https://www.youtube.com/watch?v=aBho-DpoSx8
Liên Hiệp Quốc thông qua Nghị Quyết “Chống Ngăn Chặn Internet”
Ngày 1 Tháng 7, 2016, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đã thông qua một nghị quyết nhằm lên án các quốc gia ngăn chặn hoặc quấy nhiễu việc tiếp cận Internet của người dân.
Nghị Quyết “dứt khoát lên án những hành vi cố tình ngăn chặn hoặc quấy nhiễu việc tiếp cận hay chia sẻ thông tin trên mạng”. Nghị quyết gọi những biện pháp ngăn chặn đó là “vi phạm luật nhân quyền quốc tế”.
Theo dữ kiện ghi nhận, đã có ít nhất 20 vụ ngăn chặn Internet đầy tai tiếng, chỉ trong nửa đầu năm nay, xảy ra ở Việt Nam và một số quốc gia khác, so với 15 vụ của năm 2015. Sự việc này đã góp phần đưa đến nghị quyết của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.
Các thành viên lãnh đạo phong trào tự chủ Hồng Kông đắc cử vào Hội Đồng Lập Pháp
Bất mãn với sự can thiệp của Bắc Kinh lên quyền tự do của Hồng Kông, hàng triệu người dân Hồng Kông đã đi bỏ phiếu hôm 4 Tháng 9, 2016 để bầu cho các ứng viên ủng hộ dân chủ vào cơ quan lập pháp của thành phố.
Kết quả là các nhà hoạt động dân chủ chống Trung Quốc đã chiến thắng 30 trên 70 ghế, chiếm hơn 1/3 số ghế cần thiết để có thể ngăn chặn cơ quan lập pháp ủng hộ Bắc Kinh thông qua các dự thảo mà không được nhân dân ủng hộ. Trong số 30 ghế mới cho các nhà lập pháp dân chủ, có 6 gương mặt mới thuộc nhóm “Thế Hệ Dù Vàng” (Yellow Umbrella Generation), từng tham gia lãnh đạo các cuộc biểu tình quy mô ủng hộ dân chủ từ năm 2014. Đặc biệt, người nổi bật giành chiến thắng lớn nhất là Nathan Law, 23 tuổi, người trẻ nhất trong lịch sử Hội Đồng Lập Pháp, là lãnh tụ phong trào “Dù Vàng”, và đồng sáng lập đảng Demosisto chủ trương một cuộc trưng cầu “tự quyết” cho Hồng Kông.
Trung cộng hoàn thành 3 phi trường trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông
Hình vệ tình gần đây cho thấy Trung Quốc đã thiết lập hệ thống vũ khí trên tất cả 7 đảo nhân tạo trong vùng tranh chấp ở Biển Đông. Hình vệ tinh Đá Vành Khăn chụp ngày 29 Tháng 11, 2016. Chương trình Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) cho biết là có từ hai đến bốn cấu trúc quân sự đã hoàn tất, với mái che đã phủ lên các hệ thống thiết kế nơi đó. Ảnh: CNN
Việc xây phi đạo nói trên, vượt quá nhu cầu hàng không dân sự và đủ đáp ứng nhu cầu quân sự, cùng với việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các bãi đá nhân tạo mà Trung Quốc đã chiếm đoạt với sự thờ ơ và đồng loã của CSVN, đã tỏ rõ ý đồ bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thách thức quá đáng này của Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ đáp trả qua việc 3 lần cho tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh các hòn đảo nói trên khiến Trung Quốc vô cùng giận dữ mà không dám có phản ứng gì.
Lãnh tụ 171 quốc gia cùng lúc ký kết chính thức vào Hiệp Ước Lịch Sử Paris về thay đổi khí hậu toàn cầu (22/4)
Nguyên thủ và đại diện của 171 quốc gia trên thế giới cùng lúc ký kết Hiệp Định Paris về biến đổi khí hậu đúng vào Ngày Quốc Tế Mẹ Trái Đất, tại buổi lễ diễn ra ở trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 22 Tháng 4, 2016.
Hiệp Định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris hồi Tháng 12, được xem như là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để cứu Trái Đất.
Theo dự kiến, hiệp định này sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được phê chuẩn bởi 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực sớm hơn.
Khủng bố Hồi Giáo thực hiện nhiều vụ tấn công tại Pháp và Bỉ
Tại Bỉ, vào ngày 22 Tháng 3, 2016, IS đã thực hiện 3 vụ nổ tại thủ đô Bruxelles khiến 42 người chết và khoảng 300 người bị thương.
Tại Pháp, cuộc liên hoan mừng Ngày Quốc Khánh 14 Tháng 7 đã biến thành Quốc Tang khi chiếc xe tải khủng bố 25 tấn của IS đã đâm bừa vào đám đông dự lễ trên đường Promenade des Anglais ở Nice với vận tốc trên 50km/giờ khiến cho 84 người thiệt mạng và vô số người bị thương.
