Cách đây vài ngày, tôi có tình cờ đọc được thư của 10 vị nhà báo, trí thức gởi đến Mạng Lưới Nhân Quyền về việc phản đối trao tặng giải Nhân Quyền cho chị Cấn Thị Thêu/ Trần Ngọc Anh, dân oan.
Về việc phản đối của các nhà báo, trí thức, hay bất kỳ ai thì tôi không có nhận xét gì và tôn trọng, vì họ có quyền phản đối và đề cử người khác. Nhưng tôi quan tâm bởi trong phần lý lẽ lập luận để phản đối, họ có nêu rằng dân oan chỉ là người đấu tranh cho quyền lợi của chính mình và chỉ đấu tranh khi quyền lợi của mình bị xâm phạm…
Cách đây gần hai năm, tôi đã từng viết, “Có lẽ đã đến lúc các trí thức Việt nên nhìn lại chính mình và học hỏi tinh thần đấu tranh của bà con dân oan.” Đó là một câu nói rất đau và thực tế. Thật đến quặn thắt hết cả ruột gan.
Các vị bảo, “Dân oan chỉ đấu tranh cho quyền lợi của chính mình.” Vâng, rất đúng. Và đó là cách đấu tranh đúng. Con người có các nhu cầu chính đáng và các nhu cầu đó cần được tôn trọng như: quyền được sống, được tự do thể hiện chính kiến, tự do tín ngưỡng, có quyền tư hữu, quyền bất khả xâm phạm thân thể… Khi một trong các nhu cầu này bị xâm phạm bởi tập đoàn độc tài, họ lên tiếng đấu tranh cho chính mình thì có gì sai? Các vị cho rằng phải đấu tranh cho người khác thì mới cao cả còn đấu tranh cho chính mình là thấp kém? Đó là một nhận định hết sức sai lầm và vô hình trung làm chia rẽ lực lượng đấu tranh ra làm hai thành phần.
Nhìn lại thực tế ta thấy, những người được gọi là đấu tranh cho người khác thì vẫn là đấu tranh cho chính mình. Họ đấu tranh cho lẽ phải, cho công bằng, cho môi trường, cho quyền con người, cho tự do, cho dân chủ…thì vẫn là cho chính bản thân họ trước, gia đình họ trước rồi mới tới xã hội. Những người được cho là đấu tranh cho chính mình thì xã hội cũng được hưởng lợi từ những thành quả đấu tranh của họ mang lại. Không thể tách rời hai mối liên hệ có tính tương hỗ, gắn liền nhau như thế. Người nào nhận định, chia tách hai mối liên hệ này là không hiểu gì về xã hội và cũng không hiểu tâm lý con người.
Trong thực tế, từ vài năm qua, lực lượng dân oan ngày càng đông đảo do chính sách đất đai, do sự câu kết của tập đoàn tham nhũng với các cá nhân, công ty tham lam. Nhà nước dùng luật để xen vào giao dịch dân sự, tự do thu hồi, đền bù rẻ mạt, gây nên bao cảnh mất nhà mất đất cho người dân có nhà đất rơi vào tầm ngắm. Dân oan ngày càng thấu hiểu rõ vì sao họ bị mất đất. Vì sao đơn thư khiếu kiện của họ không được giải quyết. Họ ngày càng nhận thức được việc đấu tranh cho chính mình cũng là đấu tranh cho xã hội. Họ lên tiếng trước các bất công xã hội khác và vì người khác chứ không chỉ ôm đơn kêu gào vô vọng như chục năm trước đây.
Ta thấy dân oan bị đánh, bị bắt, bị bỏ tù theo điều 258 như trường hợp anh dân oan Nguyễn Văn Thông, Tây Ninh. Ta thấy dân oan tham gia đấu tranh kêu oan cho tử tù. Ta thấy dân oan đấu tranh bảo vệ môi trường. Ta thấy dân oan đấu tranh cho người đấu tranh cho dân chủ. Ta thấy họ ở nhiều sự kiện chính trị. Ta thấy họ miệt mài, nhiệt tình và quyết liệt trong bênh vực người bị đánh, bắt vô cớ. Ta thấy họ đói, rét nhưng không bỏ cuộc. Ta thấy họ tiến bộ về khả năng viết, nói, trình bày, lập luận, giao tiếp, kết hợp trong đấu tranh. Ta thấy họ thương yêu, chia sẻ cho nhau từng chút một và kêu gọi đoàn kết…
Trong khi đó, các “trí thức” vẫn không dám lên tiếng phản biện xã hội, không dám ho một câu và các cô giáo bị điều đi tiếp khách, chịu nhục vẫn không dám phản đối, không dám biểu tình, đòi phải trả lại cái quyền được làm việc đúng chức năng, trách nhiệm và phải được tôn trọng cho chính mình. Quyền và nhân phẩm của chính mình bị hạ nhục mà còn không dám đấu tranh, thì họ lấy tư cách gì để so với dân oan ít học hơn họ? Đó chỉ là một ví dụ trong rất nhiều trường hợp khác ở khắp mọi nơi, mọi ngành. Và “trí thức” đang ngụy biện cho sự im lặng của mình, nhưng đồng thời cũng nhìn dân oan với đôi mắt khinh khỉnh, “Chúng mày chỉ đấu tranh cho quyền lợi của chính chúng mày thôi.”!? Xin lỗi, tôi thấy rất thối.
Khi nhận định sai tình hình thực tế, sai vấn đề và không có sự hiểu biết, cảm thấu thì ta rất dễ đi sai hướng và khó có thể thành công. Thay vì đặt mình vào vị trí là một người công dân, lên tiếng đấu tranh cho chính quyền lợi của mình, thực hiện trách nhiệm công dân là cho mình, sau mới đến cho người, cho xã hội thì có nhiều người đang tự tách mình ra khỏi hai chữ công dân để tự tôn một cách tai hại.
Người tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, tự do là ai? Là công dân. Công dân là ai? Là người phải biết lên tiếng đấu tranh cho quyền lợi của chính mình. Không làm được điều đó, con người không phải là một công dân đúng nghĩa.
Đã đến lúc tự nhìn lại vị trí của mình để có nhận định đúng đắn, từ đó mới có thể có được phương pháp đấu tranh hiệu quả.
—–
P/s: Tôi nhớ, lần đầu tiên gặp em Đoan Trang khi tôi ở Hà Nội, mấy anh chị em đi ăn cùng nhau. Tôi đã đọc và biết về em trước đó, tôi yêu quý và khi yêu quý thì tôi hành động. Tôi mua bó hoa tặng em, em nhận với nét mặt ngỡ ngàng vì em chẳng biết tôi là ai. Tôi muốn đem đến em một niềm vui nho nhỏ, vậy thôi, chẳng có một từ “yêu quý,” “ngưỡng mộ” nào được nói ra. Và hai hôm trước, tôi đọc bài em viết về giải Nhân quyền năm nay, tôi sẽ mua hoa tặng em trong lần gặp tới
Leave a Comment