Formosa: Thảm họa không riêng ai
Thảm họa biển Miền Trung do Formosa đầu độc biển đã hơn nửa năm, một vùng biển rộng lớn không chỉ bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế bị ảnh hưởng như nhà cầm quyền Việt Nam xác định.
Với hàng trăm tấn chất độc và cực độc thải xuống biển Vũng Áng, chất độc đã theo dòng nước đại dương đi khắp nơi từ miền Trung đến miền Nam và ra Bắc. Chẳng ai có thể buộc dòng nước không được mang các chất độc hại đi từ biển Hà Tĩnh sang biển Nghệ An để ra biển Thanh hóa rồi lên phía Bắc.
Không ai có thể chỉ bắt dòng nước chảy vào mà không được chảy ra, cũng không có “nghị quyết nào của đảng” buộc đàn cá không được di chuyển từ vùng biển độc đến chỗ biển sạch.
Vì thế, việc nhà cầm quyền Việt Nam chỉ khoanh vùng xác định đền bù cho nạn nhân biển của 4 tỉnh là điều hết sức vô lý.
Đó là một thực tế không thể chối cãi.
Lẽ ra, trước thảm họa môi trường Biển Miền Trung, nhà nước cần có những hành động khẩn cấp nhằm đảm bảo sức khỏe và tính mạng người dân bằng cách khoanh vùng, kiểm tra độ độc tố ở môi trường, xác định rõ ràng giới hạn của việc đánh bắt, chế biến hoặc sử dụng hải, thủy sản.
Mặt khác, bằng mọi cách trên cơ sở pháp luật bắt kẻ thủ ác đứng ra chịu trách nhiệm và đền bù cho người dân, cho đất nước và dân tộc này đã bị đầu độc không những hiện tại mà tương lai lâu dài, không chỉ sức khỏe, tính mạng của họ hiện nay mà cả công ăn việc làm mai sau…
Thế nhưng, hành động của nhà cầm quyền đã là những chuỗi hành động ngược lại.
Trong khi đó, nhà nước cố tình chây ỳ và lấp liếm tội ác phá hủy môi trường của Formosa bằng cách không công bố rõ ràng thông tin về sự an toàn của biển, ngược lại tổ chức xúi người dân tắm biển, ăn cá nhiễm độc… thì đó là sự lừa đảo người dân và coi rẻ tính mạng của họ.
Đó phải chăng là thái độ hết sức vô trách nhiệm trước tính mạng và sức khỏe người dân cũng như sự tồn vong của nòi giống Việt?
Người ta chỉ thấy những lời nói, hành động khuyến khích người dân ăn cá nhiễm độc, tắm biển nhiễm độc từ các quan chức nhà nước từ Hà Tĩnh vào đến Đà Nẵng. Thậm chí khi có thông tin đàn gà ăn cá biển bị lăn quay ra chết vì nhiễm độc, liền được nhà chức trách giải thích hài hước đến tột cùng: “Gà chết do ăn… quá no”?
Thậm chí, khi Formosa buộc phải nhận lỗi, thì chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng đàm phán với tập đoàn gây tội ác này trên lưng và nỗi đau, tính mạng của người dân để nhận 500 triệu đola?
Cơn cớ nào, để chính phủ Việt Nam nhanh nhẩu mua bán với Formosa trên thảm họa của người dân? Trong khi họ chưa hề biết sự thiệt hại điêu đứng của người dân như thế nào và những hậu quả khủng khiếp như thế nào với người dân trong thảm họa này.
Tại sao một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài như bao doanh nghiệp khác, khi gây ra tội ác thì nhà cầm quyền Việt Nam lại ra đứng nhận đền bù thay cho họ.? Theo cổng thông tin điện tử đầu tư của Chính phủ về các dự án nước ngoài đầu tư ở Việt Nam thì “tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2016 cả nước có 2.240 dự án mới được cấp GCNĐT”. Đó chỉ là những dự án mới được cấp giấy phép. Như vậy tổng cộng có hàng vạn nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư khác nhau, liệu khi họ vi phạm luật pháp, chính phủ có đứng ra nhận đền bù thay họ được hết không?
