Quảng Cáo

Bộ trưởng công thương sẽ là bị can trong các vụ xả đập thủy điện gây thiệt hại cho dân? (bài 1)

Trần Tuấn Anh và vợ trong vụ 'lấy xe công đón người nhà tận chân cầu thang máy bay'.

Quảng Cáo

(VNTB) – Với vụ Nhà máy thủy điện Hố Hô xả đập hồi trung tuần tháng 10-2016, ngay giữa cơn mưa bão, cho thấy các cảnh báo về sự an toàn của các hồ thủy điện đã hoàn toàn không được các đời bộ trưởng để tâm tới. Điều đó cho thấy cần thiết khởi tố vụ án hình sự liên quan đến “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

***

“Thủy điện gây hại có nên làm nữa không?” – câu hỏi này đã từng được đặt ra cho cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời” ngày 8/12/2013. Khi ấy, ông Vũ Huy Hoàng đã trả lời rất chung chung: “Chúng tôi cho rằng bằng các biện pháp thực tế, khắc phục triệt để những tác động xấu của thủy điện sẽ làm người dân hiểu và đồng tình với chủ trương phát triển thủy điện”.

“Tội đồ” Vũ Huy Hoàng

Căn cứ vào Điều 285 “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Bộ Luật Hình sự 1999, đã có thể xem xét trách nhiệm hình sự của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, và truy cứu trách nhiệm cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (và có thể là cả trách nhiệm của cựu bộ trưởng Đặng Vũ Chư, cựu bộ trưởng Hoàng Trung Hải) trong các vụ xả đập thủy điện gây thiệt hại cho người dân.

Bộ Công thương: xả lũ là phù hợp quy trình

Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra vận hành xả lũ của các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung từ ngày 13-10 đến ngày 16-10-2016. Báo cáo do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký.

Theo đó, từ ngày 16-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra công tác vận hành xả lũ, phòng chống lụt, bão tại Nhà máy thủy điện Hố Hô. Qua kiểm tra, Bộ Công Thương kết luận nhà máy đã cơ bản thực hiện thông tin, báo cáo về tình hình vận hành đập và thông tin xả lũ cho các cơ quan liên quan của địa phương. Tuy nhiên, việc thông tin vẫn còn một số tồn tại, khiếm khuyết.

Cụ thể, nội dung thông tin trong các văn bản chỉ nhắc lại tin cảnh báo mưa lớn do áp thấp nhiệt đới và thông báo tình hình vận hành của nhà máy; chưa thể hiện rõ nội dung cảnh báo xả lũ của công trình. Chưa có điện thoại chuyên trực và hệ thống ghi âm nên không lưu được nội dung thông tin, báo cáo qua điện thoại; các nhân viên trực phải dùng các điện thoại cá nhân để liên hệ.

Các nội dung cuộc gọi không được thể hiện bằng văn bản hoặc nhật ký để lưu trữ, theo dõi. Không có đầu mối thông tin, liên lạc dự phòng trong trường hợp đầu mối chính không liên lạc được; chưa có các giải pháp khác để thông tin, liên lạc khi một số cuộc gọi hoặc tin nhắn không được trả lời.

Về xử lý trách nhiệm các bên liên quan, Bộ Công Thương cho rằng Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn (Chủ đầu tư thủy điện Hố Hô) chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định về trách nhiệm thông tin, báo cáo. Thông báo gửi đến các cơ quan liên quan chưa đầy đủ nội dung, chưa phù hợp với tình huống vận hành công trình. Việc kiểm tra các hạng mục công trình trước mùa mưa lũ chưa chi tiết và khả thi; chưa đánh giá được các tình huống mất an toàn có thể xảy ra trong mùa mưa bão (như sạt vai đập, sạt lở đường vận hành vào nhà máy phương tiện cơ giới không vào được, hư hỏng đường lên đập).

Về chính quyền địa phương, Bộ Công Thương đánh giá, các địa phương sở tại chưa tổ chức diễn tập di dời, sơ tán nhân dân và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên sông thuộc hạ du thủy điện Hố Hô năm 2016. Phê duyệt phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du công trình chưa quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của các đơn vị tham gia ứng phó như Ban chỉ huy phòng chống thiên tai cấp huyện, xã và các tổ chức trên địa bàn; chưa quy định rõ chế độ thông tin, báo cáo. Việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống lũ lụt vùng hạ du nhà máy thủy điện Hố Hô chưa thực sự phù hợp với thông tin dự báo, cảnh báo lũ và thông báo xả lũ của công trình.

Từ đó, Bộ Công Thương kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh cần rà soát phương án chỉ huy, thực hiện công tác phòng, chống lũ lụt vùng hạ du công trình thủy điện Hố Hô đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về chế độ mưa lũ, năng lực các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn. Tổ chức khắc phục hậu quả do lũ lụt, bảo đảm điều kiện sinh sống và làm việc của người dân bị ảnh hưởng.

Bộ Công Thương sẽ xem xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn trong lĩnh vực an toàn đập. Trường hợp tái phạm sẽ xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực. Đồng thời, Bộ yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc chỉ đạo Công ty Cổ phần Thủy điện Hồ Bốn kiểm điểm nghiêm túc các tập thể, cá nhân liên quan.

Ở đây có sự mập mờ, dễ đánh tráo các khái niệm thông tin. Nếu đúng quy trình thì không thể có hàng loạt “tồn tại, khiếm khuyết” như nhận định trong báo cáo của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng. Nếu sai quy trình thì rõ ràng nhóm trực xả lũ phải bị xử lý hình sự theo Điều 99. “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”, với mức bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm của Bộ Luật Hình sự 1999.

Các “tồn tại, khiếm khuyết” có phải là nguyên nhân của thiệt hại do xả đập thủy điện?

