Một trong những vị cố vấn kinh tế cho Tổng thống đắc cử Donald Trump là giáo sư Peter Navarro, ông cũng là tác giả cuốn sách Death by China (Chết bởi Trung Quốc) mà chính ông Trump từng nói là rất thích. Liệu nếu được tiếp tục chọn trong vai trò cố vấn kinh tế GS Navarro có thể giúp gì cho Tổng thống đắc cử Trump trong chính sách với Trung Quốc? Mặc Lâm phỏng vấn TS kinh tế Trần Diệu Chân người dịch tác phẩm Chết bởi Trung Quốc của GS Navarro và có cơ hội làm việc rất gần gũi với ông để biết thêm về một góc quan điểm nào đó của vị GS khá được người Việt yêu mến này.
Chính sách với Trung Quốc sẽ như thế nào?
Mặc Lâm: Thưa TS, nếu GS Peter Navarro được TT đắc cử Donald Trump chọn vào Ủy ban tư vấn kinh tế cho Nhà trắng thì chính sách đối với Trung Quốc sẽ khác với chính phủ của TT Obama hay không và khác ở điểm nào?
TS Trần Diệu Chân: Trước hết, xin cám ơn anh và đài đã cho tôi cơ hội chia sẻ về GS Peter Navarro, tác giả cuốn sách “Death by China” mà tôi đã dịch ra tiếng Việt năm 2012 với sự cho phép của tác giả. Không ngờ, ông lại trở thành cố vấn kinh tế cho ứng viên tổng thống – và bây giờ là Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump. GS Navarro, ông Lawrence Kudlow và Stephen Moore là ba nhà cố vấn kinh tế có ảnh hưởng nhất trong một ủy ban 14 người, mà theo các nhà bình luận thì GS Navarro, người duy nhất có bằng tiến sĩ kinh tế, có vẻ được ông Trump lắng nghe nhất về quan điểm bảo hộ mậu dịch và chống Trung Cộng gay gắt của ông. Do đó, có xác suất cao là GS Navarro sẽ trở thành cố vấn tối cao về kinh tế trong nội các của TT Đắc Cử Donald Trump.
Những điều mà tôi biết về GS Navarro qua quyển sách “Chết bởi Trung Quốc”, thì đúng là ông đã có ảnh hưởng lớn, nếu không nói là chính và toàn bộ lên ông Trump khi lên án Trung Quốc nặng nề vì đã cướp đi công ăn việc làm của người Mỹ và thao túng tiền tệ. Điều thú vị mà tôi được biết là chính ông Trump cũng tiết lộ ông rất thích quyển Death by China.
Chính sách mậu dịch của ông Trump đối với Trung Quốc chắc chắn là không thân thiện và cởi mở bằng chính sách hiện nay của TT Obama, thí dụ quan thuế đánh trên các mặt hàng nhập cảng từ Trung Quốc sẽ cao hơn, đặc biệt thuế chống phá giá trên một số các mặt hàng.
Tuy nhiên, có hai điểm về vị TT Đắc Cử của Hoa Kỳ mà chúng ta cần ghi nhớ, đó là trong lúc ông tranh cử thì có rất nhiều tuyên bố mạnh mẽ, tới độ gay gắt, cực đoan, nhưng sau khi đắc cử thì đã bắt đầu dịu giọng trong nhiều vấn đề, có những chính sách mà ông tuyên bố hùng hồn trước khi đắc cử, nay đã xoay ngược 180 độ. Thực tế ra sao, phải đợi một thời gian mới rõ. Nhưng một điều chắc chắn là một thương gia thành công và nổi tiếng là thích thương lượng, thì ông Trump chắc sẽ không ngần ngại ký kết những thỏa ước có lợi cho Hoa Kỳ bất kể những tuyên bố chống đối nẩy lửa thời tranh cử.
Mặc Lâm: Với cái nhìn của bà thì kinh nghiệm về Trung Quốc của GS Navarro sẽ ảnh hưởng tới vấn đề gì mà nước Mỹ quan tâm nhất trong chính sách đối với Trung Quốc?
TS Trần Diệu Chân: GS Navarro và ông Trump cho rằng: Toàn cầu hóa và mậu dịch là căn nguyên của những khó khăn kinh tế tại Hoa Kỳ, khiến người dân mất công ăn việc làm khi sản xuất bị đưa ra ngoại quốc – outsourcing tới những quốc gia có giá nhân công rẻ như Trung Quốc, Mễ Tây Cơ và các quốc gia Á Châu như Việt Nam, Philippines, Cam Bốt … Đặc biệt Trung Quốc vừa là trung tâm thu hút công ăn việc làm của người Mỹ, vừa là một đối tác mậu dịch xấu, không tôn trọng luật chơi công bằng, thao túng tiền tệ và đưa đến tình trạng thâm thủng mậu dịch nặng nề cho Hoa Kỳ.
Với cái nhìn này, ông Trump đã chủ trương chính sách bảo hộ mậu dịch nhằm giữ chặt công việc ở lại Hoa Kỳ qua phương thức áp đặt thuế xuất nhập khẩu cao đối với các mặt hàng sản xuất ở hải ngoại rồi nhập lại vào bán tại Hoa Kỳ. Ông Trump cũng dọa áp dụng mức thuế quan 45% – cao gấp 10 lần mức hiện tại – đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này. Do đó, lời đe dọa của ông Trump đã tạo ra sự quan ngại to lớn cho đối tác Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn họ đang phải đương đầu với thời kỳ khó khăn kinh tế. Thêm vào đó, chính sách bảo hộ mậu dịch của ông Trump cũng tạo ra sự quan ngại cho toàn vùng Á Châu lẫn Âu Châu về những ảnh hưởng kinh tế và chính trị dây chuyền trên thế giới.
Tuy nhiên, điều mà nước Mỹ quan tâm nhất đối với Trung Quốc trong chính sách kinh tế là đem lại công ăn việc làm cho những thành phần cử tri ủng hộ cho ông Trump đang bị thiệt thòi về kinh tế trong những vùng Rust Belt như Illinois, Indiana, Michigan, Ohio, Pennsylvania thì theo tôi, chưa hẳn là do những chính sách kinh tế đối với Trung Quốc, mà có khi lại đạt được nhờ tình hình kinh tế đang phát triển hiện nay, do TT Obama để lại và TT Trump được thừa hưởng. Tương tự như thời kỳ chuyển tiếp từ TT Bush cha sang TT Clinton, miễn là phải tạo được sự ổn định trong xã hội, trong guồng máy kinh tế và niềm tin của người dân.
Hiểm họa “con rồng đỏ tim đen Trung Cộng”
Mặc Lâm: Trong lúc chuyển ngữ cuốn “Chết bởi Trung Quốc” bà có thời gian tiếp xúc và bàn bạc với GS Navarro rất nhiều, theo bà thì ông ấy quan tâm tới vấn đề nào nhất trong tất cả các nguy cơ mà GS đã chỉ ra trong cuốn sách này?
TS Trần Diệu Chân: Trong những dịp đàm đạo với GS Navarro và tham gia những buổi chiếu phim-hội thảo về cuốn sách cùng ông với Tiến Sĩ Greg Audry, đồng tác giả cuốn “Chết bởi Trung Quốc,” tôi thấy hai vị tác giả này đều là những người lý tưởng, có lòng, quan tâm đến đời sống khốn cùng của người dân Trung Hoa dưới ách thống trị hà khắc của tập đoàn đảng trị cộng sản Trung Quốc. Hai học giả tuy là giáo sư kinh tế, nhưng tôi tìm thấy ở họ một điểm chung lớn đó là trái tim của một nhà hoạt động, quan tâm đến nhân loại, nhân quyền, công lý, an toàn thực phẩm, bảo trì trái đất và chống lại những thế lực đen tham lam với dã tâm bành trướng như Trung Cộng. Quan tâm về công ăn việc làm của người Mỹ chỉ là thứ yếu trong toàn bộ những quan tâm của tác giả.
Hai ông đã viết quyển sách Death by China để báo động cho chúng ta về hiểm họa “con rồng đỏ tim đen Trung Cộng.” Với tài mô tả linh động và dữ kiện thuyết phục, hai ông đã cho chúng ta thấy rõ được sự đe dọa tiềm tàng của một con quái vật đang trổi dậy thực hiện mộng bá chủ, sẵn sàng xâm lăng thế giới bằng đủ mọi hình thức, từ kinh tế, chính trị, tới gián điệp, quân sự, giáo dục, tôn giáo v…v… Và tôi rất biết ơn hai ông, vì nhờ đọc quyển sách Chết bởi Trung Quốc mà tôi nhận ra chân tướng nguy hiểm của chế độ này, và đã tình nguyện dịch quyển sách ra cho đồng bào chúng ta cùng rõ.
Mặc Lâm: Cá nhân của GS Navarro có quan tâm đến Việt Nam hay không và theo bà ông ấy sẽ cố vấn thế nào về vấn đề nhân quyền với chính phủ Trump đi kèm với những thỏa thuận kinh tế mà ông Trump có khuynh hướng co cụm lại thay vì mở ra với thế giới qua chính sách bảo hộ mậu dịch?
TS Trần Diệu Chân: Tuy GS Navarro không nói đến Việt Nam trong cuốn Death by China, nhưng tôi tin là ông rất quan tâm đến đất nước chúng ta, vì ông rất hiểu các chế độ cộng sản, và vì thế mà ông đã vui vẻ cho phép tôi dịch quyển sách của ông để loan tải không hề tính bản quyền, và đã mời tôi cùng sinh hoạt trong những buổi chiếu phim.
Tôi cũng chưa có dịp liên lạc lại với GS Navarro để chúc mừng ông trong vị trí cố vấn kinh tế cho ứng viên TT Donald Trump. Tuy nhiên, nếu có dịp sau này, tôi sẽ chia sẻ hai quan tâm của tôi về chính sách bảo hộ mậu dịch của TT Đắc cử Donald Trump, đặc biệt có liên quan đến tình hình Việt Nam của chúng ta.
Thứ hai, chính vì những quan tâm về nhân quyền và công lý, Hoa Kỳ cần phải tham gia hơn nữa vào các hoạt động chung của thế giới, không thể tạo ra khoảng trống chính trị và kinh tế trong khu vực Á Châu để Trung Quốc tự do tung hoành.
Khi Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP, thu mình lại, giảm can thiệp là cơ hội cho những thế lực đen như Trung Quốc và Nga vùng dậy.
Mặc Lâm: Xin cám ơn Tiến sĩ.
Leave a Comment