Cảm xúc “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tác động mãnh liệt vào “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” – diễn ra tại Bắc Ninh vào tháng 11/2016 – chỉ ít lâu sau vụ Thủy điện Hố Hô xả lũ đột ngột giết chết hơn hai chục mạng dân nghèo Hương Khê ở Hà Tĩnh.
Thời Lê mạt…
Không phải những cái chết đầu tiên, và hầu như chắc chắn chưa phải là những cái chết cuối cùng của lớp dân đen. Những nhiệm kỳ đen tối của các nhóm quyền lực tham tàn đã đẩy đất nước trở về thời Lê mạt với quá nhiều số phận con người không còn lối thoát.
Cảm xúc đề dẫn ấy của Tổng Bí thư được bày tỏ ngay sau vụ Formosa xả thải giết chết biển miền Trung và gây điêu linh cho người dân nơi đây.
Chỉ còn thiếu cảnh người chết đói đầy đường như thời Lê mạt…
Cảm xúc tự hào dân tộc của Tổng Bí thư đã khiến nhiều người kinh ngạc về não trạng và cung cách hành xử của ông. Ngay sau đó, một số bài bình luận đã xuất hiện trên mạng xã hội để chứng minh về một thảm trạng kinh tế – xã hội toàn diện ở Việt Nam đang hoàn toàn trái ngược với cách nhìn của ông ta.
Hàng triệu dân oan đất đai, hàng trăm ngàn nạn nhân môi trường, tài nguyên thiên nhiên gần như cạn kiệt… trong lúc “tham nhũng vẫn ổn định” như nhận định của ông Huỳnh Phong Tranh thời còn là Tổng thanh tra chính phủ, và “đánh tham nhũng là ta tự đánh ta” như lời than vãn gần đây nhất của Tổng Bí thư Trọng.
Chưa kể nợ công, nợ xấu ngập đầu và ngân sách hộc rỗng, còn các phe phái chính trị chỉ mưu toan tranh giành, chiếm đoạt và triệt hạ lẫn nhau, cướp bóc giết chóc nổi lên như ngóe… là tất cả những gì mà hầu như chắc chắn không bao lâu nữa sẽ đẩy đất nước và dân tộc vào cảnh khốn cùng.
Phân tâm học Nguyễn Phú Trọng
Song ở một khía cạnh khác, lại có thể cho rằng ông Trọng… thành thật. Thành thật một cách thuần phác khi phát ngôn như thế. Có nghĩa là ông nghĩ thế nào thì nói thế ấy chứ không phải dùng lối nói xã giao lắt léo của giới ngoại giao hoặc của lũ người chính trị bị dân gian xem là “điếm đàng”.
Thông thường, những người làm việc lâu năm trong bộ máy chính quyền và đặc biệt là trong bộ máy đảng cầm quyền ở Việt Nam vẫn dễ dàng nhận ra cách nói tô hồng khá thuần thục của giới lãnh đạo cao cấp. Trong bối cảnh nền chính trị một đảng, cơ chế tuyên truyền và truyền thông vẫn giữ thói một chiều, vẫn vô số nghị quyết lên gân chuyên chính và các cuộc họp nội bộ mà trong đó phần lớn người dự đều phải tỏ ra kiên định.
Rất nhiều trường hợp quan chức nói vung miệng tại quán nhậu, thậm chí thẳng miệng chửi chính quyền địa phương hoặc chính quyền trung ương, nhưng khi vào cuộc họp nội bộ và nhất là họp chi bộ thì lại im như thóc, hoặc chỉ phát biểu theo nghị quyết và giơ tay “nhất trí” răm rắp.
Trường hợp của Tổng Bí thư Trọng khó có thể được hiểu khác hơn. Một tổng bí thư bị quá nhiều dư luận cho rằng sống trong “tháp ngà”, đã đến tuổi “lẫn”, và trên hết ông là một người của trường phái bảo thủ lẫn giáo điều không còn cơ may điều chỉnh, mà bởi thế rất có thể ông tin vào những điều ông nói ra.
