Nếu là thầy giáo, tôi sẽ nói với những học trò của mình rằng, tổ quốc và quê hương này là của các em, chính quyền sinh ra là để phục vụ và trung thành với nhân dân của một nước, trong đó có các em ở đây, không phải để độc quyền và độc tài trong sự lãnh đạo xã hội. Các em không thể chỉ đặt niềm tin và giao phó tất cả số trứng mình có trong tay cho một người mà hoàn toàn họ có thể tha hoá, và nếu tha hoá thì ta cần phải có cơ chế để thay thế nó bằng một thứ tốt hơn. Để làm được điều đó, chúng ta phải luôn có cái giỏ thứ hai hoặc thứ ba để sẵn sàng cho việc đó diễn ra.
Tổ quốc và nhân dân mới là thứ để các em phục vụ, cống hiến và hy sinh, nếu có thể, chứ không phải vì ai, vì vị lãnh tụ, cá nhân hay nhóm đoàn, đảng phái nào, tất cả những thứ gắn với con người hoặc nhóm hội nào đó thì đều có thể phế bỏ hay thay thế được. Nhưng nhân dân và tổ quốc suy bại hay mất đi thì lúc đó chúng ta chỉ còn đường chết hoặc chạy trốn khắp nơi và suốt đời như người Do Thái đã phải làm từ hàng trăm, nghìn năm nay. Họ không có quê hương nhưng họ có linh hồn của họ, đó là tôn giáo và trí tuệ, họ đóng góp được cho thế giới văn minh nhiều hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng, trong mọi lĩnh vực đều có bóng dáng của họ.
Nếu tôi là thầy giáo, tôi sẽ nói với những học sinh của mình, tôi không phải chân lý, tôi không hoàn toàn đúng, nên hãy mạnh dạn nói rằng tôi đã sai, khi có thể và hãy nói lên quan điểm của mình. Đi học là phải nhìn thấy được cái sai của người khác và dám nói lên điều đó, thậm chí gay gắt. Học, là để lên tiếng, không phải để im lặng, nhất là khi tôi đánh điểm 9 cho một người đưa ra đáp án sai mà lại cho điểm F với một người mà rõ ràng ai cũng thấy họ đúng.
Nếu là thầy giáo, tôi sẽ chỉ dẫn chúng đọc sách và phải thực hành, đọc nhiều sách và thực hành càng nhiều càng tốt, việc khác có thể đừng chứ việc đó không được ngừng nghỉ mà phải thực hiện mỗi ngày, làm điều hợp lẽ phải và lương tâm, không nghe theo sự áp đặt của ai khác, không chỉ học từ một người, không coi ai là lãnh tụ và không chỉ biết đến một đảng phái, không cần phải e sợ tôi, nhà trường hay rộng hơn là chính quyền đang cai trị. Vì chính các em mới là chủ thể của đất nước, chính quyền chỉ được lập ra để phục vụ nhân dân và bảo vệ tổ quốc, họ được trả lương để làm điều đó, họ là những kẻ ăn bám xã hội, và các em là người trả lương cho họ để làm việc đó. Nên mọi việc của nhà nước là duy trì trách nhiệm của mình, chứ các em không phải mang ơn họ về bất kể điều gì.
Họ bắt kẻ giết người là trách nhiệm của họ, vì họ được lập ra để làm điều đó. Họ ngăn chặn khủng bố là nghĩa vụ của họ, vì họ sinh ra là để đảm bảo sự an toàn cho xã hội. Họ phải dùng luật pháp để bắt bớ, truy tố và xét xử một người nào đó, và họ không được quyền lạm dụng luật pháp hay nhân danh nó để đánh đập, mạt sát, miệt thị, nhục mạ bất kể người đó là ai, họ có nghĩa vụ phải tôn trọng và tuân thủ luật pháp cũng như nhân phẩm, tính mạng, sức khoẻ con người, mọi hành vi tội phạm đều đã có luật pháp điều chỉnh và nghiêm trị.
Nếu là thầy giáo, tôi sẽ dạy các em học thực, ném bỏ những cuốn sách giáo điều, giáo án và phương pháp ngu ngốc mà chúng ta đang áp đặt vào bao nhiêu thế hệ, nó đã khiến con người trở nên yếu hèn, bạc nhược, dốt nát và bảo thủ, trong sự mơ tưởng vô vọng mà thế giới cười cợt vì những khái niệm và tri thức thụt lùi mà thậm chí là đi ngược lại thế giới văn minh hàng trăm năm. Tôi dạy các em, nếu muốn làm người, thì phải quan tâm đến tình hình đất nước và xã hội mà là quê hương của mình, nếu không để tâm đến điều đó thì các em sẽ không bằng loài kiến. Và người ta sẽ khinh bỉ một người mà không biết gì đến hiện trạng quê hương mình đang sống, vì nó thể hiện và biểu lộ trình độ và tình cảm của bạn dành cho chính mảnh đất máu thịt mà dung dưỡng mình đến đâu.
Tôi sẽ dạy các em biết tôn trọng và học hỏi từ những người giàu chân chính, biết đùm bọc và thương yêu người nghèo khó, biết cầu thị và chia sẻ với những người xung quanh. Biết tôn trọng đồng tiền nhưng không để nó trở thành thứ mình phải nô lệ, biết lao động kiếm tiền nhưng đừng mưu mô hay toan tính để đạt được chúng. Chẳng có giá trị gì với những lợi ích hay đồng tiền như thế cả.
Tôi dạy chúng tự do tư duy, có đấu tranh cho lẽ phải và công bằng mới có tự do, có tự do mới có phát kiến và sáng tạo, có sáng tạo mới đem đến sự phát triển và thịnh vượng. Tôi chỉ dạy chúng không bao giờ nói dối, không cúi đầu trước cường quyền và sai trái, không luồn lách mà làm ăn rồi coi đó là thông minh hay khôn ngoan hơn người khác. Vì làm người thì phải trung thực, đó là đức tính quan trọng nhất của một con người và của cả một xã hội, dù ở bất kỳ đâu và bất cứ thời đại nào.
Tôi không dạy chúng chỉ biết vâng lời cha mẹ, thày cô hay những hệ thống chính trị nào khác, phải biết tư duy độc lập và phản biện, không im lặng trước bất kể điều gì mà mình thấy và hiểu rõ chúng là phi lý, bất công. Vì nếu ta im lặng trước bất công của người khác, thì rồi một ngày chúng ta rơi vào hoàn cảnh của họ, chúng ta sẽ không đủ tư cách để đòi hỏi ai lên tiếng cho mình mà phải chấp nhận đó là kết quả của chính sự im lặng của mình tạo ra từ trước.
Vì, đáp lại sự im lặng sẽ chỉ là sự lặng im của người khác.
Đó là quy luật tất yếu, muốn có sự phản hồi, sóng được truyền đi và khi gặp vật cản, nó sẽ được phản xạ ngược trở lại phương ban đầu mà làm nên sự giao thao và cộng hưởng (tạo thành những bó sóng). Cũng giống như thế giới vừa vui mừng đón nhận thành quả về việc hứng được sóng cực ngắn từ một hành tinh đã tan rã từ hàng tỷ năm trước.
Nếu tôi là thầy giáo, tôi sẽ dạy chúng cất lên tiếng nói của lòng chính trực, vì ngôn ngữ sinh ra không phải chỉ để nói lời ba hoa hay tán tỉnh, vẽ vời, ngôn từ sinh ra để viết nên những giá trị và điều đẹp đẽ, mà đẹp đẽ nhất là truyền lửa, tình yêu thương và cứu vớt cho đồng loại mình, bởi ngay cả loài kiến còn có ngôn ngữ bằng những tín hiệu để truyền cho nhau những thông điệp trong đời sống của mình. Cá heo có tiếng kêu, loài dơi phát sóng siêu âm, muông thú có những cách biểu đạt âm thanh riêng cho từng loài. Còn chúng ta, có chữ viết và ngôn từ là để lên tiếng, truyền cho nhau những giá trị của tình yêu thương, lòng dũng cảm và sự chân thành.
Và sự im lặng, không bao giờ được coi là một đức tính tốt hay đại diện cho điều tử tế, nhất là nó là thứ biểu đạt được tìm thấy khi đứng trước các bất công và phi lý diễn ra hiển hiện và đầy rẫy trên quê hương, tổ quốc mình đang sống.
Tôi, hy vọng vào những người thầy có đủ tư cách, phẩm chất, lương tri và trí tuệ để vực dậy những thế hệ tương lai về một quốc gia, xã hội và con người nhân bản, văn minh và khoa học, nơi của điều tử tế và sự chân thành.
Tôi đặt hy vọng, gần như tất thảy sự lạc quan hiếm có của bản thân mình, vào những người thầy có trách nhiệm với quốc gia và dân tộc, nhưng không phải từ và ở những con người đi làm nhiệm vụ chính trị hay chạy chọt để được vào vị trí nhà giáo kiếm đồng tiền làm kế sinh nhai.
Leave a Comment