Cách đây không lâu cả nước Việt nhốn nháo lên với thông tin về việc quyết định đưa vào chương trình giáo dục phổ thông hai ngoại ngữ mới là tiếng Trung và tiếng Nga vào năm tới.
Hầu hết các ý kiến đưa ra tỏ ra bất bình với dự định này. Lý do phổ biến nhất là do dân Việt đang trong tình trạng ghét bỏ Trung Quốc và việc yêu cầu dân Việt học tiếng Trung như dự báo về việc thắt chặt hơn tình anh em giữa 2 chính phủ Việt – Trung trong tương lai gần.
Vì vậy, câu hỏi cần được đặt ra và giải quyết ở Việt Nam không phải là học tiếng gì, học bao nhiêu thứ tiếng mà là học ngoại ngữ như thế nào? Tôi có tìm hiểu một số hệ thống giáo dục của vài nước phát triển trên thế giới, ngoại ngữ đều là môn học bắt buộc, tuy nhiên học sinh được chọn lựa ngôn ngữ mình muốn học. Tại nước Mỹ, có một số ngôn ngữ phổ biến mà học sinh có thể chọn lựa ví dụ như tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Nhật Bản… học sinh tỏ ra hứng thú với ngôn ngữ nào có thể tự do chọn lựa.
Vì đặc tính đa sắc tộc tại Hoa Kỳ, việc thành thạo một trong những ngôn ngữ đó sẽ trở thành ưu điểm khi kiếm việc làm. Nếu đứng từ quan điểm này, tôi thấy việc người Việt học tiếng Trung là một chọn lựa đúng đắn và hợp lý. Nước Việt nằm ngay sát nách Trung Quốc, chịu ảnh hưởng rất nhiều từ Trung Quốc, và nếu coi đất nước này là một đối thủ đáng gờm, hiểu được ngôn ngữ của họ là một vũ khí rất lợi hại và sắc bén. Hiện nay tại Mỹ, có một chính sách được đưa ra nhằm đảm bảo công việc tương lai cho những sinh viên học chuyên ngành về Trung Đông học và thành thạo ngôn ngữ các nước Trung Đông. Vì sao? Vì Mỹ rất cần các chuyên gia về khu vực Trung Đông sau hàng loạt các cuộc khủng bố đe dọa an ninh của đất nước mình. Vậy tại sao người Việt không thể học tiếng Trung để biết được ngày hôm nay tại cửa khẩu biên giới có bao nhiêu tấn lương thực bẩn được đưa qua đầu độc dân tộc mình? Chưa kể biết nói tiếng Trung, chúng ta cũng có khả năng giao tiếp được với một số các nước lân cận khác như Malaysia hay Singapore hoặc Hong Kong, cơ hội làm việc tại công ty đa quốc gia chắc chắn được mở rộng hơn rất nhiều.
Tiếp đến là xem xét về giáo trình cũng như nội dung dạy học. Tôi nhớ thời gian học tiếng Anh trên lớp loanh quanh khoảng 45 phút học. Với lượng thời gian ngắn như vậy, không thể đảm bảo học sinh tiếp thu đầy đủ được lượng kiến thức. Chưa kể, nội dung học tiếng anh trong các giáo trình phổ thông cứ xa lắc xa lơ, về một cô Mary nói chuyện với anh Peter nào ở tận New York về chuyện dịp nghỉ giáng sinh này anh sẽ đi tắm biển ở Florida… Tất cả những câu chuyện không quen thuộc ấy sẽ khiến học sinh quên ngay lập tức khi quyển sách được đóng lại. Hàng ngàn thạc sĩ tiến sĩ tốt nghiệp hàng năm trong ngành giáo dục, chẳng lẽ không thể biên soạn được một giáo trình với các nội dung dễ học, dễ nhớ hơn? Việc cố gắng áp dụng ngoại ngữ vào cuộc sống hàng ngày là một cách học dễ và nhanh nhất, ví dụ như cuộc đối thoại của thằng Tí thằng Tèo đang chăn trâu ở ven thành phố đi lạc vào khu vực phố cổ Hồ Gươm hỏi nhau đường về nhà. Tất cả những câu chuyện, từ vựng trong bối cảnh gắn liền với đời sống sẽ vô tình đi vào trí nhớ người học nhanh chóng, và chỉ cần bước chân ra Hồ Gươm, có thể các em sẽ bất chợt nhớ tới ví dụ trên và không ngần ngại trả lời du khách nước ngoài khi họ hỏi đường.
Leave a Comment