Quảng Cáo

Tập Cận Bình và Donald Trump cùng được lợi

Quảng Cáo

Ngay sau cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn gây dư luận ồn ào, ông Donald Trump, tổng thống Mỹ tân cử, đã giải thích rằng đó là một hành động xã giao: Người ta gọi để chúc mừng, không bắt máy trả lời là bất lịch sự! Nhưng mấy hôm sau, ông Trump “nâng quan điểm.” Ông hỏi: Tại sao mình cứ phải theo chính sách “Một nước Trung Hoa?”

Chưa tuyên thệ nhậm chức, Donald Trump đã gây sóng gió ngoại giao khi tỏ ý nghi ngờ một chủ trương của các vị tổng thống Mỹ từ thời Richard Nixon đến nay. Bắc Kinh phản ứng mạnh, một cách bán chính thức. Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo của đảng Cộng Sản phê bình ông Trump “dốt như trẻ con” (as ignorant as a child). Không thấy phản ứng đáng kể trong giới chính trị ở Mỹ, chắc vì ai cũng đang bận bàn cãi vụ CIA và FBI tố cáo chính phủ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ cho nên không ai quan tâm đến chuyện Một nước hay Hai nước Trung Hoa! Người Việt Nam thì chắc phải quan tâm, vì nếu trâu bò húc nhau mình cũng đáng lo ngại.

Vậy, chính sách “Một nước Trung Hoa” nghĩa là gì?

Câu chuyện bắt đầu năm 1972, với Thông Cáo Chung Thượng Hải sau các cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Richard Nixon và Thủ Tướng Chu Ân Lai. Ðây là lần đầu tiên một chính phủ Mỹ công nhận rằng “Chỉ có một nước Trung Hoa” và Ðài Loan là một tỉnh thuộc nước đó.

Richard Nixon – Chu Ân Lai

Thực ra từ năm 1949, khi Cộng Sản chiếm lục địa và chính phủ Dân Quốc chạy qua Ðài Loan, cả hai bên Quốc, Cộng đều chủ trương chỉ có một nước Trung Hoa. Mỗi bên tự coi mình là chính quyền hợp pháp duy nhất của nước Trung Hoa đó, coi bên kia là một bọn “phản loạn” tiếm quyền. Các chính phủ Mỹ cũng đồng ý như vậy, nhưng họ chỉ công nhận chính phủ Dân Quốc ở Ðài Bắc.

Năm 1971, Nixon bắt đầu sai thuộc hạ (Kissinger) đi đêm với Trung Cộng, cuối năm đó Liên Hiệp Quốc bắt đầu công nhận chính quyền Cộng Sản ở Bắc Kinh mà không bị Mỹ dùng quyền phủ quyết gạt đi. Năm sau, Nixon qua Trung Quốc, mở một trang sử mới. Năm 1979, Washington và Bắc Kinh đặt quan hệ ngoại giao chính thức, Mỹ rút đại sứ ở Ðài Bắc về, chỉ đặt một văn phòng liên lạc về thương mại. Quốc Hội Mỹ đã thông qua một “Ðạo Luật Ðài Loan” bảo đảm Mỹ tiếp tục cung cấp vũ khí để Ðài Loan không bị Trung Cộng đánh chiếm.

