Trong tiếng Anh, nạn “bắt nạt” trên mạng xã hội được gọi với cụm từ “cyber bullying.” Đây là một vấn đề gây tranh cãi tại Mỹ khi Internet phát triển rộng rãi và các thiết bị công nghệ ngày càng tiên tiến hơn. Những thông tin, lời nói trên mạng xã hội là ảo nhưng tác động trực tiếp của chúng đến con người là thật. Nếu hành vi “bắt nạt” được thực hiện bằng tay chân trong đời thật chỉ xảy ra trong 1 khoảng thời gian nhất định thì “bắt nạt” trên mạng xã hội kéo dài suốt ngày đêm. Định nghĩa của “cyber bullying” là: “Những hành động cử chỉ cố tình tấn công của một cá nhân hay một nhóm qua các thiết bị điện tử, lặp đi lặp lại nhiều lần đối với nạn nhân – người không có khả năng chống đỡ.” Có thể chúng ta không nhận ra nhưng trong những ngày gần đây, liên tiếp các sự kiện nóng đều bắt nguồn từ hành động “bắt nạt” trên mạng xã hội.
Việc “ném đá cộng đồng” đang ngày trở thành một thói quen của giới trẻ trên mạng xã hội và nguyên nhân sâu xa xuất phát từ mặc cảm tự ti. Việc chê bai người khác được sử dụng như một phương cách để khoe mình giỏi giang hơn người khác. Người xem không quan tâm đến việc cô gái trong Ai là triệu phú học tiếng Nhật giỏi như thế nào, làm ở công ty lớn ra sao mà tập trung xoi mói sự ẩu đoảng, vụng về vì “con gái mà không biết nấu ăn.” Tâm lý tự ti đó được hình thành ngay từ trên ghế nhà trường khi hầu hết học sinh Việt không dám nói những gì mình nghĩ và đặt câu hỏi vì sợ mình bị lạc lõng, khác biệt và bị chê cười. Trớ trêu thay, càng sợ hãi lại càng giấu giếm sự thiếu hiểu biết của mình, càng trở nên tự ti và cố gồng mình chứng tỏ bằng cách dìm người khác xuống. Cảm giác đó lan nhanh và rộng như một bệnh dịch. Một xã hội mà phần đông không khi nào tự thừa nhận sự yếu kém của bản thân vì nhìn đâu cũng thấy người giống mình thì không thể nào phát triển được. Trong thập niên 1960, thu nhập trung bình của một người Hàn khoảng 1.000 đôla/1 năm, tính đến năm 2015, con số đó tăng lên 25.000 đôla, trong khi thu nhập trung bình tính theo đầu người tại Việt Nam hiện nay là 1.900 đôla. Vì không một người Việt nào dám hỏi làm thế nào để kiếm được 2.000 đôla/tháng nên Việt Nam đến giờ vẫn chưa thoát khỏi hình ảnh một đất nước chậm phát triển bậc nhất thế giới.
Leave a Comment