ít có chuyện đánh đập. Hoặc có thể đối tượng chỉ chờ bị đánh là hắn lăn quay ra không trả lời, vì bị khủng hoảng thần kinh. Cũng có thể đây là trụ sở của bộ công an, của sở công an chứ không phải là quận, phường… Những cán bộ ở đây ở một tầm khác, không phải dạng trung cấp cảnh sát như phường, quận.
Cán bộ hỏi cung tốt nghiệp đại học an ninh nhân dân, có thể anh ta còn đang học thêm về luật. Còn đối tượng là một kẻ học chưa hết cấp 3. Thế nhưng trớ trêu thay, hắn lại đang bị diều tra về tội viết sách, viết báo chống phá chế độ. Căn cứ để điều tra hắn là tố cáo của sở văn hoá thông tin, nơi mà những người được đào tạo ở các trường đại học về viết văn, viết báo, tuyên truyền. Ở nơi ấy ngày đêm họ theo dõi hắn viết gì trên mạng, thu thập lại và giám định kết luận đó là ý đồ tuyên truyền chống phá chế độ. Sau đó họ gửi công văn sang cho bên an ninh này đề nghị điều tra.
Nhưng cũng có thể bên an ninh họ thu thập bài viết của hắn, rồi đề nghị bên văn hoá thông tin có công văn đề nghị làm rõ hành vi phạm tội của hắn. Một kiểu hợp thức hoá trình tự vụ án.
Cho dù là bên văn hoá thông tin kiến nghị, hay bên an ninh chính trị mồi cho sở văn hoá kiến nghị, đối tượng cũng rút ra một điều là hắn bất lợi.
Bất lợi là hắn thụ động. Từ thụ động sẽ sinh ra sợ hãi, từ sợ hãi sẽ sinh ra những sơ hở.
Bất lợi là hắn phải đối đầu với những người chuyên nghệp trong lãnh vực này, những người được học hành, đào tạo, trả lương chỉ để làm việc này. Trong khi hắn là một tên thợ hàn, lúc tối rảnh rang viết lên mạng vài dòng cảm nghĩ về xã hội, về chế độ.
Bất lợi về sức mạnh quyền lực. Đây là cơ quan pháp luật nhà nước, còn hắn đang bị giam trong tay họ. Mạng sống của hắn nằm trong tay họ, không ai biết gì về hắn đang thế nào, ngoại trừ những người đang hỏi cung và giam giữ hắn trong cái phòng giam kiên cố.
Trong cuộc chiến căng thẳng đối đáp những câu hỏi, những câu trả lời không tốt sẽ đẩy hẳn vào nhà tù với thời gian rất dài. Hắn cần nhiều thứ để đối phó. Nhưng hắn không có trình độ, bởi hắn chưa bao giờ được học để đối phó với những câu hỏi của cán bộ điều tra. Thực tế cuộc đời cũng chẳng có trường nào dạy cái môn đối phó với cán bộ điều tra. Chỉ có môn học của cán bộ điều tra đối phó với đối tượng như hắn.
Tuy nhiên đối tượng còn có bản năng, còn có sự ranh ma của đường phố và những suy nghĩ quái gở của một kẻ dở người. Gọi hắn là dở người chẳng có gì sai. Chính bạn bè, thân nhân của hắn gọi hắn như vậy. Bởi ở xã hội cộng sản cai trị độc tài thế này, một thằng thợ hàn đi tìm cách chống lại chế độ đó không điên thì nhẹ cũng là dở người.
Vì dở người nên hắn nghĩ đến những cái chả ai nghĩ đến trong hoàn cảnh như hắn. Đêm đó ở phòng giam, hắn nghĩ đến chuyện tại sao tờ a4 lại chỉ có hai trang hỏi chính. Tại sao nó không đánh số nối tiếp câu hỏi, có phải vì làm rời tờ ra sợ thay đổi dễ. Cái này cũng khó vì người ta có thể đánh số, ký xác nhận giáp lai. Thế tại sao cứ phải cần mất thời gian vào phần thủ tục của mỗi tờ là hỏi lại thân nhân, lý lịch. Để xác định đúng người chăng, cần quái gì phải thế, có đầy cách để xác nhận.
Tại sao cứ mỗi lần hỏi đến thân nhân, bố mẹ, anh chị em ruột, vợ con. Cán bộ thường gằn giọng hỏi họ ở đâu, làm nghề gì. Mười lần như thế họ gằn giọng cả mười. Nhưng đến phần hỏi vào sự việc thì có lúc họ gằn, có lúc họ cười, có lúc họ nhạo báng, chế giễu….?
Rồi nghĩ mãi và nghĩ mãi để tiêu sầu trong phòng giam, cuối cùng hắn tự giải đáp theo kiểu của hắn.
Đó là một cách khủng bố tinh thần đối tượng. Kẻ nào soạn ra mẫu tờ hỏi cung này là kẻ rất hiểu tâm lý con người. Dù là tên phạm tội nào đi nữa cũng có thân nhân. Những câu hỏi về thân nhân của đối tượng làm gì, ở đâu…. cộng thêm những ví dụ thực tế từng xảy ra nhiều là thân nhân bị liên luỵ vì đối tượng. Liên luỵ vì công việc, đời sống… những thứ đó sẽ khiên cho đối tượng sợ hãi lo lắng cho người thân của mình. Bởi thế cái phần hỏi lý lịch thân nhân ấy luôn luôn xuất hiện hàng ngày trong các bản cung, cũng như những lời gằn giọng nhấn mạnh của cán bộ.
