Tin từ BHXH (Bảo hiểm xã hội) Việt Nam cho hay tính đến cuối tháng 10/2016, doanh nghiệp đang nợ tiền BHXH lên tới trên 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên nói một cách công bằng, BHXH đang là gánh nặng quá lớn đối với nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh năng suất lao động rất thấp, tỷ lệ đóng quá cao, chứ không hẳn doanh nghiệp nào cũng có ý đồ xấu hay coi thường pháp luật.
Tỷ lệ đóng của doanh nghiệp quá cao
So với nhiều nước và ngay trong khối ASEAN, Việt Nam đang có mức đóng BHXH cao nhất. Dù chưa tính khoản phí công đoàn 3%, chúng ta đang quy định đóng ở mức 32,5% mức lương tháng, trong đó doanh nghiệp đóng 22%, người lao động đóng 10,5%. Trong khi Malaysia chỉ đóng BHXH 13%, Philippines 10%, Indonesia 8%… Tỷ lệ đóng BHXH giữa doanh nghiệp và NLĐ (người lao động) cũng khác nhau rất xa. Nhiều nước quy định doanh nghiệp và NLĐ đóng bằng nhau mỗi bên 50%. Đây là những thông tin do Phòng thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) mới đưa ra gần đây.
BHXH Việt Nam thường nêu lý do VN đóng cao thì NLĐ sẽ được hưởng lương cao khi về hưu. Nhưng theo tôi điều này là không thuyết phục, vì chúng ta chỉ nhìn mục tiêu một cách duy ý chí, mà không đánh giá đúng thực trạng và khả năng đóng BHXH của doanh nghiệp hiện nay. Tình trạng nợ BHXH ngày càng tăng không đơn giản chỉ là do duy nhất phía doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác.
Chỉ riêng việc DN (doanh nghiệp) phải đóng BHXH cao như hiện nay và hoạch toán vào giá thành, đã khiến giá thành sản phẩm sản xuất tại VN tăng cao, làm giảm sức cạnh tranh. Doanh nghiệp sẽ càng khó khăn hơn. Tại sao và căn cứ vào đâu, mà VN quy định DN phải đóng BHXH cao gấp đôi NLĐ? Điều này có lẽ cần được xem xét, đánh giá lại. Theo tôi biết, đã có ý kiến đề nghị giảm mức đóng BHXH của DN để tăng sức cạnh tranh cho DN Việt Nam.
Đóng nhiều nhưng hiệu quả kém do năng suất lao động quá thấp
Theo quy định hiện nay, người lao động làm việc tại doanh nghiệp bắt buộc phải tham gia BHXH, không có ngoại lệ nào cả. Giả sử một công nhân làm việc có mức lương 6 triệu đồng/tháng (đủ sống ở mức cơ bản tối thiểu tại khu vực TP.HCM), thì hàng tháng DN sẽ phải đóng hơn 1,3 triệu đồng và NLĐ đóng 600 ngàn đồng. Như vậy, số tiền DN thực tế chi ra cho một NLĐ là 7,3 triệu đồng (gồm trả lương và đóng BHXH). Điều này cho thấy gánh nặng của DN rõ ràng là rất lớn.
Với chi phí phải trả như vậy, đòi hỏi NLĐ phải tạo ra một giá trị sản phẩm tối thiểu tương đương khoảng 9 triệu đồng/tháng, thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại được. Một DN có 100 lao động với mức lương như trên, thì quỹ lương (bao gồm cả đóng BHXH) đã lên tới gần 1 tỷ đồng. Càng nhiều NLĐ, thì áp lực và số tiền phải đóng BHXH rất cao. Chính điều này cho thấy để có thể đóng BHXH, DN bắt buộc phải cắt giảm lao động ở mức thấp nhất, cùng đó là năng suất của người lao động phải cao.
