Có đến hàng chục, hàng trăm vụ việc, lớn có, nhỏ có, “đại án” có, liên quan đến những chuyện làm “đúng quy trình”. Mới đây nhất là vụ thăng chức “siêu tốc” cho một “thần đồng” vào vị trí Phó vụ trưởng tại Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Vâng, đúng thì đúng quy trình thật đấy, nhưng lại có thể và đã có gây ra những hậu quả nghiêm trọng, như vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy như đã kể…
Thật ra, nếu xem xét toàn bộ các vụ “làm đúng quy trình” trên, người ta sẽ thấy chẳng có quy trình nào để nhiều người biện minh cả. Chẳng có một quy trình cụ thể nào quy cho việc thiếu kiểm tra, kiểm soát Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy để các đối tượng này gây hại cả. Chẳng có một quy trình nào để cho “cả họ làm quan” hay “cả cơ quan đều là quan” cả. Cũng chẳng có một quy trình cụ thể bắt buộc nào để phải cất nhắc một “ông thạc” măng sữa, một “thần đồng ngoại ngữ” nào đó vào chức vụ vụ phó cả, trong khi chỉ riêng những “ông nghè” (tiến sĩ) Việt Nam có cả hàng chục ngàn.
Có chăng chẳng qua đó là những quy định, cơ chế, pháp luật để cho người ta có thể dựa vào đó mà lách, tránh, tạo “chứng cứ ngoại phạm” mà thôi. Thật dễ dàng né tránh trách nhiệm khi đổ lỗi cho cơ chế, cho sự bất cập của pháp luật. Quả thật, đã có không ít những vụ “hạ cánh an toàn” hay “cao bay xa chạy” mà pháp luật không thể hồi tố hoặc ngăn chặn vì thiếu những quy định. Như Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra chính phủ) Phạm Trọng Đạt mới đây có phát biểu, rằng “như Hải Dương 44/46 người lãnh đạo cả, không thấy ai là nhân viên, cũng quy trình đúng thì đó là quy trình bậy”.
Năm nay, 2016, là dịp kỷ niệm 30 năm ngày đổi mới. Mọi người hẳn còn nhớ đến đợt cải cách “quy trình”, thể chế lớn nhất, quan trọng nhất của đất nước ta để đưa nước ta từ tình trạng thiếu đói trở thành một trong những nước ấm no và phát triển với tốc độ khá cao bắt đầu từ 1986. Sự khác biệt giữa những người thực hiện việc đổi mới năm xưa với những người làm “đúng quy trình” hiện nay có thể dễ dàng chỉ ra: một bên là những người tiên phong “xé rào” làm “sai quy trình” nhưng đem lại những kết quả tích cực, một bên có vẻ như nhất nhất tuân theo quy trình, không chệch ra đâu nhưng lại đưa đến những kết quả tiêu cực. Sự khác biệt chính yếu hơn giữa họ chính là cái tâm, là lương tâm, là lòng yêu nước. Quả thật, tuy khó có thể có những chứng cứ cụ thể để kết tội như thừa nhận của ông Phạm Trọng Đạt, nhưng không khó để mọi người nhận ra những động cơ nào trong những việc “đúng quy trình” đang diễn ra cả.
Các kết quả đắng cay mà chúng ta phải chấp nhận trong những sự kiện này nên là động lực mạnh mẽ cho việc cải đổi những “quy trình”. Với tình hình suy thoái đạo đức, “tự diễn biến” nội bộ khá trầm trọng như các nhà lãnh đạo thừa nhận, tại sao chúng ta không thực hiện một cuộc tổng rà soát các “quy trình” lạc hậu, yếu kém để thực hiện một đợt “đổi mới lần hai”, một cuộc cải cách thể chế mạnh mẽ để khó có ai còn có thể đổ thừa cho quy trình, quy định như hiện nay…?
Cuối cùng có lẽ cũng phải minh oan một chút cho “quy trình”: nếu quy trình là một con người chứ không phải là những dòng văn bản khô khan cứng nhắc, nếu “quy trình mà biết nói năng”, thì có bao nhiêu hàm răng các quan chức sẽ không còn…? (*)
Đoàn Đạt
(*) Chú thích của CTMM:
Hòn đất mà biết nói năng,
Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.
(Ca dao tục ngữ Việt Nam)
Leave a Comment