Hôm nay, ngày 18/11/2016 – ngày thiêng liêng kỷ niệm sớm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhưng những đóa hoa chưa kịp nở ở Trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã bị vấy bẩn bởi màu úa đen từ hành vi “xâm nhập nghiệp vụ” của các nhân viên an ninh – cơ quan Công an TP.HCM của Trung tướng, giám đốc Lê Đông Phong.
Sáng hôm nay, ngay lúc tôi và con trai đến Khoa Bảo tồn – Bảo tàng của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, nơi vợ tôi giảng dạy, để chúc mừng ngày 20/11 các thày cô ở đây, các nhân viên an ninh luôn theo dõi và sách nhiễu tôi đã mò vào tận cửa Khoa Bảo tồn – Bảo tàng để tìm tôi. Khi tôi bước ra cửa, những nhân viên an ninh này lập tức quay ngoắt đi ra chỗ khác. Tôi hỏi cậu đoàn trường – người đi cùng với các nhân viên an ninh: “20/11 mà công an vào đây làm gì?”, người đoàn viên thanh niên cộng sản trả lời: “Dạ, công an nói họ tìm đối tượng tình nghi”. Tôi bật cười “Đối tượng tình nghi là tôi đây chứ ai! Cậu mời công an ra ngoài trường. Họ không còn ngày nào để “tác nghiệp” mà phải chọn ngày này?”.
Ngay sau đó, tôi đã gặp Ban giám hiệu Trường Đại học Văn hóa TP.HCM để phản ánh vụ việc này. Tôi không cho rằng các trường học phải có trách nhiệm và nghĩa vụ “hợp tác” với cơ quan công an khi một nhà báo độc lập như tôi đã công khai mọi quan điểm và hành động ngoài ánh sáng chứ không chọn bóng tối để lẩn khuất.
Không thể hiểu khác hơn, thói quen hành xử lắm lúc vô luật, đặc biệt là thủ đoạn triệu tập điều tra trái phép, bắt cóc người theo cách khủng bố, đánh đập người biểu tình bảo vệ môi trường cực kỳ dã man… của cơ quan Công an TP.HCM đã khiến họ tự cho mình cái quyền xâm nhập tự do vào cả môi trường sư phạm – nơi chốn đào tạo những thế hệ mầm non tương lai nhằm phục vụ cho một chế độ chỉ biết “còn đảng còn mình”.
Không ít lần, những thày giáo về hưu mang nặng tâm tư bất đồng quan điểm chính trị với đảng còn bị công an vào tận nhà để “làm việc”.
Tháng 6/2015, chỉ vì tôi không chịu đi “làm việc” tại Cơ quan an ninh điều tra, Công an TP.HCM vì các giấy triệu tập của họ đối với tôi đều trái phép khi không căn cứ vào một vụ án cụ thể, hai chục nhân viên an ninh đã bắt cóc tôi ngay giữa trường mẫu giáo Tuổi Thơ 7, quận 3 như bắt một tội phạm, trước đám đông phụ huynh và ánh mắt hoảng sợ thất thần của các em bé.
Một ngày trước vụ việc xâm nhập ở Đại học Văn hóa TP.HCM vào ngày 18/11/2016, cũng những nhân viên công an TP.HCM theo dõi tôi đã xâm nhập bất hợp pháp tư gia tại quận Thủ Đức của nhà báo Hạ Đình Nguyên (hội viên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam), chính vào lúc trong nhà nhà báo Hạ Đình Nguyên đang tổ chức tang lễ cho thân mẫu của nhà báo này – một đạo lý linh thiêng dân tộc mà không thể chấp nhận một thói vô lễ nào.
Không thể khuất phục được tiếng nói phản biện chống tham nhũng và phản kháng chế độ độc trị thối nát từ các nhà báo độc lập như chúng tôi, cái thế đàn áp tủn mủn và ti tiện của ngành công an càng cho thấy họ hoang mang và rệu rã đến mức nào.
Kỷ niệm ngày 20/11 năm nay, thêm một lần giới thày cô giáo bị xúc phạm khi lực lượng công an TP.HCM như thể lập thành tích bằng hành vi xâm nhập ngôi trường danh giá này. Thế mới biết nhà dột vỡ từ trên xuống: khi những quan chức Hà Tĩnh còn bất chấp liêm sỉ và vô đạo đến mức dám điều động cả các cô giáo mầm non đi làm lễ tân theo cách “phải chăm khách như chăm bé”, ngành sư phạm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang bị dìm xuống một cái đáy chưa có điểm tận cùng để thỏa mãn cái gọi là “nhiệm vụ chính trị”.
Hiện tình đất nước những tháng năm quá buồn. Thói vô đạo đã trở nên bất chấp trong một chế độ quen thói làm càn, bóc lộ tàn tệ người nghèo và chỉ còn lại cái vỏ ý thức hệ.
—————–
THƯ PHẢN ÁNH
Về việc Công an TP.HCM xâm nhập Trường Đại học Văn hóa vào ngày kỷ niệm 20/11
Kính gửi: Ban giám hiệu Trường Đại học Văn hóa TP.HCM
Đồng kính gửi: – Bộ Giáo dục và Đào tạo
– Bộ Công an
– Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng
Tôi là Phạm Chí Dũng, Nhà báo độc lập, cư trú tại số 298/4 Nguyễn Trọng Tuyển, Phường 1, Quận Tân Bình, TP.HCM.
Sáng ngày 18/11/2016, ngay lúc tôi và con trai đến Khoa Bảo tồn – Bảo tàng của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, nơi vợ tôi giảng dạy, để chúc mừng các thày cô ở đây nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các nhân viên an ninh luôn theo dõi và sách nhiễu tôi đã vào tận cửa Khoa Bảo tồn – Bảo tàng để tìm tôi. Khi tôi bước ra cửa, những nhân viên an ninh này lập tức quay ngoắt đi ra chỗ khác. Tôi hỏi cậu đoàn trường – người đi cùng với các nhân viên an ninh: “20/11 mà công an vào đây làm gì?”, người đoàn viên thanh niên cộng sản trả lời: “Dạ, công an nói họ tìm đối tượng tình nghi”. Tôi nói thẳng: “Đối tượng tình nghi là tôi đây chứ ai! Cậu mời công an ra ngoài trường. Họ không còn ngày nào để “tác nghiệp” mà phải chọn ngày này?”.
Sư phạm và giảng đường là môi trường thiêng liêng. Ngày 20/11 thiêng liêng không kém. Hành vi Công an TP.HCM xâm nhập Trường Đại học Văn hóa TP.HCM đúng dịp kỷ niệm ngày 20/11 có thể được hiểu như một thói quen vô văn hóa, xúc phạm nặng nề nhân phẩm các thày cô giáo và còn có thể vi phạm pháp luật Việt Nam.
Tôi không cho rằng các trường học phải có trách nhiệm và nghĩa vụ “hợp tác” với cơ quan công an trong trường hợp một nhà báo độc lập như tôi – một trong những tiếng nói phản biện chống tham nhũng và phản kháng chế độ độc trị thối nát – đã công khai mọi quan điểm và hành động ngoài ánh sáng chứ không chọn bóng tối để lẩn khuất.
Tôi phản đối mạnh mẽ hành vi Công an TP.HCM xâm nhập Trường Đại học Văn hóa TP.HCM để tìm “đối tượng tình nghi”.
Tôi đề nghị Ban giám hiệu Trường Đại học Văn hóa TP.HCM thông báo vụ việc đáng xấu hổ này cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an để có biện pháp chấn chỉnh, giữ cho trang giấy trắng không bị vấy bẩn bởi hành vi dưới đáy văn hóa của một số nhân viên công an.
Trân trọng.
Ngày 18 tháng 11 năm 2016
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Leave a Comment