Chu Ân Lai – Henry Kissinger

Thông Cáo Chung Thượng Hải là căn bản của chính sách “Một nước Trung Hoa” theo đó nước Mỹ cam kết ba điều: Không ủng hộ Ðài Loan tuyên bố độc lập; Không công nhận hai nước Trung Hoa tách rời; và không ủng hộ Ðài Loan vào các tổ chức quốc tế, ngang hàng với Bắc Kinh (trừ một vài cơ quan Liên Hiệp Quốc về văn hóa, xã hội, y tế, IMF, Ngân Hàng Thế Giới, và WTO – tổ chức mậu dịch thế giới). Cả ba chữ “không” trên quy tụ vào một điều chính trong Thông Cáo Chung Thượng Hải: Không công nhận một nước Ðài Loan độc lập, tách ra khỏi nước Tàu. Các chính phủ Mỹ, từ thời Nixon đến thời Obama đều theo chính sách “Ba Không” này. Ðể đổi lại, họ được một thỏa thuận ngầm là Trung Cộng hứa sẽ không dùng vũ lực “giải phóng” Ðài Loan. Trong quá khứ, lâu lâu Washington và Bắc Kinh lại “đấu khẩu” và “diễn võ” mỗi lần Trung Cộng thấy Mỹ có vẻ đi ra ngoài đường lối Ba Không.

Vậy khi ông Donald Trump đặt câu hỏi về chính sách “Một nước Trung Hoa” thì ông muốn nói gì? Một cách cụ thể, liệu muốn ông có xóa bỏ chính sách “Ba Không” hay chăng?

Không ai đoán trước được ý định thật của ông Trump, và chắc ông cũng chưa biết mình sẽ làm gì. Vì chính ông cũng nói rằng ông chỉ muốn dùng vấn đề “Một nước Trung Hoa” như một món hàng trao đổi, để mặc cả với Cộng Sản Trung Quốc trong những vấn đề khác: Thương mại, hối suất, Bắc Hàn, và Biển Ðông. Ðây không phải là một hành động thay đổi chính sách, mà chỉ là một màn biểu diễn để mặc cả.

Mời độc giả xem video: Ông Trump chọn cựu tướng John Kelly lãnh đạo Bộ Nội An

Nói như vậy, thì một chính quyền Trump sau này sẽ trình bày món “Một nước Trung Hoa” như thế nào khi bàn chuyện trao đổi? Họ chỉ có thể yêu cầu Trung Cộng phải mua máy móc của Mỹ nhiều hơn và đánh thuế nhẹ, sao cho cán cân thương mại Mỹ bớt khiếm hụt; Trung Cộng phải nâng cao hối suất đồng nguyên; phải áp lực buộc Bắc Hàn ngưng làm bom hạch tâm; và phải ngưng bành trướng ở vùng Biển Ðông Nam Á. Và họ kết luận: Nếu các ông không chịu các điều kiện trên thì chính phủ Mỹ sẽ chấm dứt chủ trương “Một nước Trung Hoa.” Ðiều này chỉ có ý một nghĩa cụ thể: Chính phủ Mỹ sẽ khuyến khích Ðài Loan tuyên bố độc lập, tách hẳn khỏi nước Tàu, với lời hứa hẹn nước Mỹ sẽ bảo vệ quốc gia mới này! Nếu không phải như vậy thì những lời đe dọa sẽ trở thành nói suông, không có hiệu quả nào hết.

Nhưng một điều ai cũng biết là Cộng Sản Trung Hoa chắc chắn không thể bàn bạc vấn đề “Một nước Trung Hoa” như một món hàng trao đổi. Chỉ cần tỏ ý chấp nhận bàn bạc chuyện đó cũng đủ làm cho một tỷ người dân Trung Hoa trong lục địa nổi loạn! Vì từ cuộc Chiến Tranh Nha Phiến, thế kỷ 19, đến giờ, trong lòng người Tàu vẫn còn ôm mối hận bị các nước Âu Mỹ chiếm đất, chia cắt lãnh thổ, ép các chính quyền Trung Hoa nhu nhược phải nhượng bộ đủ điều. Ðối với bất cứ chính quyền Trung Hoa nào, cộng sản hay quốc gia, đem chuyện thống nhất quốc gia ra bàn bạc, trao đổi, tức là phản quốc. Ngày 4 Tháng Năm 1919, thanh niên, sinh viên Bắc Kinh đã nổi dậy khi chính quyền Ðoàn Kỳ Thụy chấp nhận ý kiến của các nước Anh, Pháp, Mỹ, cho Nhật Bản được quản trị miền Sơn Ðông thay thế nước Ðức thua trận, gây nên phong trào Ngũ Tứ Vận Ðộng.