Thế nhưng, thực tế thật phũ phàng khi hiện nay năng suất lao động của VN đang rất thấp. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra gần đây, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Singapore tới gần 16 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Hay nói khác đi, phải 10 người Việt mới làm bằng một người Hàn Quốc. Tức là giả sử tỷ lệ đóng BHXH giữa Hàn Quốc và VN là giống nhau đi nữa, thì rõ ràng DN Việt Nam đang phải chịu áp lực đóng BHXH cao gấp nhiều lần so với DN các nước khác, do năng suất lao động quá thấp.
Năng suất lao động thấp kém như vậy rõ ràng không phải là lỗi và cũng không nằm trong khả năng của doanh nghiệp.
Giải đáp: cần thay đổi từ nhiều phía và mất nhiều thời gian
Trước thực trạng nợ BHXH như hiện nay, các cấp có thẩm quyền nhà nước thường nêu quan điểm theo hướng chỉ trích, quy kết hết mọi trách nhiệm cho DN. Như: cố tình chiếm đoạt tiền BHXH của NLĐ, coi thường pháp luật.
Về mặt pháp luật, có xu hướng tăng nặng chế tài. Thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự ở mức rất nặng. Chẳng hạn theo điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015 (chưa có hiệu lực thi hành) quy định về tội trốn đóng BHXH, chỉ cẩn DN không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ 6 tháng trở lên, với số tiền nợ trên 50 triệu đồng là người chủ đã có thể bị phạt tù.
Theo tôi, những quy định quá nghiêm khắc như vậy, trong bối cảnh như nói trên, chưa chắc đã tốt, mà có thể như còn dao hai lưỡi, khiến giới doanh nhân, doanh nghiệp “sợ hãi” mà giảm quy mô sản xuất, cắt giảm lao động. Hay tệ hơn nữa là thay vì đầu tư tạo công ăn việc làm cho xã hội thì lại rút khỏi kinh doanh, chọn an toàn. Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, xã hội.
Dù hoàn toàn không nghi ngờ hay phản đối ý nghĩa tích cực của BHXH, nhưng tôi vẫn cho rằng BHXH bắt buộc toàn diện là chuẩn mực của một xã hội, của một nền kinh tế đã phát triển ở mức độ cao. Thực trạng kinh tế xã hội ở Việt Nam hiện chưa đạt tới tầm mức có thể thực hiện hay áp đặt một cách tuyệt đối những mục tiêu và quy định như pháp luật đưa ra hiện nay.
Chúng ta không nên tuyệt đối hóa việc tham gia BHXH như là con đường, giải pháp sống duy nhất cho người dân nói chung, người lao động nói riêng khi về già. Mà nên có những giải pháp trung gian, đa dạng và linh hoạt hơn.
Về giải pháp, theo tôi cần tổng thể và có thời gian. Chẳng hạn như:
– Giảm tỷ lệ đóng BHXH đối với DN. Linh hoạt giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện. Thậm chí có những quy định mở như: cho phép thỏa thuận giữa DN và NLĐ về BHXH (mức đóng, hình thức đóng, tỷ lệ đóng, nội dung đóng…vv). Vì suy cho cùng, tham gia BHXH đang được hiểu là nghĩa vụ, nhưng bản chất chính là quyền lợi của NLĐ. Đã là quyền lợi, thì sao lại quá cứng nhắc, tạo sức ép quá lớn cho DN.
– Khuyến khích và hỗ trợ DN tăng năng suất lao động thông qua việc đầu tư máy móc, công nghệ, đào tạo nghề… Nhìn xa hơn, là nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề. Đây là trách nhiệm của Nhà nước.
Ngoài ra, tuy là gián tiếp, nhưng cần phải tinh giảm bộ máy cồng kềnh của BHXH Việt Nam. Công khai minh bạch về quỹ BHXH (thu chi như thế nào? thực trạng hiện nay?…) Việc này là rất quan trọng, để NLĐ và DN có thêm sự tin tưởng vào việc đóng BHXH.
Leave a Comment