(VNTB)- Các phương án được đưa ra chỉ ra khá nhiều điều nghiêm trọng đến ghê rợn về tương lai đất nước Việt Nam khi được dẫn dắt bởi một bộ máy yếu kém, nếu không nói là ngu dốt.
Ngày 17/11/2016, theo plo.vn (Báo pháp luật online), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết ông đã ký văn bản tham mưu cho lãnh đạo Quốc hội về phương án xử lý kỷ luật hành chính với cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng. Như vậy, sau một thời gian rầm rộ khai màn cuộc tấn công vào ông Vũ Huy Hoàng – cựu bộ trưởng Bộ Công thương, cựu UV TW Đảng – hòng lôi ra người phải chịu trách nhiệm trong cuộc chiến làm “trong sạch nhà nước”, đến nay toàn bộ hệ thống quản lý chế độ bao gồm cả lập pháp và hành pháp đều nhập cuộc nhưng vẫn chưa tìm được phương án xử lý mặc dù đều kết luận “có sai phạm”.
Bộ máy Chính phủ mới của đương kim Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng được Bộ Nội vụ hiến kế là “cách chức”… người không có bất cứ chức vụ nào vì ông Vũ Huy Hoàng đã nghỉ hưu. Kế sách hài hước này dù chưa được thực hiện nhưng đã tốn khá nhiều giấy mực và thời gian tranh cãi của dư luận. Nay Viện nghiên cứu lập pháp lại hiến kế áp dụng hình thức “cảnh cáo”… người không làm gì cả (!)
Việc các quan chức của cả bộ máy lãnh đạo chế độ, bao gồm cả Quốc hội, TW Đảng và Chính phủ loay hoay mãi vẫn chưa có nổi một phương án xử lý đối với ông Vũ Huy Hoàng không phải là điều gì bí mật vì khá nhiều quan chức đã đăng đàn công khai trên báo chí. Nhưng các phương án được đưa ra chỉ ra khá nhiều điều nghiêm trọng đến ghê rợn về tương lai đất nước Việt Nam khi được dẫn dắt bởi một bộ máy yếu kém, nếu không nói là ngu dốt.
Việc Viện nghiên cứu lập pháp có một văn bản hiến kế như vậy cũng không đơn giản là thể hiện sự yếu kém về trình độ kiểu như hàng loạt Tiến sĩ mua bằng của Việt Nam không làm được gì. Cùng với đề xuất của Bộ Nội vụ về phương án “cách chức” cũng không đơn giản là hành động làm cho có như thường thấy ở bộ máy công quyền cấp thấp khi phải chịu áp lực của cấp trên. Điều đó được khẳng định vì ngay khi đưa ra cái gọi là “phương án xử lý” bằng văn bản hẳn hoi, các quan chức đứng đầu đều đăng đàn trả lời báo giới bằng thái độ rất tự tin với những diễn giải không hề tìm thấy cơ sở pháp lý nào và… chỉ có họ mới biết chứ không hề có một chút do dự, lảng tránh như hành động của người “chỉ làm cho có”.
Cái bộc lộ lớn hơn, sâu xa hơn là một sự thật không thể chối cãi: Bộ máy luật pháp của chế độ bao gồm cả lập pháp và hành pháp được hình thành và tồn tại bởi những kẻ cơ hội hoàn toàn không có chút hiểu biết gì về pháp luật (!).
Nếu nói việc Bộ Nội vụ – cơ quan chuyên trách về hành pháp, hành chính của chế độ – hiến kế “cách chức” là phương án vô thưởng vô phạt khi đòi cách chức người không hề còn bất cứ chức vụ nào đã là hài hước thì việc Viện nghiên cứu lập pháp tham mưu “cảnh cáo” là bi hài kịch. Bi vì quá vất vả nhưng rốt cục không nghĩ ra được giải pháp hữu ích, bi vì đây chính là cơ quan được chế độ đẻ ra với nhiệm vụ duy nhất là nghiên cứu, xây dựng Hiến pháp, luật pháp nhà nước. Hài vì ngay một cơ quan được gọi là “Viên nghiên cứu lập pháp” nhưng lại không hề biết đến cơ sở luật pháp sơ đẳng nhất là hình thức cảnh cáo áp dụng cho trường hợp nào (?!).
Không cần là một người học luật hay hành nghề luật chuyên nghiệp, một học sinh trung học có chút tư duy cũng hiểu rằng: Cảnh cáo là hình thức răn đe, nhằm ngăn chặn một việc hay nhiều việc gây hại có thể xảy ra do các biểu hiện hiện tại cụ thể của đối tượng có thể dẫn đến các vi phạm trong tương lai. Đối với trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, hiện tại đã nghỉ hưu. Nghĩa là hiện tại ông Hoàng chỉ là một công dân, không làm điều gì ngoài vị thế là một người dân an hưởng tuổi già, vui vầy với con cháu thì “cảnh cáo” để ngăn chặn điều gì?
“Kế sách” cảnh cáo của Viện nghiên cứu lập pháp có thể cũng sẽ không được áp dụng như phương án “cách chức” của Bộ Nội vụ trước đó. Nhưng “giá trị” nó để lại chính là khoản tiền mà người dân thông qua nhà nước đã chi trả cho cả bộ máy quan chức làm việc với năng lực yếu kém như vậy không đem lại một giá trị nào. Bế tắc trong phương án trừng phạt một quan chức đã hạ cánh an toàn vẫn còn nguyên thách thức chế độ.
Tương lai dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam sẽ đi về đâu khi được dẫn dắt bởi tầng lớp quản trị như thế? Bộ máy chế độ dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tồn tại và mạnh yếu ra sao khi mà sự bế tắc chỉ ra cái năng lực yếu kém đến như vậy?
Leave a Comment