Quảng Cáo

‘Bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh’: Làm sao để không lặp lại năm 2012?

Quảng Cáo

Sự thật đáng ái ngại đối với Tổng Bí thư Trọng là kịch bản “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh” đang có những dấu hiệu báo trước một thời kỳ “chuyển giao quyền lực” không êm ả.

Những thành viên của ‘Gia đình’

6 tháng sau khi phát lệnh “việc cần làm ngay” và ra lệnh điều tra trực tiếp Trịnh Xuân Thanh, Văn phòng Tổng Bí thư vẫn chưa nhận được tin vui. Thanh vẫn bóng chim tăm cá ở một nơi xa xôi nào đó.

Trong lúc Tổng bí thư Trọng sốt ruột chờ đợi kết quả “bắt bằng được” Trịnh Xuân Thanh, ông lại như thể bị trêu ngươi bởi làn sóng bỏ trốn ra nước ngoài của một số quan chức.

Vũ Đình Duy

Cho đến nay đảng không biết Vũ Đình Duy ở đâu. Cũng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy là Duy sẽ trở về “đoàn tụ”, dù “Ngày hội đại đoàn kết dân tộc” với cảm xúc “đất nước có bao giờ được thế này không” của Tổng Bí thư đã lặng lẽ trôi qua.

Nhân vật mới nhất có nhiều dấu hiệu tẩu thoát thành công ra nước ngoài là Lê Chung Dũng – cũng thuộc “gia đình” Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

“Gia đình PVN” lại đông đúc bất thường. Có dư luận cho biết một bản danh sách điều tra các nhân vật trong PVN dài đến 192 người. Nghĩa là vẫn còn lại 189 đối tượng tình nghi.

Lê Chung Dũng. Ảnh: Người Lao Động

Nhưng làm sao có thể đoan chắc là con số 189 này sẽ không bị hao hụt trong những ngày tháng tới, nhất là sau khi Tổng Bí thư Trọng đã đích thân tham gia vào Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương mà Vũ Đình Duy và Lê Chung Dũng vẫn ung dung “ra nước ngoài chữa bệnh”?

Thậm chí gần đây, lần đầu tiên Tổng Bí thư Trọng còn phải gián tiếp thừa nhận Trịnh Xuân Thanh vẫn an toàn.

Một dấu hiệu cho thấy ông đã mệt mỏi?

Những thừa nhận gián tiếp

Ngày 6/12/2016, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri tại Đông Anh, Hà Nội, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết về vụ Trịnh Xuân Thanh: “Bây giờ chúng ta đã phát lệnh truy nã ra cả quốc tế, phối hợp với các cơ quan của các nước và tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu. Chúng ta làm theo luật pháp quốc tế nhưng phải có thời gian.”

Dù tinh thần “bắt bằng được”, “không trốn được đâu” vẫn được ông Trọng kiên định lặp đi lặp lại, nhưng lần này ông còn thòng thêm một đoạn “nhưng phải có thời gian”.

Chỉ một tuần trước lời thừa nhận gián tiếp vừa kể của ông Trọng, đã có một dấu hiệu lần đầu tiên như thể “Trịnh Xuân Thanh vẫn an toàn” được phát ra từ cấp phó của ông Trọng – ông Đinh Thế Huynh.

Chiều 30/11/2016, trả lời ý kiến của cử tri quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), đại biểu Đinh Thế Huynh (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư) cho hay “Trong những ngày tới sẽ có công bố, xác định trách nhiệm của các cơ quan liên đới chịu trách nhiệm trong việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh. Còn việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài, khi đó thì Trịnh Xuân Thanh vẫn đang bị kiểm tra, chưa có biện pháp ngăn chặn nên bỏ trốn”.

Lối nói gián tiếp mập mờ của ông Huynh cũng cho thấy chiến dịch truy lùng đường dây, hoặc thế lực chính trị nào đã bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh, cho tới nay đã hầu như không đạt được kết quả gì. Rất nhiều khả năng là trong quá trình xác minh làm rõ, những người bên đảng đã đụng phải một ‘bức tường” ghê gớm. Tức một thế lực chính trị rất lớn, liên quan sâu đến nội bộ và cả bên đảng. Vì thế, nếu “rút dây” sẽ “động rừng”. Để cuối cùng, những cấp cao nhất như ông Nguyễn Phú Trọng và Đinh Thế Huynh chỉ còn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Phát ngôn trả lời cử tri của ông Đinh Thế Huynh cũng gián tiếp xác nhận một khả năng là Trịnh Xuân Thanh chưa bị bắt, và cũng chưa biết khi nào mới bị bắt.

Cách đây không lâu, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cũng gián tiếp xác nhận khả năng Trịnh Xuân Thanh vẫn ung dung tự tại khi trả lời báo chí “Có lẽ Trịnh Xuân Thanh cũng đang theo dõi qua mạng (về kỳ họp Quốc hội)”.

Các phát ngôn từ tướng Lê Quý Vương, ông Đinh Thế Huynh và gần đây nhất là ông Nguyễn Phú Trọng cho thấy cái gọi là “lưới trời lồng lộng” đối với Trịnh Xuân Thanh đang thưa lọt đến não nề. Tất cả đều phải chờ… Interpol quốc tế. Nhưng lại chẳng có gì chắc chắn là Interpol quốc tế sẽ ra tay nhanh chóng. Thậm chí, việc bắt Trịnh Xuân Thanh ở nước ngoài có thể còn được “quốc tế” tính toán kèm với một điều kiện đánh đổi nào đó đối với Chính phủ Việt Nam.

Những dấu hiệu mệt mỏi

Trong lúc chiến dịch bắt Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa đi đến đâu, Huy Đức, cây viết từng ca ngợi Tổng Bí thư Trọng và đã tung ra loạt bài “đánh” Đinh La Thăng trước và sau Hội nghị Trung ương 4 “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa” vào tháng 10/2016, từ đó đến nay lại trở nên im lặng một cách lạ thường.

Tháng 10 năm 2015, tức chỉ vài tháng trước Đại hội XII của đảng cầm quyền, Huy Đức đã tung ra liên tiếp các bài viết công kích thủ tướng còn tại vị khi đó là Nguyễn Tấn Dũng. Như một “điềm báo”, sau đó người ta biết ông Dũng đã phải làm bản giải trình 12 điểm cho Bộ Chính trị về một số vấn đề cá nhân. Và sau đó nữa, Thủ tướng Dũng không những không còn nằm trong Bộ Chính trị mới mà còn bị loại khỏi Ban Chấp hành Trung ương.

Nhưng một năm sau – 2016 – dường như những bài viết của Huy Đức không còn mang tính “báo hiệu” cho cuộc cờ tàn với thất bại thuộc về đối thủ của Tổng Bí thư Trọng. Ngược lại, dường như ông Trọng đang mệt mỏi đến mức ông muốn “đóng hồ sơ”. Sự kiện 7 quan chức trong đảng và chính quyền chỉ phải nhận một mức kỷ luật khá nhẹ nhàng liên quan đến vụ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh đã phản ánh sự mệt mỏi đó.

Hàng loạt bê bối về “chảy máu nhân tài” từ dàn nhân sự PVN, cộng với thế bế tắc khá toàn diện của chiến dịch liên quan đến các vụ Núi Pháo, MobiFone đang cho thấy một triển vọng rất đáng lo ngại đối với Tổng Bí thư Trọng: ngay cả có bắt được Trịnh Xuân Thanh cũng chưa chắc làm gì được những nhân vật đứng phía sau Thanh.

Những giọt nước mắt năm 2012

Nếu không “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”, chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng rất có thể sẽ thất bại. Thậm chí, chiến dịch này còn có thể dẫn đến hậu vận “hạ cánh cứng”.

Giành thắng lợi giòn giã tại Đại hội XII vào đầu năm 2016, nhưng dường như Tổng Bí thư Trọng lại trở nên rơi vào tâm thế suy trầm vào cuối năm nay. Câu chuyện mang màu sắc thất bại này khiến nhiều người liên tưởng đến một nỗi đau của ông cách đây 4 năm.

Tại Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2012, đặt trọng tâm vào nhiệm vụ “giữ đảng”, cả hai ông Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang đã cố gắng thi hành kỷ luật đối với “đồng chí X”, mà về sau người ta mới biết là ông Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên sự việc đã diễn biến một cách đáng kinh ngạc. Nghe nói trước khi đưa ra Ban Chấp hành Trung ương để biểu quyết vụ thi hành biện pháp kỷ luật này, cả tổng bí thư và chủ tịch nước đều rất tự tin, nhưng kết cục thì chính ông Trọng là người phải nhỏ nước mắt…

Lịch sử chính trị đảng phái có những định luật riêng của nó và đương nhiên có thể lặp lại. Thành công đến mức “tôi bất ngờ” như cảm xúc của Tổng Bí thư Trọng sau Đại hội XII nhưng vẫn mang nguyện vọng “cống hiến cho đảng và đất nước” thêm ít ra là nửa nhiệm kỳ, ông Trọng đã một lần nữa “leo lên lưng cọp”. Chỉ có điều vào lần này, bàn cờ quyền lực chông chênh và nguy hiểm hơn nhiều so với 4 năm trước. Bất cứ kỳ thủ nào tính toán sai lầm một nước đi đều có thể phải trả giá không chỉ bằng sinh mạng chính trị.

So với bối cảnh trước Đại hội XII, hình như vào lúc này Tổng bí thư Trọng không có được một dàn giúp việc có đủ mưu sâu kế hiểm để cùng thực hiện một mục tiêu như “bất cứ ai ngoài Dũng”.

Nếu không “bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh”, kịch bản “chuyển giao quyền lực sớm” sẽ có thể xảy ra nhanh hơn, có lẽ vào năm 2017, và có phần chắc sẽ ít suôn sẻ hơn nhiều so với bối cảnh trước Đại hội XII.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux