Ngày 25/11/2016, lãnh tụ cộng sản Cuba, Fidel Castro qua đời ở tuổi 90. Ngoại trừ, Gorbachev, người đã khai tử chế độ Liên Bang Sô Viết, ông Castro là lãnh tụ Cộng sản cuối cùng còn sót lại từ thời Chiến tranh Lạnh. Cái chết của Fidel Castro đánh dấu sự chấm dứt phong trào nhà nước “Xã Hội Chủ Nghĩa“, theo mẫu mực nhà nước Sô Viết, do Lenin và Stalin tạo dựng từ năm 1922 sau cuộc Cách mạng Bolshevik tại Nga năm 1917.
Giống như Lenin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, lãnh tụ Cuba – Fidel Castro – xuất thân từ gia đình trí thức tiểu tư sản. Khác hơn một ít, cha của Castro là một thuộc thành phần tư bản, làm chủ một trang trại và hãng sản xuất đường tại Cuba. Giống như Stalin, Fidel Castro được giáo dục khai minh từ trường dòng Công giáo. Cuối cùng, cũng giống như tất cả các lãnh tụ Cộng sản đã chết hay đương thời, Fidel Castro lợi dụng chủ nghĩa Cộng sản và nhà nước Sô Viết toàn trị để duy trì tham vọng quyền lực cá nhân.
Trong giai đoạn thế giới khủng hoảng 2 cuộc thế chiến đến từ hậu quả cáo chung giai đoạn xâm chiếm thuộc địa của các cường quốc Tây phương, chủ nghĩa Cộng sản hoang tưởng đã được các nhà trí thức trẻ lãng mạn, bất phùng thời thổi phồng và lôi cuốn tầng lớp nông dân thiếu kiến thức tại Nga hay những người dân thuộc địa thiếu thông tin đang háo hức đòi độc lập.
Fidel Castro cùng em trai Raoul, và “người bạn chiến đấu Mỹ Châu La tinh”, Che Guévara đã tận dụng sự bất mãn với tàn tích chế độ thuộc đia của dân chúng Cuba với khẩu hiệu “Chủ Nghĩa Xã Hội hay là Chết”. Nhưng, những lời hứa hẹn “thiên đường Xã Hội Chủ Nghĩa” mà tất cả các lãnh tụ Cộng sản luôn hào phóng tuyên truyền mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực.
Lời hứa được Fidel Castro và em trai được thực tế hóa và lý tưởng hóa cho nhân dân Cuba là “Bánh Mì và Tự Do” đã không bao giờ trở thành sự thật. Thực tế cho thấy: thế giới chứng kiến chế độ Cộng sản đã kìm hãm sự phát triển đất nước Cuba cũng như bóp nghẹt tự do và công lý cho dân chúng. Rõ ràng, cho đến tận hôm nay, đã gần 70 năm, kể khi anh em nhà Castro áp đặt chế độ Sô Viết lên hòn đảo thiên đường này, người dân Cuba kiệt quệ với “Tự Do và Bánh mì” ảo hiện vẫn còn nhắm đưởng ra biển, hướng vào đất Hoa kỳ – đế quốc mà Castro hứa sẽ đánh gục từ ngày đặt chân vào Thủ Đô La Havana ngày 8 tháng 1, năm 1959 – để tìm “Tự Do và Bánh Mì Thật”. Trong số người Cuba phải lìa bỏ quê nhà để tìm đất sống nầy, có bà Juanita Castro – em gái của Fidel và Raoul Castro.
Tuy nhiên, thiên đường mù Cộng sản vẫn được Fidel Castro rao bán lần cuối cùng vào ngày 19/4/2016 vừa qua, ông tuyên bố: “những lý tưởng của những người Cộng sản Cuba sẽ vẫn trường tồn, ngay sau cả khi ông qua đời”.
Ông vừa nói thật lẫn trong ảo giác với tuyên bố trên.
Ảo giác ở chỗ: Lý tưởng và mô hình nhà nước Cộng sản Sô Viết đã bị khai tử cùng với bức tường Bá Linh và sự tan rã của nhà nước Liên Bang Sô Viết từ thập niên 1990 của thế kỷ trước. Công bằng và Hạnh phúc dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa mãi mãi là một ảo tưởng mà các lãnh tụ Cộng sản tuyên truyền lừa dối để bám víu tham vọng quyền lực.
Ông nói thật ở chỗ: lý tưởng đó vẫn trường tồn với những người Cộng sản. Đúng vậy, một lãnh tụ Cộng sản như Fidel Castro có chết đi, nhưng vẫn có những lực lượng kế thừa luôn sẵn sàng thay thế. Nhóm kế thừa này sẵn sàng ác, hiểm, độc hơn nữa để tiếp tục duy trì quyền lực.
Với những chiêu bài độc lập dân tộc và xây dựng “Chủ Nghĩa Xã Hội”, Fidel Castro và Hồ Chí Minh đã giết người, cướp của bằng kế sách quốc hữu hóa và cải cách ruộng đất nhằm duy trì quyền lực theo khuôn mẫu Sô Viết của Stalin và Mao Trạch Đông. Còn hậu duệ Cộng sản Cuba sau Fidel Castro sẽ học theo hậu duệ Cộng sản Việt nam với chiêu bài Kinh tế Thị Trường định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, tức là bán đất cho ngoại bang, đàn áp và đầu độc dân tộc để bảo vệ tư bản ngoại bang như trường hợp Formosa.
“Bánh Vẽ và Tự Do Ảo” đã chết cùng với Fidel Castro.
“Bánh mì và Tự do” đích thực phải được bắt đầu bằng việc xóa bỏ chế độ Cộng sản và mọi hình thức Độc Tài.
—
*) Tựa do CTM Media đặt
Leave a Comment