Chỉ trong vòng hai tháng qua mà nhân dân miền Trung trải dài từ Hà Tĩnh đến tận Phú Yên đã bị tổn thương, mất mát cả người và vật chất qua những con lũ do thiên tai và xả lũ do con người gây nên. Hàng trăm người đã phải bỏ mạng, hàng triệu người lay lất sống trong cảnh tan hoang. Thế nhưng chính phủ đã làm gì cho họ?
Một Linh mục là cha tinh thần của tôi đã đến với người dân miền Trung và thấu hiểu được những đau khổ người dân đang phải gánh chịu. Cha đau nhói trong lòng khi chứng kiến những cảnh tượng thương tâm và càng thấy đau xót hơn khi họ chấp nhận cái cảnh sống tận cùng đau khổ đó vì họ đã bị sống như vậy nên họ quen, họ chẳng còn biết quyền của mình và sự sống của mình nó đang ở mức độ như thế nào.
Những cảnh tượng đưa tang trên dòng nước lũ, những đứa trẻ bị cuốn trôi theo dòng nước lan tràn trên mạng xã hội đánh động vào lương tri con người một cách mãnh liệt. Chúng ta thấy chính những lúc đớn đau của đồng loại lại nở hoa kết trái của tấm lòng con người chia sẻ cho nhau. Hàng ngàn người dân khắp trong nước và nước ngoài đau đáu nhìn về quê hương, đóng góp của cải vật chất để trợ giúp nâng đỡ anh chị em mình.
Chúng ta thấy các bạn trẻ tại các thành phố lớn dìm mình trong cơn lũ để giúp đỡ nạn nhân, đem từng phần quà, dọn từng ngôi nhà bị chìm trong sình lầy bùn hôi. Đó là điều thật đáng giá. Thật ra, những người dân họ đang xé áo mình cho nhau để sưởi ấm những cõi lòng tan nát, mặc dầu áo của họ chẳng có lành lặn, mượt mà. Người nghèo khổ lại trao cho người khổ nghèo những gì mà họ có tất cả.
Còn nhà cầm quyền đã giúp những gì cho đồng bào miền Trung? Vâng, họ đã giúp dân miền Trung chịu trận lũ lụt được trọn vẹn hơn khi các đập thủy điện thi nhau xả lũ ngay trong giờ khắc nước lũ dâng cao. Họ quyết tâm bằng mọi giá xả lũ để cứu đập thủy điện chứ không cứu người. Thủy điện Hố Hô góp phần kiến tạo nên cơn lũ đi vào lịch sử khiến người dân tại Hà Tĩnh, Quảng Bình trở tay không kịp.
Mới đây thì tới phiên người dân tại Trung và Nam miền Trung chịu trận. Hàng trăm người chết do lũ và xả lũ, những cảnh màn trời chiếu đất như thời thượng cổ được dựng lại.
Biết đau xót như thế nào khi chính quyền các địa phương ngăn cấm người dân đến cứu trợ, thậm chí có những đoàn bị chặn đánh, có đoàn lại bị chặn để cướp của cứu trợ lấy làm của mình, bắt ép người dân nộp tiền cứu trợ rồi sau đó chỉ cho họ hưởng một chút ít.
Đau đớn thay khi những kẻ được mang tiếng là tiến sĩ như ông Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP. HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI nói rằng: “Nước xả ấy có phải của Hồ Hố Hô không? Không phải, vì bản thân hồ không sinh ra nước, mà chỉ xả hết nước lũ mà hồ không thể chứa được”.
Dân họ cần gì khi họ phải gánh chịu thảm họa lũ lụt? Họ cần miếng ăn, cần tấm vải mặc ngay trong thời khắc bị lũ, họ cần dựng lại nhà cửa, cần có một hỗ trợ ngắn hạn và dài hạn cho ổn định cuộc sống. Ấy thế mà, chính phủ cứu dân bằng… 1500 tấn muối. Gạo, mì tôm, lương khô cũng có đấy, nhưng như muối bỏ bể, có lẽ chính phủ biết thế nên cứu trợ bằng muối cho nó mặn mà thêm cái nghĩa cái tình sao?
Thảm họa lũ lụt là như vậy, người chết lên đến hàng trăm người, hàng triệu người mất cả cửa ruộng vườn, tại sao chính phủ này không kêu gọi người dân trong nước để tang tưởng nhớ đến họ, trong khi một ông bên Cu Ba chết thì phải tổ chức Quốc Tang? Điều đó há chẳng phải không hợp lòng dân sao. Hay các ông chỉ biết trọng vọng, sính ngoại, còn dân tình thế thái trong nước thì khinh chê, bỏ mặc? Điều đó có xứng đáng trong tư tưởng tầm vóc của nhà lãnh đạo?
Người dân đất Việt dù áo rách tả tơi dưới sự cai trị của cộng sản nhưng vẫn chia nhau tấm áo của lòng yêu thương và tình liên đới, còn chính phủ thì bỏ mặc khinh chê. Thế mới biết trong lúc hoạn nạn ai là bạn ta, ai là thù địch của ta.
Paulus Lê Sơn
Leave a Comment