Nhà cầm quyền Nghệ An đã làm gì cho dân?
Tại Nghệ An, cũng tương tự như ở 4 tỉnh miền Trung được nêu trên, những hậu quả của thảm họa môi trường Biển đã tác động hết sức lớn lao đến mọi thành phần nhân dân. Không chỉ những người bám vào nghề biển mất nghề đã đành, mà những người dân sống bằng các nghề nghiệp liên quan cũng ảnh hưởng hết sức nặng nề.
Nhiều cửa biển, bãi sông và nhiều khu vực biển từ Nghệ An, Thanh Hóa đã nhiễm độc, các chết hàng loạt đã xảy ra, nhiều khu du lịch như Cửa Lò, Sầm Sơn mùa hè vừa qua khách vắng tanh, thậm chí chỉ một số đến “ngắm biển” cho đỡ nhớ. Tình trạng đó đã dẫn đến thất thu rất lớn cho ngành du lịch, vận tải, dịch vụ và nhiều ngành khác nhau không chỉ ở 4 tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào.
Chúng tôi đã đến Cửa Lò những ngày hè năm nay, khi mà những cơn nắng nóng như đốt người, mọi năm người chen chúc trên biển từ sáng sớm đến tối mịt, thì những ngày đó ở Cửa Lò, khách sạn, nhà hàng vắng tanh vắng ngắt.
Về đời sống ngư dân và những người sống với biển, cho đến nay, nhiều khu vực ngư dân ở Nghệ An đã phải bỏ nghề đánh bắt và chế biến hải sản, làm muối cũng như các dịch vụ đi kèm…
Dù vậy, những ngư dân cũng như những người liên quan đến hậu quả của thảm họa đã không hề được nhắc đến và đền bù, dù họ có quyền đó.
Lẽ ra trước thảm họa môi trường ảnh hưởng đến người dân của mình, nhà cầm quyền Nghệ An phải ra sức bằng mọi cách giúp đỡ họ trong việc điều tra rõ ràng những thiệt hại mà người dân mình phải gánh chịu.
Lẽ ra, nhà cầm quyền Nghệ An phải là nơi cất tiếng nói đòi hỏi Formosa và bè lũ toa rập với chúng phải đền bù thỏa đáng cho người dân của mình, đồng thời buộc kẻ thủ ác phải làm sạch môi trường, trả lại đời sống yên lành cho người dân mình.
Lẽ ra, bộ máy chính quyền Nghệ An với những con người “ưu tú” “có tài, có đức” như những câu khẩu hiệu ra rả họ vừa tung ra trong dịp bầu bán vừa qua phải dùng “tài, đức” của mình để phục vụ người dân.
Thế nhưng, những động tác của các quan chức và hệ thống công quyền Nghệ An đã làm ngược lại.
Nhà cầm quyền đã không hề có động tác nào bảo vệ quyền lợi cho người dân của mình được hưởng những điều hiển nhiên họ được, không có một điều gì để người dân đỡ đau khổ trong thảm họa này.
Ngược lại, họ đã ra sức bưng bít và làm đủ mọi trò để làm ngơ trách nhiệm của mình trước những người dân đang một nắng hai sương đem mồ hôi sức lực và xương máu để nuôi chính họ.
Thay vì họ phải lên tiếng kêu cho người dân của mình đang bị bỏ rơi trong thảm họa, nhà cầm quyền Nghệ An đã bằng mọi cách, từ tinh vi đến thô bỉ ngăn chặn người dân kêu lên tiếng kêu uất nghẹn của mình.
Những vụ việc xảy ra ở Nghệ An thời gian qua cho thấy, họ đã không ngần ngại quay lưng lại với nỗi đau của không chỉ là đồng loại, mà chính là nỗi đau của ân nhân họ.
Hà Nội, ngày 30/11/2016
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Leave a Comment