Đây chỉ là một vài trong nhiều vụ khủng bố chết người trong năm.
2016, lại một năm nữa, để lại dấu ấn kinh hoàng của khủng bố do bàn tay của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo IS và ISIL chưa biết còn kéo dài đến bao giờ.
Fidel Castro qua đời
Cuối cùng thì Fidel Castro, lãnh tụ độc tài Cuba, đã qua đời ngày 25 Tháng 11, 2016 ở tuổi 90.
Cũng như những kẻ độc tài cộng sản khác trên thế giới, Fidel Catro sau khi cướp được chính quyền đã biến đất nước, nhân dân thành sở hữu riêng của đảng cộng sản và của mình.
Di sản mà Fidel Castro để lại sau hơn 50 năm cai trị độc tài là một nước Cuba nghèo đói, lạc hậu và đầy đau thương. Đã có rất nhiều người phải chết trong đau đớn và vô số những vi phạm nhân quyền gây ra bởi Fidel Castro.
Trong khi nhiều người dân Cuba ăn mừng khi nghe tin Fidel Castro chết, thì vào ngày 4 Tháng 12, 2016, lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN quyết định để quốc tang cho Fidel Castro.
Vụ Lộ Rỉ Hồ Sơ Panama Tẩu Tán Tài Sản và Rửa Tiền Ra Nước Ngoài
Vụ rò rỉ “Hồ Sơ Panama” do Hiệp Hội Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế (ICIJ) tại Mỹ công bố hồi Tháng 4, 2016 được xem là vụ tiết lộ tài liệu mật lớn nhất trong lịch sử thế giới. Đây là dữ liệu với khoảng 11,5 triệu tài liệu mật trong 4 thập niên của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama, cùng với hồ sơ “Offshore Leaks” phát giác trước đó, đã hé lộ mạng lưới những công ty “ma” trên thế giới, lập ra nhằm trốn thuế, tẩu tán tài sản và rửa tiền từ các nước độc tài.
Nhiều công ty liên quan đến quan chức, chính trị gia, trong đó có những người đã và đang là nguyên thủ quốc gia bao gồm cả TT Putin Nga và Tập Cận Bình Trung Quốc. Gần 100 người Việt liên quan đến các công ty mang tên nước ngoài cũng bị nêu ra trong Hồ sơ Panama. Vụ rò rỉ khiến quan chức những nước độc tài rất lo lắng vì việc chuyển rửa tiền bị phanh phui ra công luận, không còn an toàn như trong quá khứ.
Dân Anh bỏ phiếu rút khỏi Liên Minh Châu Âu
Qua cuộc trưng cầu dân ý Brexit ngày 23 Tháng 6, 2016, người dân Anh Quốc đã quyết định rời khỏi Liên Âu với 51.8% trên tổng số phiếu.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc sẽ bị mất những ưu đãi về thuế quan với các nước khác. London sẽ mất địa vị là một trung tâm tài chánh quốc tế. Khối lượng đầu tư quốc tế vào nước Anh sẽ giảm đi, người Anh sẽ mất việc làm, trong khi nạn lạm phát đe dọa sẽ gia tăng vì đồng tiền Anh mất giá, hậu quả là mức sống sẽ xuống thấp. Phong trào Brexit cũng đã tiên đoán các hậu quả tai hại này, nhưng họ cho rằng chỉ xảy ra trong ngắn hạn.
Phán quyết PCA: Phi thắng, Trung Cộng thua
Ngày 12 tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA tại The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Tuyên bố của Tòa xác định rằng yêu sách chủ quyền về “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh là vô lý và vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Phán quyết của tòa PCA kết luận: “mặc dù các ngư dân và các nhà hàng hải của Trung Quốc, cũng như của những nước khác, trong lịch sử đã từng sử dụng các ‘đảo’ ở Biển Đông, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc trong lịch sử đã từng ‘độc quyền kiểm soát’ các vùng biển và các nguồn tài nguyên tại đây.” Nhưng Trung Quốc vẫn ngoan cố tuyên bố không chấp nhận phán quyết của Tòa PCA.
Ông Donald Trump đắc cử Tổng Thống Hoa Kỳ
Ông Donald Trump trở thành Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 qua cuộc bầu cử vào ngày 8 Tháng 11, 2016 là cơn địa chấn, gây nhiều tranh cãi, lo lắng cho Hoa Kỳ và thế giới.
Sắp tới ông Donald Trump sẽ tập trung vào các vấn đề nội bộ, các lợi ích kinh tế của nước Mỹ mà trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần nói đến.
Chính sách ngoại giao của Mỹ sẽ luôn ưu tiên lợi ích của Mỹ trước hết như sẽ tái đàm phán các điều khoản Hiệp Định Thương Mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) và hủy bỏ Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại thoả thuận hạt nhân với Iran.
Leave a Comment