Tự dưng hắn thấy vui, vui vì phát hiện ra được một âm mưu rất bài bản và khoa học của những kẻ đang giam giữ hắn. Có thể phát hiện của hắn không đúng. Nhưng chí ít nó mang lại cho hắn niềm vui, sự tự tin. Giống như dạng trẻ con chơi ngoài đường, tao biết âm mưu của mày rồi. Mà đã biết thì không lo sợ nữa.
Mà niềm vui, sự hưng phấn trong lúc này rất quan trọng với những đối tượng như hắn. Chắc hẳn trong sách đào tạo cán bộ điều tra hỏi cung. Chẳng có đoạn nào dạy trạng thái tâm lý của kẻ bị hỏi cung lại phấn khích vui vẻ cả. Trừ khi đó là kẻ bị thần kinh, mà đã thần kinh thì đương nhiên sẽ miễn chịu trách nhiệm.
Bỗng nhiên hắn thấy mình chẳng những không sợ những cuộc hỏi cung nữa. Đã thế hắn còn háo hức, vui thú chờ đợi những cuộc hỏi cung. Hắn khoái trá khi nghiền ngẫm về âm mưu trong các câu hỏi của cán bộ điều tra. Có những câu hỏi của cán bộ vừa dứt, hắn bật cười khoái trá. Làm cán bộ ngỡ ngàng.
Trong niềm vui vô bờ bến ấy, hắn còn biến mình thành người hỏi cung.
Cán bộ đưa tấm hình đẩy ra hỏi.
– Anh cho biết hồi … ngày… năm… anh gặp Lê Quốc Quân nói chuyện gì.?
Đối tượng.
– Lê Quốc Quân là ai, sinh năm bao nhiêu, nhà ở đâu, quê quán, anh chị em bố mẹ làm nghề gì… ông phải trả lời tôi để xác định đúng người. Tôi mới biết trả lời, chứ làm sao tôi biết ai là Lê Quốc Quân? Còn ông không nói đầy đủ như thế. Tôi sẽ kiến nghị vào bản cung là khi cán bộ hỏi như thế, tôi có đề nghị cán bộ cho biết rõ chính xác là Quân nào. Nhưng vì cán bộ điều tra cũng không biết rõ là Quân nào, nên tôi không rõ ai để trả lời….
Hắn nói một hồi rồi cười sằng sặc trong phòng hỏi cung.
Cán bộ lẩm bẩm chửi thề, trong lúc thấy cán bộ còn đang lúng túng. Đối tượng hỏi.
– Ông biết khi ông trả lời rõ về thân nhân thằng Quân, tôi sẽ hỏi gì tiếp không.?
Cán bộ bối rối hỏi lại.
– Ông hỏi gì tiếp.?
Đối tượng.
– Tôi sẽ hỏi căn cứ vào đâu ông bảo tôi nói chuyện với Quân. Tôi có nói chuyện gì đâu. Cái tầm hình này cho thấy tôi ngồi cạnh Lê Quốc Quân thôi. Nên ông hỏi lý do tôi ngồi cạnh thì tôi trả lời, nếu tôi trả lời ngồi cạnh để nói chuyện. Ông mới có cơ sở để hỏi nói chuyện gì. Ông thấy không, tôi rất hợp tác với cơ quan điều tra. Hợp tác đến mức cao nhất mà chưa thằng tội phạm nào làm. Đó là làm rõ câu hỏi của cán bộ điều tra để trả lời chính xác, thành khẩn. Đề nghị ông ghi luôn ưu điểm này của tôi vào hô sơ, sau này ra toà tôi còn có yếu tố xem xét giảm nhẹ.
Ngày hôm đó hắn về phòng giam với thái độ vui vẻ. Đến nỗi bạn phòng giam còn ngạc nhiên trước sự phấn chấn của hắn. Bây giờ hắn không sợ những câu hỏi lặp đi lặp lại về thân nhân nữa. Bởi hắn biết đó làm âm mưu đe doạ, khủng bố tinh thần của những kẻ đã soạn ra mẫu văn bản ấy.
Buổi sáng hỏi cung tiếp theo, cán bộ điều tra lấy tờ giấy cũ ra. Chép lại phần lý lịch thân nhân gia đình hắn. Còn hôm sau nữa, anh ta nhớ đến mức không cần lấy tờ giấy cũ. Anh ta ghi mà không hỏi hắn câu nào phần này. Thái độ anh ta ghi phần ấy đầy khó chịu. Có lẽ anh ta cũng cảm thấy bức xúc vì sự lặp đi, lặp lại nhàm chán ấy.
Nhưng khi không bị hỏi, nhìn anh ta cặm cụi, lầm lũi ghi phần thân nhân của hắn. Cảm giác xót xa nghĩ đến người thân lại trở về tràn ngập trong hắn, như lần đầu tiên bị hỏi về họ.
Leave a Comment