***
Cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2016 – trao cho Đảng Cộng hòa quyền kiểm soát vị trí tổng thống, Thượng viện, và Hạ viện – ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống kiểm soát và cân bằng (checks and balances) vốn được ca ngợi và được đặt ra trong hiến pháp nước này? Theo tôi, nó gần như đã loại bỏ hệ thống này.
Đa số này có thể làm xói mòn hệ thống kiểm soát dân chủ, như từng xảy ra với vấn đề giới hạn tài trợ vận động tranh cử vốn từng bị giáng một đòn mạnh bởi quyết định trong vụ Citizens United vào năm 2010. Với đa số 5–4 , Tối cao Pháp viện ra phán quyết rằng doanh nghiệp là “hiệp hội của các cá nhân,” và do đó bất cứ giới hạn nào về số tiền mà doanh nghiệp có thể chi cho các chiến dịch chính trị đều vi phạm quyền tự do ngôn luận được quy định trong Tu chính án thứ nhất.
Các hệ thống kiểm soát và cân bằng do các tiểu bang tạo ra cũng sẽ không tránh khỏi tổn hại. Quả thật, với sự sắp xếp đảng phái mới ở cấp độ tiểu bang – hiện Đảng Cộng hòa đã kiểm soát tỷ lệ cao nhất trong lịch sử là 68 trên 99 cơ quan lập pháp tiểu bang và 33 trên 50 thống đốc bang – khả năng các tiểu bang sẽ thách thức chính phủ liên bang đã giảm đáng kể.
Điều này có những tác động dài hạn. Từ năm 2013, khi một phán quyết khác của Tối cao Pháp viện làm suy yếu Đạo luật Quyền Bầu cử, nhiều, nếu không nói là đa số tiểu bang nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở lưỡng viện, đã ban hành các đạo luật và quy định hạn chế bầu cử. Những quy định như vậy bao gồm việc giảm số lượng địa điểm bỏ phiếu ở những nơi đông người thiểu số; yêu cầu giấy tờ tùy thân có ảnh, ví dụ như bằng lái xe, thứ mà nhiều người thiểu số không có; đồng thời bãi bỏ cả thủ tục đăng ký rồi bỏ phiếu cùng ngày lẫn bỏ phiếu vào Chủ nhật, vốn lâu nay phổ biến với các nhóm thiểu số.
Một thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang đã bác bỏ đạo luật kiểu này ở North Carolina do nó triệt tiêu tỷ lệ cử tri người Mỹ gốc Phi đi bầu với “độ chuẩn xác gần như tuyệt đối.” Nhưng nếu Đảng Cộng hòa bổ nhiệm nhiều thẩm phán hơn thì những hành động kiểm soát như vậy sẽ trở nên hiếm hoi. Và nếu việc đàn áp cử tri giúp Đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát nhiều viện lập pháp tiểu bang hơn thì nhiều đạo luật như vậy hơn sẽ được ban hành.
Có lý do để hy vọng: nguồn luật tối hậu của các hệ thống kiểm soát và cân bằng là hiến pháp Hoa Kỳ, thể chế dân chủ khó thay đổi nhất trong tất cả. Việc sửa đổi hiến pháp bằng lộ trình thông thường, bên cạnh các quy định khác, còn đòi hỏi một đại đa số gồm hai phần ba trong cả Hạ viện lẫn Thượng viện, nơi mà Đảng Cộng hòa chưa hề đạt được sự thống trị như vậy.
Một lộ trình khác để sửa đổi hiến pháp là phiếu bầu của hai phần ba cơ quan lập pháp tiểu bang (34 trên 50 tiểu bang) đề nghị Quốc hội tổ chức hội nghị lập hiến, sau đó hội nghị này đề xuất một tu chính án và nó sau đó sẽ được phê chuẩn bởi ba phần tư số cơ quan lập pháp tiểu bang hoặc các hội nghị tiểu bang. Trong lịch sử nước Mỹ chưa một tu chính án nào được thông qua theo lộ trình này. Tuy nhiên, dù Đảng Cộng hòa sẽ cần giành quyền kiểm soát thêm ít nhất ba hoặc bốn cơ quan lập pháp tiểu bang nữa nhằm tạo ra một nỗ lực khả dĩ, khả năng họ có thể theo đuổi một chiến lược như vậy sẽ khiến người dân lo lắng hơn trên thực tế.
Trừ trường hợp một tu chính án hiến pháp được thông qua, nước Mỹ hiện đang được bảo vệ trước một số lời hứa hẹn tranh cử kinh hoàng nhất của ông Trump. Những đề xuất như hạn chế người nhập cư trên cơ sở tôn giáo là vi hiến. Các đề xuất gây hại khác có thể sẽ bị Đảng Dân chủ filibuster tại Thượng viện, nơi Đảng Cộng hòa không có đủ 60 phiếu cần thiết để có thể ngăn cản họ.
Chắc chắn, thủ thuật filibuster có thể sẽ bị bãi bỏ khi phiên họp Thượng viện 2017–18 bắt đầu. Nhưng các lãnh đạo Đảng Cộng hòa cần phải lo nghĩ về một tương lai khi mà họ ở vị trí đối lập và muốn sử dụng filibuster. Tuy nhiên, nếu thực hiện bước đi này, họ sẽ làm giảm đáng kể quyền lực đối lập của Đảng Dân chủ trong vài năm tới.
Về chính sách đối ngoại, Hoa Kỳ luôn có vài biện pháp kiểm soát tổng thống, dù một số hạn chế bên ngoài cũng có thể được áp dụng. Chẳng hạn, Trump không thể thực hiện lời hứa tranh cử là lập tức bãi bỏ thỏa thuận khí hậu Paris – một thỏa thuận quốc tế ràng buộc về mặt pháp lý tất cả các bên tham gia ký phải tôn trọng ít nhất trong thời gian bốn năm. Tuy nhiên, ông vẫn có thể làm suy yếu nó, ví dụ như bằng cách nói với những nước như Ấn Độ rằng Mỹ sẽ không thực hiện các cam kết của mình.
Tuy nhiên, về chính sách đối nội, Trump sẽ có rất nhiều đất diễn. Dễ bị ảnh hưởng nhất là Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Obamacare), chính sách cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho 20 triệu công dân trước đây không có bảo hiểm. Ngoài ra, các cải cách tài chính Dodd-Frank năm 2010 với mục tiêu kiểm soát ngân hàng cùng nhiều thể chế tài chính “quá lớn để có thể sụp đổ” khác cũng có nguy cơ bị đảo ngược.
Sự tồn tại các lựa chọn thay thế hấp dẫn là hình thức quan trọng nhất nhằm kiểm soát các nhà chính trị dân túy có khuynh hướng chuyên chế vốn giành được quyền lực thông qua phiếu bầu. Đến kỳ bầu cử tổng thống kế tiếp, các cử tri Mỹ, giống như các cử tri Anh từng bỏ phiếu ủng hộ Brexit, có thể sẽ trải qua cảm giác hối tiếc. Nhưng chỉ như vậy thì chưa đủ; các lựa chọn thay thế hấp dẫn và đáng tin cậy phải được hình thành.
Alfred Stepan là giáo sư ngành Quản trị công tại Đại học Columbia.
– See more at: http://nghiencuuquocte.org/2016/11/30/dang-cong-hoa-co-thao-
Leave a Comment