Thứ Ba, ngày 8 tháng 11 năm 2016 là ngày bầu cử tổng thống Mỹ với hai ứng cử viên chính là Hillary Clinton và Donald Trump, nhưng có thể nói đó cũng là ngày hội bầu cử của cả thế giới. Cuộc bầu cử này đã được trông đợi từ khoảng một đến hai tháng trước, khi hai ứng cử viên đối mặt nhau trong ba cuộc tranh luận được trực tiếp truyền hình. Có thể so sánh các cuộc tranh luận này với một cuộc thi hoa hậu do báo Tiền Phong tổ chức. Người Mỹ cũng cùng gia đình theo dõi và bàn luận về màn đối đáp gay cấn giữa đại diện của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Hình ảnh và thông tin về tiểu sử của hai ứng cử viên cũng tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ở đây tôi sẽ không bàn về Donald Trump, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Tôi chỉ muốn nói về hiện tượng bầu cử của nước Mỹ đã ảnh hưởng đến nhiều nước khác trên thế giới như thế nào, đặc biệt là một đất nước nhỏ như Việt Nam. Phải nói, đêm 8 tháng 11 tại Mỹ (tức sáng ngày 9 ở Việt Nam), người người nhà nhà cập nhật liên tục tin tức bầu cử tại một quốc gia cách cả nửa vòng trái đất. Nói không ngoa, trước đó đã có một nhóm bạn trẻ kêu gọi nhau trên mạng xã hội để gặp mặt nhân cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này. Cũng không ít người bỏ giờ làm việc để tập trung tại một địa điểm theo dõi cuộc bầu cử hết sức gay cấn này. Trên các trang mạng xã hội, vô số trang báo tạo livestream vote ảo dành cho người Việt để tìm hiểu xem dân mình sẽ bỏ phiếu cho Hillary Clinton hay Donald Trump, số người tham gia lên tới cả trăm nghìn.
Tôi vẫn thường đặt câu hỏi, thế nào là tinh thần dân tộc, làm sao để mỗi cá thể có tinh thần yêu nước để họ không rời bỏ tổ quốc mà đi? Ngày hôm qua, tôi đã tìm ra câu trả lời: đó chính là tiếng nói cá nhân. Khi tiếng nói cá nhân, quan điểm cá nhân của bạn được lắng nghe và được thực hiện, bạn sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm với nơi mình đang sinh sống. Và đó là điều mà nước Mỹ đã làm được hơn cả trăm năm nay. Cả thế giới đã dự đoán nếu Trump đắc cử, Hoa Kỳ sẽ trở thành trò hề, như một sự kiện Brexit phiên bản Mỹ vậy. Và Mỹ đã trở thành một trò hề đúng nghĩa, nhưng đồng thời chứng minh cho thế giới thấy rằng, đất nước này có thể trở thành bất cứ điều gì mà người dân Mỹ muốn. Mỹ muốn trở thành một đất nước dân chủ với bình đẳng giới tính, bình đẳng sắc tộc, Obama nghiễm nhiên chiếm giữ Tòa Bạch Ốc trong hai nhiệm kỳ, hoàn thành xuất sắc dự án bảo hiểm Obamacare cho người nghèo, thông qua luật bình đẳng giới tính, hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Nhưng một khi Mỹ muốn quay trở lại hình ảnh một cường quốc vĩ đại, đanh thép và đáng sợ của những tư tưởng bảo thủ, họ sẽ đưa Trump lên đỉnh cao quyền lực bằng mọi giá khi nhà tài phiệt địa ốc kiên quyết đưa ra thông điệp “Make America great again”.
Tuần báo New York mới đây đã đưa kết quả của exit polls (cuộc phỏng vấn cử tri sau giờ bỏ phiếu) để tổng kết và phân loại đặc tính của những người ủng hộ hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Sự khác biệt trong quan điểm của hai đảng ở mức cao ngất, ví dụ như khoảng 90% những người ủng hộ Clinton cho rằng đất nước ở thời điểm hiện tại là ổn, không có gì đáng lo ngại, nhưng 96% bộ phận người bỏ phiếu cho Trump cho rằng nước Mỹ đang ngày trở nên tồi tệ hơn… Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi là minh chứng rõ ràng nhất cho việc tiếng nói của người dân được lắng nghe và tác động đến tương lai của đất nước ra sao (ít nhất là trong 4 năm tới) và cùng lúc đó, nhiều người ở phe đối lập thể hiện thái độ bằng cách gói ghém đồ đạc sẵn sàng để di cư sang nước khác. Họ thất vọng tràn trề về đất nước mình và ví bốn năm nhiệm kỳ của Tổng thống Trump với thời kỳ “dark age”, thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhưng dưới con mắt của người nước ngoài, nước Mỹ vẫn lung linh như một giấc mơ chưa bao giờ kết thúc đối với nhiều dân tộc khác. Ở Mỹ, người dân thể hiện quyền lực qua những lá phiếu và sau đó, bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. Kể cả sự im lặng, mà người Mỹ gọi là “silent majority” (khố đa số thầm lặng) cũng đã làm thay đổi số phận của đất nước này.
Sự diệu kỳ đó là nỗi khao khát của người Việt, khi mà bản thân họ dù biết đang sống trong một thể chế mục nát nhưng không tài nào thay đổi được số phận mình sau hàng thập kỷ. Và bởi những cuộc bầu bán mà nghĩa vụ công dân như một trò đùa cũ kỹ, lá phiếu trên tay như một tờ giấy vụn không hơn, người Việt phải tự huyễn hoặc về sức mạnh của mình qua những cuộc vote ảo tại một đất nước xa xôi khác.
Leave a Comment