Tin một cách cơ bản và quyết liệt!
Chứng “hoang tưởng phân liệt” cũng bởi thế luôn là một thói quen khó chữa của lịch sử chính trị.
Hệ lụy còn lại là cái niềm tin tương đối và gần như mâu thuẫn với thực tế của ông Trọng có thuyết phục được ai, và liệu có thuyết phục được ngay cả lớp quan chức dưới trướng ông?
‘Ông nói thì cứ nói, tôi làm thì cứ làm’
E rằng rất khó. Trong một chế độ mà chủ nghĩa kim tiền và nạn tham nhũng đang trở nên “cuồng nhiệt” như cách nói của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chủ nghĩa giáo điều của ông Trọng đang xung đột nặng nề với chủ nghĩa thực dụng và tranh đoạt quyền lực để bảo vệ lợi ích nhóm ngay trong đảng.
Càng gần ngày tàn của chế độ, bệnh giáo điều của ông Trọng càng khiến tương lai tìm ra lối thoát cá nhân của các nhóm quyền lực và kim tiền trở nên bế tắc. Tin đắc cử của Donald Trump báo hiệu thời kỳ giới lãnh đạo Việt trả treo với Hoa Kỳ đã chính thức chấm dứt. Bây giờ và những năm tháng tới sẽ chỉ là những cuộc trao đổi sòng phẳng, có đi có lại và nhất là chẳng còn chỗ cho thói trẻ hư làm mình làm mẩy.
Thời gian lại đang là kẻ thù heo đúng nghĩa đen của chế độ cầm quyền Việt Nam. Năm cùng tháng tận, càng giáo điều thì càng tự trói mình vào cột. Chẳng lẽ cực chẳng đã phải thoát lên Bắc Kinh – nơi bất quá cũng chỉ “ngựa xe vài cỗ quân hầu vài tên”?
Cùng tắc biến. Vậy là bắt đầu sinh ra phản ứng…
Bằng chứng “ông nói thì cứ nói, tôi làm thì cứ làm” vừa hiện ra ngay vào quý cuối của năm 2016 ở một cán bộ đảng viên được đánh giá là cực kỳ gương mẫu, thậm chí còn là đại tá công an: Tổng biên tập báo Petrotimes Nguyễn Như Phong.
Khác hoàn toàn với trường hợp cựu đại tá công an Lê Hồng Hà – người đã đấu tranh do bất đồng quan điểm với đảng và vừa từ trần – trường hợp ông Nguyễn Như Phong lại mang đậm dấu ấn bảo vệ lợi ích nhóm. Với động cơ ấy, ông Phong đã một bước “nhảy sang thế lực thù địch” khi cho đăng bài phỏng vấn blogger Người Buôn Gió – nhân vật bị đảng quy là “cực kỳ phản động” – ngay trên báo Petrotimes.
Sau vụ Nguyễn Như Phong “trở cờ”, có vẻ Tổng Bí thư Trọng đã giật mình mạnh đến mức ông lập tức phải chỉ thị một Nghị quyết Trung ương 4 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Nỗi lo sợ mất đảng chưa bao giờ lộ rõ như lúc này.
Nhưng đúng là con người không thể chống lại được tuổi tác. Ở tuổi đã hơn “thất thập cổ lai hy”, còn quá ít hy vọng để nhìn thấy một Nguyễn Phú Trọng “đời” hơn. Và ông vẫn chọn cách sống trong tháp ngà và vẫn tuôn ra những cảm xúc cực kỳ chân thành “đất nước mình có bao giờ được như thế này!”.
Cho tới lúc “Trời đất nổi cơn gió bụi” khiến ông và những quan chức cùng hội cùng thuyền phải trả giá…
Leave a Comment