Câu trả lời là “không”. Tất cả những tình tiết trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra vận hành xả lũ của các hồ thủy điện tại khu vực miền Trung từ ngày 13-10 đến ngày 16-10-2016, do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký, đều là những nội dung nhằm tránh né trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương. Vì trong trường hợp các “tồn tại, khiếm khuyết” mà Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng viện dẫn đều “không xảy ra”, thì chuyện Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả lũ trong đêm kinh hoàng 14-10-2016 vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Thứ Trưởng Hoàng Quốc Vượng trực tiếp bao che cho Thủy điện Hố Hô?

Ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô nói công ty đã xin lệnh xả và điều tiết lúc 20g ngày 13-10. Bốn tiếng sau đó, từ 0h đến 14h ngày 14-10, nhà máy luôn điều tiết ở tình trạng nước xả đi ít hơn nước về. Đến 18g45, lượng nước đổ về hồ là 1.800 m3/s, có lúc xấp xỉ gần 2.000 m3/s. Lúc đó trong lòng hồ nước đã dâng cao thêm, nước về nhanh nên nhà máy không thể giữ thêm, sợ sẽ bị tràn ngập, nên buộc phải xả. “Chúng tôi có thông báo tới ban phòng chống bão lụt các cấp như trong phương án phòng chống lũ lụt nhà máy thuỷ điện đã được tỉnh phê duyệt, không có trách nhiệm thông báo tới chủ tịch UBND huyện”, ông Hùng nói.

Ông Hùng nhìn nhận không xả không được, vì nếu vỡ đập thiệt hại sẽ gấp nhiều lần so với xả lũ.

Như vậy, trong khung thời gian ngắn ngủi chỉ vài tiếng vào ban đêm, giả dụ như mọi thông tin đều suôn sẻ, thì người dân nơi đây cũng không cách gì có thể tháo chạy kịp để tránh cơn lũ dữ từ Nhà máy thủy điện Hố Hô đang đổ ập xuống. Tuy nhiên viễn cảnh này đã được các nhà khoa học lường trước với các cảnh báo, khi mà hiện cả nước có khoảng 6.500 hồ đập thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ với hơn 65 tỷ mét khối nước “treo” trên thượng nguồn. Đây chính là những quả bom nước khổng lồ, và đe dọa an nguy của người dân mỗi khi mưa lũ về.

Không chỉ riêng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hay người tiền nhiệm là Vũ Huy Hoàng thờ ơ trước các cảnh báo, mà ngay cả lúc ông Hoàng Trung Hải ngồi vào ghế phó thủ tướng cũng đã phớt lờ mọi khuyến cáo, kể cả khi chứng kiến hàng loạt vụ xả đập thủy điện gây thiệt hại nhân mạng, tài sản của người dân.

Nói thêm, ông Hoàng Trung Hải được đào tạo chuyên môn về điện lực, từng là Tổng Giám đốc Điện lực Việt Nam, Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công thương.

Ông Hoàng Trung Hải (nay là ủy viên Bộ Chính Trị) cũng phải chịu trách nhiệm về các vụ xả đập giết sống dân

Giấy chứng nhận an toàn đập?

Báo chí đã rất bất ngờ khi vào sáng 20-9-2016, ông Ngô Việt Hải, Tổng giám đốc Tổng Công ty Phát điện 2 (chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), cho biết việc tích nước tại công trình thủy điện Sông Bung 2 là “đúng quy trình”.

Trả lời câu hỏi vì sao chưa có giấy chứng nhận an toàn đập nhưng lại cho tích nước, ông Ngô Việt Hải cho rằng việc có giấy chứng nhận an toàn đập là “hoang tưởng”. “Chúng tôi thực hiện theo nghị định 15 năm 2013 của Chính phủ, cái căn cứ quy định của UBND tỉnh Quảng Nam từ năm 2009 đã hủy bỏ lâu lắm rồi. Hiện nay không có công trình thủy điện nào có cái giấy chứng nhận này cả. Người ta thấy việc khẳng định an toàn đập là bất khả thi nên đã phủ định cái đó rồi. Bây giờ ai là người đánh giá an toàn đập và đánh giá bằng cái gì trong khi đó nghiệm thu từng hạng mục, nghiệm thu tổng thể có đầy đủ đã bảo đảm an toàn rồi?” – ông Hải nói.

Khoảng 16 giờ 25 ngày 13-9-2016, cửa van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 nặng 125 tấn bị cuốn trôi khi thủy điện này mới tích nước được 10 ngày. Hơn 25 triệu m3 nước trong hồ đổ xuống cuốn trôi anh Đặng Văn Tuyền (quê tỉnh Hải Dương, ngụ huyện Nam Giang) và anh Nguyễn Minh Luân (ngụ huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ). Ngoài ra, dòng nước đổ xuống đã cuốn trôi nhiều nhà dân cùng với tài sản và gây nên sự hoang mang lo lắng cho người dân địa phương.

Tạm kết:

Nếu sai quy trình thì rõ ràng nhóm trực xả lũ phải bị xử lý hình sự theo Điều 99. “Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.

Nếu xả lũ đúng quy trình, thì rõ ràng quy trình này đã tính toán sai khoa học, phải làm rõ xem ai lập, ai phê duyệt quy trình này mà cẩu thả thiếu trách nhiệm như vậy? Từ đó người lập và người phê duyệt quy trình này có thể bị xử lý hình sự về tội phạm về chức vụ theo Điều 285. “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đối mặt mức bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm.

Tóm lại là phải khởi tố điều tra hình sự, vì đã có dấu hiệu của tội phạm rồi (có hậu quả nghiêm trọng và dấu hiệu trách nhiệm của con người).

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux