Báo chí Việt Nam một lần nữa đưa tin hàng triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh gặp khó khăn trong việc nhập hộ khẩu do những thủ tục liên quan đến quy định diện tích nhà ở bình quân. Bài toán này rõ ràng là rất cũ, nhưng cho đến nay cơ quan chức năng vẫn loay hoay ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Ở góc độ luật pháp, nhìn nhận một cách khách quan, quản lý theo hộ khẩu là phân biệt đối xử theo nhóm người, vi phạm quyền bình đẳng và tự do cư trú của công dân. Những quyền lợi này được quy định rõ ràng trong Hiến pháp của Việt Nam. Điều này khiến người nhập cư chịu thiệt thòi rất lớn. Một chuyện cười ra nước mắt là đủ tiền mua nhà ở Sài Gòn, nhưng phải chờ đến ít nhất là 2 năm để có thể được xem là “người Sài Gòn” theo quy định (vì phải chờ có hộ khẩu). Trong khi đó, tờ giấy hộ khẩu lại liên quan đến hàng tá thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân trong vấn đề xin việc làm, chuyện ăn học của con cái, phúc lợi xã hội, y tế công cộng, hay ngay cả chuyện đăng ký điện nước, Internet hay mua xe máy.
Một tác hại nữa của việc quản lý dân theo hộ khẩu là tạo khoảng trống cho các hành vi phạm pháp, nhất là các hành vi hối lộ hay đăng ký hộ khẩu ảo. Ví dụ gần đây, báo Đời sống Pháp luật đăng tin có những đường dây chạy hộ khẩu lên đến 45 triệu đồng/người. Đó là chưa kể những nguy cơ quan liêu, cửa quyền, làm khó với dân từ các bộ phận quản lý hành chính. Ngoài ra, một người dân có thể đăng ký hộ khẩu chỗ này, rồi đến khu vực khác để phạm tội làm khó ngành chức năng trong việc điều tra nhân thân.
Ví dụ như tại Úc, người dân chỉ cần đăng ký thường trú tại một ngôi nhà (có đủ diện tích tối thiểu) được chủ nhà cho phép với thông tin được đăng ký một lần tại địa phương thường trú là xong. Họ có đầy đủ quyền lợi như một công dân ở địa phương đó. Tại các nước EU cũng tương tự, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân không dựa vào thứ gọi là hộ khẩu như ở Việt Nam, mà là bình đẳng theo quy định chung của pháp luật địa phương và pháp luật quốc gia. Thậm chí chỉ cần bằng lái xe là người dân (không phân biệt là dân địa phương hay nhập cư) cũng có thể sử dụng cho các giao dịch công, các giao dịch dân sự vì thông tin đã được mã hóa và có thể truy cập ở bất kỳ nơi nào trên toàn quốc. Nghĩa là, không có hiện tượng người có hộ khẩu hay không có hộ khẩu với những phân biệt đối xử như tại Việt Nam.
Mục đích của Việt Nam trong việc duy trì quản lý hộ khẩu được giới chính quyền cho là để quản lý nhập cư từ vùng quê lên thành phố lớn. Tuy nhiên làn sóng di cư đó vẫn không dừng, cũng không có dấu hiệu thuyên giảm. Ngược lại hộ khẩu đang làm “á khẩu” hàng triệu dân trong suốt nhiều năm qua. Việc giảm tải nhập cư phải được giải quyết bằng các biện pháp kinh tế, ví dụ như phân phối các nguồn lực đầu tư xã hội; phân phối hệ thống hạ tầng và đầu tư; đánh thuế và phí sử dụng các dịch vụ tại thành phố lớn,… chứ không thể dùng biện pháp quản lý theo hộ khẩu cũ kỹ, lạc hậu gây khó cho dân.
Leave a Comment