Quảng Cáo

Lúc nào Việt Nam ‘phá sản hàng loạt?’

Quảng Cáo

Ngân sách khốn quẫn và thực trạng một nửa nợ xấu liên quan đến vụ án hẳn là nguyên do chính để Quốc Hội Việt Nam phải ra một bản nghị quyết về kế hoạch tài chính, trong đó chính thức xác định không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.

49%!

Trong lúc công ty quản lý các tài sản tín dụng (VAMC) khẩn thiết kêu gào phải dùng ngân sách để “xử lý nợ xấu,” còn giới chuyên gia ẵm bồng lợi ích phụ họa theo cách “không còn cách nào khác” và “để giải quyết dứt điểm nợ xấu, có quốc gia phải dùng đến 10-15% GDP,” một bằng chứng về nguồn gốc nợ xấu vừa hiện ra, húc đổ toàn bộ cơ sở luận của những kẻ chỉ muốn “lấy của người nghèo chia cho người giàu.”

Tháng 10, 2016, một báo cáo của Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh TP.HCM cho biết “nợ xấu vẫn còn nhiều tiềm ẩn rủi ro và việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là nợ xấu liên quan đến vụ án chiếm tỷ trọng cao tới gần 49% trong tổng nợ xấu. Đây là khoản nợ khó xử lý và phần lớn các khoản nợ này vẫn chưa xử lý thu hồi được.”

Huỳnh Thị Huyền Như

Một trong những vụ án “người tốt việc tốt” mà đã khiến vài ngân hàng thương mại bị trôi sông đến 5.000 tỷ đồng là vụ “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như. Ai có thể và dám quyết định rằng những ngân hàng “bị lừa” như Vietinbank và ACB sẽ được đền bù bằng chính ngân sách nhà nước và do đó bằng tiền đóng thuế của người dân?

Hay vụ Phạm Công Danh cùng Ngân Hàng Xây Dựng với 9.000 tỷ thất thoát, quan chức chính quyền nào sẽ dám khẳng định rằng dân sẽ phải nộp tiền nhiều hơn nữa để bù đắp cho nạn tham nhũng kinh hoàng trong giới cá mập ngân hàng?

Phạm Công Danh

Chỉ riêng 3 ngân hàng có lãnh đạo bị bắt nhưng sau đó đã được Ngân Hàng Nhà Nước ưu ái đến mức nghi ngờ khi mua lại với giá 0 đồng – Ngân Hàng Xây Dựng, Ngân Hàng Đại Dương và Ngân Hàng GP – đã có tổng nợ xấu lên đến vài chục ngàn tỷ đồng. Và tuy đã bị làm án, khả năng thu hồi số thất thoát do tham nhũng là rất thấp.

Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam lại quá tệ so với mặt bằng chung trên thế giới. Nếu Việt Nam luôn bị Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (TI) liệt vào nhóm cuối của các nước trên thế giới về độ minh bạch nhưng lại đứng ở top đầu về nạn tham nhũng, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam chỉ khoảng 8% theo số báo cáo, so với yêu cầu quốc tế ít nhất 30%.

Vấn nạn có thể trở thành quốc nạn “vỡ ngân hàng” như trên đã khiến nợ xấu trong khối ngân hàng thương mại đang biến diễn thành khối ung thư di căn giai đoạn cuối và rất có thể sẽ khiến chế độ phải “hạ cánh cứng.”

Và đó cũng là lý do chủ yếu để khẳng định rằng một khi giới quan chức ngân hàng và quan chức nhà nước phải kêu gào “dùng ngân sách để xử lý nợ xấu,” tình thế đã trở nên vô phương cứu chữa.

$25 tỷ!

Một trong những quan chức tỏ ra nhiệt tình đột biến khi hô hào phải dùng ngân sách để mua nợ xấu là ông Trương Văn Phước – phó chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia.

Ông Trương Văn Phước – phó chủ tịch Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia

Với nhận định “cần $25 tỷ để xử lý nợ xấu,” ông Trương Văn Phước đã trở thành nhân vật thứ hai sau cựu Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình, thừa nhận tình trạng nợ xấu đã vượt quá con số 500 ngàn tỷ đồng, khác rất xa so với những báo cáo giả dối về nợ xấu chỉ chiếm khoảng 3% GDP hiện thời.

“Xử lý nợ xấu tới lúc này không phải hô khẩu hiệu suông, mà cần tiền thực. Cần cả quan điểm và cả kỹ thuật thực,” ông Phước “hô khẩu hiệu.” Viên phó chủ tịch Ủy Ban Giám Sát tính toán, để xử lý nợ xấu thì cần $25 tỷ, và cần khoảng 180.000 tỷ để xử lý tài sản trong các tổ chức tín dụng trong 5 năm tới.

Ngoài ra, để thiết lập dự phòng rủi ro thì mỗi năm các tổ chức tín dụng cần 40.000 tỷ đồng, tức là trong 5 năm cần 150.000 – 200.000 tỷ đồng. Theo ông Phước, cần lấy nguồn tiền này từ người vay, khách hàng chia sẻ dự phòng rủi ro, bên cạnh nguồn dự phòng rủi ro đang có là 126.000 tỷ đồng.

Nhận định trên được nêu ra tại Hội thảo Thách thức tái cơ cấu nền kinh tế do Viện Kinh Tế Việt Nam tổ chức sáng 12 tháng 10, 2016.

Cần nhắc lại, con số nợ xấu khoảng 500 ngàn tỷ đồng đã được Thống Đốc Nguyễn Văn Bình thú nhận vào cuối năm 2014 tại một phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, sau một thời gian dài cố gắng bưng bít. Trước đó, toàn bộ số liệu nợ xấu được công bố của Ngân hàng nhà nước vẫn chỉ “khuôn” nợ xấu vào khoảng 150 ngàn đến tối đa 200 ngàn tỷ đồng. Một quyết định của Ngân Hàng Nhà Nước ban hành vào tháng 3, 2014 đã cho phép các ngân hàng thương mại được giãn nợ và đẩy nợ xấu từ các nhóm có nguy cơ cao nhất (nhóm 4 và nhóm 5) lên các nhóm cao hơn để tạm thời làm mất khái niệm nợ xấu.

Đến sát Đại Hội 12, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Ngân Hàng Nhà Nước tìm nhiều cách để ép nợ xấu về dưới 3%. Khi đó, các báo cáo của chính phủ đều “đẹp” đến quái lạ.

Chỉ sau Đại Hội 12, mọi thứ mới thực sự tung tóe khi Ủy Ban Giám Sát Tài Chính Quốc Gia và một số bộ ngành phải báo cáo thực về tình trạng nợ xấu không phải chỉ 3% mà lên đến 17%.

Tuy nhiên, có “xử lý” được nợ xấu hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Công ty quản lý tài sản tín dụng (VAMC) sinh ra từ năm 2013, nhưng cho đến nay chỉ mới mua lại được khoảng 10% số nợ xấu từ các ngân hàng thương mại, mà cũng chỉ mua bằng giấy tờ chứ không phải bằng tiền mặt. Rất nhiều người đã nghi ngờ số vốn 2.000 tỷ đồng mà ngân sách cấp cho VAMC đã chỉ được công ty này mang gửi ngân hàng lấy lãi sinh sống chứ chẳng hề “tác nghiệp.”

Còn bây giờ, mọi thứ đang có vẻ vô phương cứu chữa. Một khi VAMC và những bộ ngành liên quan như Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài Chính, cùng một dàn chuyên gia nhà nước phải đồng ca bài “không có ngân sách thì không thể xử lý nợ xấu,” có thể hình dung tình hình đã khốn khó đến thế nào.

“Nền kinh tế con tin”
Tiến Sĩ Nguyễn Đức Thành

Khốn quẫn đến mức mà ngay một chuyên gia trước đây có hơi hướng phản biện sự thật về thực trạng kinh tế và có vẻ nghiêng về khuynh hướng dân túy, nay cũng “uốn lưỡi”:“Chúng ta không nên sa đà vào việc tranh luận có nên dùng tiền thuế của người dân để xử lý nợ xấu hay không. Vấn đề cốt lõi là bài toán đánh đổi. Nếu sử dụng 5% GDP để xử lý nợ xấu ngay bây giờ thì 5 năm sau, nền kinh tế thu lại 10% GDP từ tăng trưởng thì đây là việc các nhà quản lý phải suy nghĩ. Nếu không, nền kinh tế cứ như cỗ xe di chuyển chậm chạp, không có sức để bứt lên,” lời của Tiến Sĩ Nguyễn Đức Thành, viện trưởng Viện Nghiên Kinh Tế và Chính Sách – đại học quốc gia Hà Nội.

Một lần nữa kể từ năm 2011 khi chính phủ mới của Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình thành hình, toàn bộ nền kinh tế và đời sống người dân bị các nhóm lợi ích đồng hành cùng giới đảng bắt làm “con tin.” Cứu ngân hàng chính là cứu kinh tế, nếu không cứu ngân hàng thì đất nước sẽ tàn mạt!

Còn với chuyên gia Bùi Trinh, người đã đưa ra luận điểm “Dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là lấy tiền người nghèo chia cho người giàu” thì sao?

Nợ là con số thật còn GDP là con số chưa đáng tin cậy. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết các nhà hoạch định chính sách và cả các tổ chức quốc tế đều chỉ nhìn vào công bố tăng trưởng GDP để vui, buồn và bình luận.”

Và “Ở các quốc gia khác, họ lấy tiền ngân sách xử lý nợ xấu là có thể được vì họ minh bạch. Trong khi đó tại Việt Nam, có ngân hàng và một ông đại gia nào đó định giá các tài sản có khi chỉ 2 tỷ lên đến 20 tỷ. Vậy tại sao lại bắt người dân trả nợ cho những ông này. Tiền ngân sách là tiền của dân dù là tiền thuế hay tiền đi vay, không thể bắt người dân trả nợ cho cái mà họ không nợ,” ông Bùi Trinh như nói một lần để chẳng bao giờ muốn nhắc lại sự tình “khốn nạn” này.

Dấu hỏi còn lại là trong tương lai gần nào sẽ xuất hiện những ngân hàng bể nợ xấu và phá sản hàng loạt?

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux