Chính thức loan báo ‘cho phá sản’
Ngay sau khi quan điểm cho “thí điểm phá sản ngân hàng” được Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng ông Vương Đình Huệ chính thức loan báo tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016, giới ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đặc biệt là người dân gửi tiền tiết kiệm đã đột ngột nâng cao “tinh thần cảnh giác”.
Trên phương diện biện chứng lịch sử, nếu Ngân hàng nhà nước thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước đây thỉnh thoảng lại nhấn nhá khả năng “tái cơ cấu hệ thống ngân hàng” nhưng chưa có ngân hàng nào phải tự phá sản, thì chủ đề “thí điểm phá sản ngân hàng” được nêu ra lần này có vẻ dứt khoát hơn hẳn những tuyên bố tương tự trong năm 2014 và 2015.
Còn trên phương diện biện chứng nhân sự, chi tiết đáng chú ý là Vương Đình Huệ đã gần như hoán chuyển chỗ với Nguyễn Văn Bình: trong khi ông Bình lọt vào Bộ Chính trị và là phó thủ tướng phụ trách tài chính mà phải về Ban Kinh tế trung ương là đầu đàn cho công việc “định hướng chính sách kinh tế”, ông Huệ đã nghiễm nhiên thế vào vị trí mà lẽ ra ông Bình đã có.
Có vẻ không dính dáng gì đến chiến dịch sáp nhập mua bán một số ngân hàng thương mại gây quá nhiều tai tiếng thời Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình, và cũng có vẻ chẳng “chung chịu” gì với những ngân hàng suýt phá sản nhưng được Thống đốc Bình giang tay mua lại với giá 0 đồng, ông Huệ không có nhu cầu phải tìm cách che đỡ cho những ngân hàng mà tỷ lệ nợ xấu đã vọt lên đến 50% tổng dư nợ cho vay.
Trong hai năm 2014 và 2015, có 3 trường hợp cộm cán nhất về nợ xấu vượt hẳn vốn điều lệ là Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GP). Nhưng hiện tượng Ngân hàng nhà nước quyết định mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng đã khiến nảy sinh mối nghi ngờ rất lớn về những quan hệ đen tối nào đó giữa Thống đốc Bình với các ngân hàng được không cho phá sản, để sau này nhiều người lại muốn “hồi tố” về động cơ thật sự của Nguyễn Văn Bình, đặc biệt việc ông Bình có lúc còn muốn dùng tiền ngân sách để “xử lý” các ngân hàng đã rơi vào tầm phá sản.
Vì sao Thống đốc Bình ‘ôm’ các ngân hàng phá sản?
Trong thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được coi như bước chân vào vòng phá sản từ năm 2014. Ngân hàng Xây Dựng có số lỗ lũy kế trước khi bị mua lại với giá 0 đồng là hơn 18.000 tỷ đồng. Vào Tháng Bảy năm 2014, ba quan chức cao cấp của ngân hàng này đã bị khởi tố và bị bắt giam. Ở Ngân hàng GP, số lỗ lũy kế cũng lên đến hơn 12.000 tỷ đồng. Đến năm 2015, theo những tin tức đã từng “tuyệt mật” nhưng rút cục được công khai trên báo chí, nợ xấu hiện có của ba ngân hàng trên là hơn 20.000 tỷ đồng – một con số không cách gì trả nổi so với vốn điều lệ của ba ngân hàng là chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng.
Một tờ báo trong nước nhận định: “Rất khó nhận diện ngân hàng 0 đồng bởi nhiều ngân hàng không công bố số liệu và cũng chưa hẳn công bố chính xác.” Xét về mặt quy mô, hiện nay vẫn còn khoảng 11 ngân hàng có quy mô vốn điều lệ nhỏ hơn 5.000 tỷ đồng. Bề ngoài có thể “hào nhoáng,” nhưng ẩn sâu trong đó là câu chuyện sở hữu chéo dẫn đến vốn ảo, cho vay “sân sau” với nền tảng nợ xấu lớn. Với bài học của ngân hàng mang vỏ bọc đẹp đẽ Ocean Bank, sẽ không ngạc nhiên khi một ngày đẹp trời nào đó có thêm một ngân hàng được đặt trong tình huống mua lại với giá 0 đồng tương tự.
Đã tới thời điểm mà dù muốn hay không, giới quan lại cũng phải nhận chân một sự thật: Tiền ngân sách không phải cái kho vô tận.
Nếu vào năm 2014, tiền ngân sách vẫn chưa đến mức cạn kiệt mà do đó vẫn tiếp tục phát sinh hàng loạt dự án hàng ngàn hoặc chục ngàn tỷ xây trụ sở hành chính, tượng đài và cả “tiếp máu” cho ngân hàng phá sản, thì đến cuối năm 2015, khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phải than rằng chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng trong ngân sách trung ương mà “không biết chi cho cái gì”, tình thế đã đảo lộn.
Không thể khác, lý do chính mà ông Vương Đình Huệ bắt buộc phải nói đến việc “thí điểm phá sản ngân hàng” là tình trạng nợ xấu trong các ngân hàng thương mại đã hầu như vô phương cứu chữa. Nếu vào cuối năm 2014, con số nợ xấu thực đã lần đầu tiên được Thống đốc Bình thừa nhận là vào khoảng 500 ngàn tỷ đồng, thì đến nay con số này hẳn phải lên đến ít nhất 600 ngàn tỷ đồng, với tốc độ “tăng trưởng” đều đặn 60-80 ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Bảo hiểm tiền gửi bằng ‘quyết tâm chính trị’?
Rõ ràng hơn bao giờ hết, trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại đang tồn tại hiện thời, chắc chắn có ít nhất 30% có thể phải “đội nón ra đi”, trước khi kế hoạch “tái cơ cấu ngân hàng” đạt mục tiêu giảm phân nửa số tổ chức tín dụng hiện có.
Trong khi đó, ngân sách lại khốn quẫn và chẳng còn khoản kết dư nào để trút ra mua nợ xấu. Nếu có, chỉ có thể là một khoản nhỏ để dành để cứu những ngân hàng lớn, còn ngân hàng nhỏ sẽ phải tự xoay sở. Đó là lý do mà việc “tái cơ cấu ngân hàng” sẽ có thể trở nên mạnh mẽ bất ngờ trong thời gian tới. Nếu trước đây đã từng có kế hoạch kéo giảm số lượng ngân hàng thương mại từ trên 30 tổ chức xuống còn khoảng 15 tổ chức, thì tới đây nhiều khả năng chính phủ sẽ phải làm điều này mà không còn lối thoát nào khác.
Tuy nhiên, đến lúc này mọi việc đã không còn giản đơn như kế hoạch đặt ra. Không còn tiền kết dư của ngân sách, câu hỏi rất lớn phải giải quyết là nếu một số ngân hàng thương mại nào đó rơi vào tình cảnh phải phá sản, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp sẽ chịu số phận ra sao?
Nếu chiếu theo luật phá sản, tài sản của ngân hàng phá sản sẽ phải nộp đầu tiên cho cơ quan thuế của nhà nước, sau đó mới đến việc thanh toán tiền tiết kiệm cho người dân và rồi mới đến doanh nghiệp. Nhưng đó chỉ thuần túy là lý thuyết.
Không có gì chắc chắn đối với điều được xem là “an toàn” của các ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là nhiều ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ, luôn là tác nhân trong những đợt sóng kinh hoàng về tăng lãi suất tiết kiệm và lãi suất cho vay, và kể cả một ngân hàng thuộc loại lớn nhất nhưng cũng đứng đầu bảng tổng sắp về số vụ án tham nhũng như Agribank. Hệ quả nào sẽ xảy ra nếu những ngân hàng này lâm vào tình cảnh phải phá sản nhưng lại không đủ tiền chi trả cho dân? Trong khi mức bảo hiểm tiền gửi chỉ có 50 triệu đồng, sẽ có bao nhiêu người dân chấp nhận mức này, hay tất cả sẽ đổ xô đến ngân hàng phá sản chỉ với mong muốn sẽ rút được tiền trước những người khác, tạo nên một cơn rung chấn và lan truyền đủ mạnh trong cộng đồng, thậm chí còn có thể dẫn đến một làn sóng domino sụp đổ hàng chuỗi ngân hàng thương mại khác?
Bây giờ thì chẳng còn thời gian và tâm trí để nói đến “quyết tâm chính trị” như một khẩu hiệu duy ý chí và cực kỳ chẳng ăn nhập gì với thực tế. Có lẽ Ngân hàng nhà nước và cả ông Vương Đình Huệ sẽ điên đầu với bài toán hậu phá sản ngân hàng.
Leave a Comment