Nhà thơ Lê Giang Trần vừa có bài viết giới thiệu một cuốn sách mới (Sử Tính và Ý Thức) của luật sư Nguyễn Hữu Liêm – với “tinh thần cởi mở chân tình đứng về phía tác giả, để biết lắng nghe những gì trình bày” – trên tờ Việt Báo, phát hành từ California vào hôm 07 tháng 11 năm 2016.
Độc giả của trang báo thượng dẫn, tiếc thay, không ai có tinh thần “cởi mở” và “chân tình” tương tự. Cũng chả ai bận tâm gì đến nội dung tác phẩm của L.S Liêm.
Coi:
- Đặng Huy Phong: Đừng mất thời gian và tiền bạc để đọc Nguyễn Hữu Liêm!
- Trần Vinh: Khỏi đọc bài chủ vì tôi đã biết Nguyễn hữu Liêm là ai. Nguyễn hữu Liêm là một trong số những người từ Mỹ bay về Hà Nội tham dự “Đại hội người Việt ở nước ngoài” do Cộng Sản Hà Nội tổ chức năm 2009. Sau đó, Nguyễn Hữu Liêm viết bài “Nơi giữa Đại Hội Việt Kiều: Một nỗi bình an”của mình “. Nguyễn hữu Liêm viết: “Trong hai mươi năm qua, tôi đã bao nhiêu lần về lại Việt Nam…” Và rằng “Ngày thứ ba của Đại hội, ở cuối phần bế mạc, tôi cùng đứng dậy chào cờ. Bài “Tiến quân ca” được vang cao trong cả hội trường. Tôi nhìn qua các thân hữu Việt kiều từ Mỹ, và ngạc nhiên khi thấy hầu hết – kể cả những người mà tôi không ngờ – đang vỗ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh! Cả hội trường, và tôi, cùng hân hoan trong tất cả (vẫn là) cái hồn nhiên mà dân tộc ta đã bước vào từ hồi thế kỷ trước. Tôi thầm cảm thấy mình thật sự bình an khi đất nước này đã mở rộng vòng tay đón tôi trở về …”
Niềm “hân hoan” cũng như sự “hào hứng” hồi năm 2009, như lời của L.S Nguyễn Hữu Liêm, buồn thay, nay không còn nữa. Tin tức về ngày khai mạc, cũng như bế mạc (“Hội Nghị Người Việt Nam Ở Nước Ngoài”) vào tháng 11 vừa qua – xem ra – có hơi tẻ nhạt. Không còn tiếng xe còi hụ và “vỗ tay hào hứng la to, Việt Nam! Hồ Chí Minh!” – theo tường trình của báo Quân Đội Nhân Dân:
Hôm nay (12-11), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài năm 2016 sẽ khai mạc tại TP Hồ Chí Minh với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”.
Hội nghị dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số địa phương cùng hơn 500 đại biểu kiều bào của gần 40 quốc gia và lãnh thổ. Hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày 12 và 13-11 với các phiên thảo luận theo chuyên đề...
Sáng cùng ngày, các kiều bào về tham dự hội nghị được đi tham quan, giao lưu theo các chuyên đề tại: Huyện Cần Giờ, Khu Công nghiệp công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn…
Ủa! Có tới 500 đại biểu kiều bào của gần 40 quốc gia và lãnh thổ sao không thấy ai “quan tâm đặc biệt” đến chuyện ngập lụt ở thành phố Hồ Chí Minh – vậy cà?
Không đô thị nào có thể “phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” trong tình trạng thường xuyên chìm trong bể nước. Thành phố Hồ Chí Minh Quang Vinh, tất nhiên, cũng không ngoại lệ.
Vậy mà cũng chả có đoàn kiều bào nào đến “tham quan, giao lưu” với Củ Chi để tìm hiểu cách thoát nước của hệ thống địa đạo nổi tiếng ở địa phương này. Đây là một sự thiếu sót vô cùng đáng tiếc, nếu không muốn nói là đáng trách.
Wikipedia tiếng Việt, giọng Hà Nội, ghi rõ:
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng tây-bắc. Hệ thống này được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đào trong thời kỳ Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh ViệtNam. Hệ thống địa đạo bao gồm bệnh xá, nhiều phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm dưới lòng đất.
Hồi thế kỷ trước mà Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam có thể làm được cả một hệ thống địa địa đạo dài 200 cây số – sâu cả chục mét – có hí viện để xem văn nghệ, và bệnh viện với phòng giải phẫu thì cớ sao nay lại để cho cái sân bay Tân Sơn Nhất cứ bị chìm đắm trong mưa (và trở nên bất khiển dụng) hoài vậy – mấy cha? Mà Củ Chi cách Tân Sơn Nhất đâu có bao xa, đúng không?
Sự tân kỳ (rất đáng nể) của Hệ Thống Địa Đạo Củ Chi khiến tôi chợt nhớ đến lòng dũng cảm (vô cùng đáng ngại) của … em Lê Văn Tám, cùng với một tiếng thở dài – cố nén. Từ đất đến người, suốt suồn suột đều chỉ là chuyện bịp!
Cái Nghị Quyết của Bộ Chính Trị, về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, cũng không ngoại lệ. Cũng rặt những lời lẽ bịp bợm và giả trá:
Nhà nước tạo mọi điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn sinh sống, hội nhập vào đời sống xã hội nước sở tại, đồng thời duy trì quan hệ gắn bó với quê hương, đất nước.
Thông qua các hoạt động ngoại giao tích cực vận động chính quyền nước sở tại tạo thuận lợi cho kiều bào có điều kiện làm ăn sinh sống bình thường; chủ động tiến hành đàm phán và ký kết các thỏa thuận cần thiết với các nước, trong đó có các hiệp định lãnh sự, hiệp định tư pháp, bảo vệ lợi ích chính đáng của bà con, chống các biểu hiện kỳ thị, các hành động chống lại người Việt Nam ở nước ngoài.
Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ. Xây dựng và hoàn chỉnh sách giáo khoa tiếng Việt cho kiều bào, cải tiến các chương trình dạy tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng Internet. Cử giáo viên dạy tiếng Việt tới những nơi có thể để giúp bà con học tiếng Việt. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh, thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài.
N.Q. 36 gồm 3.824 chữ, đều một giọng khoác lác như trên, và không một chữ nào đề cập đến nguyên do khiến mấy triệu nguời Việt phải lưu lạc và tứ tán khắp năm Châu. Cứ y như thể là khi khổng khi không (cái) có mấy triệu con dân Việt, từ trên trời, rơi rớt tá lả xuống khắp mặt địa cầu. Đảng chỉ tiện tay gom thành đống, và vo lại thành cục – y như cục bột – rồi muốn nặn tròn hay bóp méo thế nào thì tuỳ thích!
Đời đâu có dễ sống dữ vậy, mấy cha? Đâu có bịp thiên hạ hoài được! Cái thời Lê Văn Tám, và Địa Đạo Củ Chi đã qua rồi. Những màn múa rối, kiểu Đại Hội Việt Kiều (e) cũng không nên tiếp tục. Càng dài nó lại càng dở, và càng thêm lố bịch thôi.
Leave a Comment