Trong những cuộc tranh chấp đất đai, vườn ruộng giữa những người dân Á Ðông, họ có thể mặc cả nhiều điều nhưng không thể chấp nhận cho ai đụng tới cái “mả tổ” của gia đình mình. Ông Trump có thể biến vấn đề Ðài Loan thành cái “mả tổ” của dân Trung Hoa. Ðến bàn hội nghị mà nghe đặt vấn đề đó như một điều kiện trao đổi thì bất cứ nhân viên ngoại giao nào người Trung Hoa cũng phải đứng dậy, không bàn nữa.

Cho nên chắc chắn chính quyền Donald Trump sau này sẽ không chính thức đem chính sách “Một nước Trung Hoa” ra như một vấn đề trao đổi. Những lời tuyên bố của ông Trump chỉ cốt cho Trung Cộng thấy rằng chính phủ Mỹ luôn luôn còn giữ trong tay áo một quân cờ tối hậu: Họ có thể ủng hộ một nước Ðài Loan độc lập!

Nhưng một quân cờ chỉ có giá trị nếu đối thủ tin rằng mình sẽ đem dùng. Dùng nước cờ “Ðài Loan Ðộc lập” cần hai điều kiện: Chính phủ Ðài Loan sẵn sàng tuyên bố độc lập; và quân đội Mỹ sẵn sàng qua Ðài Loan bảo vệ hòn đảo này. Vì nếu Ðài Loan đòi ly khai thì thế nào Trung Cộng cũng phải tấn công, nếu không chính quyền Bắc Kinh sẽ bị lật đổ.

Từ năm 1971 đến nay, dù chỉ còn được dưới 20 quốc gia nhỏ công nhận, chính quyền trên hòn đảo Ðài Loan trên thực tế vẫn độc lập. Họ không thể công khai tuyên bố tách Ðài Loan ra khỏi nước Trung Hoa, trước hết vì còn di sản từ thời 1949, vẫn còn tự coi là một chính phủ Trung Hoa Dân Quốc. Trên thực tế, dù đủ sức chống cự các cuộc xâm lăng với Mỹ giúp sức, họ cũng không thể bắt hơn 20 triệu dân phải chịu cảnh chiến tranh với Trung Cộng, chỉ vì một vấn đề danh nghĩa.

Sau khi nói chuyện 10 phút với ông Donald Trump, bà Thái Anh Văn vẫn tuyên bố rằng bà nghĩ cuộc điện đàm đó không thay đổi chính sách của chính phủ Mỹ tương lai đối với Trung Quốc. Sau khi ông Trump đặt câu hỏi tại sao cứ phải theo chính sách “Một nước Trung Hoa,” Dinh Tổng Thống và Bộ Ngoại Giao Trung Hoa Dân Quốc hoàn toàn nín lặng; mặc dù báo chí Ðài Loan loan tin rầm rộ với mối lo ngại rằng dân đảo này có thể sắp gánh họa nếu có một cuộc tranh hùng giữa hai cường quốc. Các đại biểu Quốc Hội thuộc đảng Dân Tiến, một đảng có khuynh hướng độc lập, cũng làm giảm trọng lượng của lời ông Trump nói, mô tả đó chỉ là một món đòn để ông Trump đòi hỏi chuyện khác. Ðài Loan có thể thấy vai trò của mình bỗng nhờ ông Trump mà trở thành quan trọng hơn, nhưng ai cũng biết nếu xẩy ra chiến tranh thì chỉ có dân hòn đảo này chịu tai họa nặng nề. Mà dù không có chiến tranh, thì Trung Cộng cũng sẽ dùng Ðài Loan như một thứ “bung xung” để trả đòn Mỹ!

Ngay sau khi ông Trump nêu thắc mắc, nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh đã viết rằng nếu chính quyền Mỹ không còn công nhận “Một nước Trung Hoa” thì Trung Cộng không có lý do nào để theo đuổi con đường hòa bình, không dùng vũ lực để chiếm lại Ðài Loan! Tạp Chí Hoàn Cầu Thời Báo thì khuyến cáo Trung Cộng phải chuẩn bị về quân sự đối với Ðài Loan để “trừng phạt những kẻ hô hào Ðài Loan độc lập!” và các hành động “gây hấn” của Mỹ ở Biển Ðông. Trước đó, Trung Cộng cũng đã cho pháo đài bay H-6, có khả năng chở bom nguyên tử, bay biểu diễn tại eo biển Nhật Bản và trong vùng Biển Ðông.

Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều màn “đấu khẩu” và “diễn võ” của Bắc Kinh trong thời gian tới. Bởi vì Tập Cận Bình không thể nào để mình bị mất mặt, trong lúc đang củng cố địa vị trước kỳ đại hội đảng cuối năm 2017. Ngược lại, Tập Cận Bình sẽ nhân cơ hội này chứng tỏ mình “cứng” hơn Trump, sẵn sàng đương đầu với chính sách của chính phủ Mỹ sắp tới.

Cảnh “đấu khẩu” và “diễn võ” từng diễn ra trước đây. Ðầu năm 1995, khi chính phủ Clinton cho phép Tổng Thống Ðài Loan Lý Ðăng Huy vào nước Mỹ đi thăm Ðại Học Cornell, nơi ông đã theo học, thì Trung Cộng đã “trả đũa” bằng những vụ bắn hỏa tiễn qua eo biển Ðài Loan trong hai tháng mùa Hè, rồi lại bắn lần nữa vào Tháng Ba năm sau. Chính quyền Mỹ lúc đó đã phản ứng bằng cách đưa hai hàng không mẫu hạm qua eo biển Ðài Loan biểu diễn. Cuối cùng, mọi chuyện lại được thu xếp, vào năm 1998 ông Clinton lại đi thăm nước Tàu. Vị tổng thống giữ liên lạc với Bắc Kinh ổn định nhất có lẽ là ông George W. Bush; vì ông và Hồ Cẩm Ðào đồng ý “chống khủng bố.” Ðến thời Barack Obama tình hình căng thẳng không phải vì Ðài Loan mà vì chủ trương chuyển trục, sẽ đưa hai phần ba sức mạnh Hải Quân Mỹ qua Thái Bình Dương. Nay đến lượt ông Donald Trump, vấn đề Ðài Loan được nêu ra như một món hàng trao đổi khi bàn chuyện kinh tế.

Trong năm tới, chúng ta sẽ còn chứng kiến những màn “diễn võ” kèm theo “đấu khẩu” giữa Bắc Kinh và Washington. Vì cả hai ông Tập Cận Bình và Trump đều được lợi trong không khí căng thẳng đó. Ông Bình sẽ có cơ hội đóng vai “người hùng” bảo vệ danh dự và quyền lợi dân Tàu. Ðịa vị của ông sẽ lên cao trong đại hội đảng thứ 19. Ông Trump sẽ có cơ hội chứng tỏ mình giỏi hơn tất cả các đời tổng thống trước, dám đứng dậy đe dọa Trung Cộng! Ông sẽ được dân Mỹ hoan nghênh, chuẩn bị tranh cử năm 2020!

Nhưng cuối cùng, quyền lợi kinh tế của hai nước sẽ quyết định. Hai cường quốc sẽ không thể lâm chiến chỉ vì danh nghĩa của một hòn đảo với 20 triệu dân. Chuyện họ đang buôn bán với nhau quan trọng hơn chuyện Ðài Loan độc lập hay không; trong khi chính người dân ở đó cũng chỉ muốn ai ở đâu ở đó, còn lo làm ăn buôn bán kiếm lời!

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux